leftcenterrightdel
 Nguyễn Quốc Tuấn - sinh viên năm thứ nhất tại Trường ĐH Minerva, Hoa Kỳ

Tháng 9 vừa qua, Nguyễn Quốc Tuấn – cựu học sinh chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội, đã đặt chân tới nước Mỹ.

“Bến đỗ” của Tuấn là Trường ĐH Minerva. Đây là ngôi trường có tỉ lệ trúng tuyển thấp nhất thế giới với tỉ lệ đỗ dao động từ 1-2%. Trong 4 năm học tới, với suất học bổng 80%, Tuấn có cơ hội sinh sống và học tập tại 7 quốc gia theo chương trình của trường.

Trước đó, rất ít người, kể cả thân quen, biết rằng cậu đã từng trải qua “6 tháng đen tối nhất của cuộc đời”.

"Đã có những ngày em như bị đóng đinh trên giường"

Nam sinh tự nhận bản thân là một người rất thích việc học và có khả năng học rất nhanh. Tuy nhiên, sau khi kết thúc 12 năm phổ thông, Tuấn đã dành cho bản thân một quãng thời gian ngừng nghỉ - gap year.

“Sau đợt nộp đơn xin học bổng du học ở năm gap thứ nhất, em như một người “đói kiến thức” - một người tò mò, luôn mong muốn được học thêm những điều mới từ các khoá học trên mạng và các anh chị đi trước. Vì vậy, lựa chọn của em là gap year tiếp tới năm thứ hai. Thậm chí khi tính tới trường hợp xấu nhất, em sẵn sàng gap tới năm thứ ba để làm và học nhiều hơn”. 

Tuy nhiên, điều mà chàng trai 19 tuổi năm đó không ngờ tới là quá trình gap đã gặp không ít khó khăn và đem lại cho cậu đầy khủng hoảng. 

“Em khủng hoảng vì không biết mình thích gì, không biết phải đề bạt bản thân như thế nào trước mặt nhà tuyển sinh. Em sợ rằng chỉ vì có quá nhiều sở thích và điều gì cũng muốn học khiến cho trong mắt ban tuyển sinh, em không hề có một sở thích rõ ràng. Em tưởng rằng ở tuổi 19, đáng ra mình đã phải biết bản thân thích làm gì, học gì và có định hướng rõ ràng trong cuộc đời” – Tuấn nhớ lại. 

Việc nhạy cảm với việc không hoàn thành hay thành công trong các dự án đã khiến cậu không còn tin vào khả năng của bản thân. 

“Có nhiều dự án em đã làm và hoàn thành, nhưng có một số em không thể hoàn thành hoặc làm thường xuyên. Điều này khiến em thấy tội lỗi và không thể thoát ra khỏi vòng xoáy cảm xúc tiêu cực. Em rơi vào trầm cảm ở mức độ trung bình”. 

Với Tuấn, trầm cảm là một chứng rối loạn đáng sợ. 

“Em rơi vào trầm tư, khái quát hoá nhiều suy nghĩ về thế giới xung quanh và gán cho nó một bộ mặt tiêu cực. 

Có những ngày em cảm giác người quá mệt và không thể rời khỏi giường. Cứ như người của em bị đóng đinh trên giường, không thể nào tìm được lối thoát. Em mất hết động lực để tiếp xúc những thứ xung quanh và những việc em từng tìm thấy niềm vui khi làm đã trở nên không còn vui nữa”. 

Bí kíp của ‘người đến muộn’

Khẳng định rằng 6 tháng mắc trầm cảm là "quãng đường đen tối nhất của cuộc đời", khi nhắc lại, một trong những điều Tuấn biết ơn là em vẫn chọn đi tiếp. 

"Phía trước lúc đó không giống như một tương lai mở, mà như một bầu trời mù mịt. Em chỉ làm, làm và làm, với hy vọng rằng bản thân có thể tìm thấy một ý nghĩa nào đó thông qua việc mình làm và giúp đỡ người khác...

Em đã học được rằng mình có thể khủng hoảng và vẫn có thể gặp rất nhiều khủng hoảng khác trong quá trình trưởng thành. Điều mà em có thể làm được đó là yêu bản thân, yêu chính những khủng hoảng mình trải qua, và tận hưởng quá trình đó". 

leftcenterrightdel
 Tuấn là Trưởng ban tổ chức tại dự án Vietnamese Youth Leadership Summit 2022 - trại hè giúp các bạn trẻ tìm thấy ý nghĩa và quản lý cảm xúc cá nhân tốt hơn

Khi đã hiểu được rằng: "Mỗi người đều đi con đường riêng, mình không cần phải khác đi để trở nên tốt hơn trong mắt nhà tuyển sinh hay những người xung quanh", Tuấn thực sự bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học. 

Tự nhận mình là "một học sinh gap year đến muộn", Tuấn cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình này.

“Em đã có nền tảng với IELTS từ trước nhưng chưa học SAT, và điểm cấp 3 của em thấp hơn so với mức cần để có thể vào được môi trường mong ước. 

Để vượt qua được khó khăn này, em đã tự học SAT trong 5 tháng với sự giúp đỡ của một người anh đi trước. Em đọc rất nhiều sách để tích luỹ từ vựng cũng như làm đề SAT Verbal liên tục để có thể luyện tập kĩ năng làm bài. Mỗi khi cảm thấy áp lực từ việc học SAT Verbal, em sẽ thư giãn bằng cách làm thật nhanh 2-3 đề Toán SAT”. 

Một khó khăn nữa từ hồ sơ của Tuấn chính là hoạt động ngoại khoá. 

“Hồi em có ý định đi du học, số lượng hoạt động ngoại khoá của em rất ít - chỉ có 3 hoạt động. Để có thể có đủ hoạt động ngoại khoá cho hồ sơ, em đã tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau, cố gắng hoàn thành cũng như phát triển các hoạt động đó nhờ sự trợ giúp của các anh chị đi trước và các bạn cùng chí hướng”. 

Tuấn đã điền cho hồ sơ của mình thành tựu trong 3 dự án Multiverse of Health, Vietnamese Youth Leadership Summit, và TT Advisers. 

“Đây đều là những dự án em dành rất nhiều thời gian, từ 6 tháng tới 3 năm. Xuyên suốt 3 hoạt động, điều em tâm đắc nhất chính là sức khoẻ tâm thần - một vấn đề đang được chú ý nhiều hơn trên truyền thông đại chúng nhưng cũng gắn liền với các hoạt động của em và cách em tiếp cận vấn đề”. 

Tuấn kể rằng khi mới đến Minerva, điều mà cậu luôn muốn làm là phân tích được lí do tại sao ban tuyển sinh của trường đã chọn mình. 

"Em đi hỏi các bạn xung quanh và biết mỗi người đều có một thành tựu rất khác nhau. Minerva là một môi trường cực kì đa dạng - các bạn đều rất giỏi và quan tâm tới một vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Vì vậy, điều em nghĩ đã thuyết phục được Minerva nằm ở chính 3 hoạt động em chọn điền vào hồ sơ”. 

GenZ chưa dám tìm tới các dịch vụ giúp hỗ trợ rối loạn tâm thần

Hiện nay, ngoài học song bằng Tâm lý học và Khoa học Máy tính, Tuấn còn tham gia một số dự án mà một trong đó là nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần của các bạn trẻ tại Việt Nam. 

"Là một người đã trải qua khủng hoảng tuổi 19 với những sự bấp bênh, đồng thời được tiếp xúc với nhiều bạn không ổn về sức khoẻ tinh thần, em muốn được hiểu thêm về vấn đề và cách tiếp cận với sức khoẻ tâm thần tại nước ngoài cũng như đem sức khoẻ tâm thần tới với nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn. Đặc biệt khi trong cuộc sống hiện nay, những áp lực về điểm số, gia đình và xã hội đang đè nặng lên vai của nhiều bạn" - Tuấn giải thích lý do chọn ngành học. 

leftcenterrightdel
Ảnh Tuấn và các bạn chụp tại cuộc thi SVStartup cấp quốc gia năm 2023 tại Huế  

Những rối loạn tâm thần của GenZ, theo quan sát của Tuấn, bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn đa nhân cách và những rối loạn khác. 

"Rối loạn lo âu và trầm cảm nằm trong 2 vấn đề phổ biến nhất, nhưng không có nghĩa mình không nên quan tâm tới những vấn đề không phổ biến bằng. Những rối loạn nói trên có thể xuất phát từ nhiều thứ từ những chấn thương tâm lý đến từ trải nghiệm cá nhân, từ việc không tìm thấy ý nghĩa, hay từ quá nhiều áp lực đến từ những người xung quanh. 

Đôi khi, các bạn không dám tìm tới các dịch vụ giúp hỗ trợ. Khi chữ “tâm thần” vẫn mang màu sắc tiêu cực, các bạn sợ bị đánh giá.

Tuy nhiên, em tin rằng tới một thời điểm nào đó trong tương lai, khi mọi người có một cái nhìn tích cực hơn, các bạn trẻ có thể tìm tới những dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tâm thần" - Tuấn chia sẻ. 

Còn với các bạn có dự định du học, Tuấn nói rằng: "Đầu tiên, em muốn mọi người hãy thực tế trong quá trình đặt mục tiêu. Điều này sẽ tránh cho các bạn phải làm việc quá sức dẫn tới ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần và khả năng làm việc lâu dài. 

Điều thứ hai, em muốn mọi người dù đang lạc lối hay đang cố gắng trong quá trình tìm kiếm cơ hội du học, là hãy đừng ngừng cố gắng. Nếu không thể bước được một bước lớn, hãy bước từng bước nhỏ thôi cũng được. Cho dù có khủng hoảng tới cỡ nào, em tin rằng một ngày trái ngọt sẽ tới với người xứng đáng". 

Tuấn từng có hàng loạt hoạt động ngoại khóa sôi nổi với những thành tích đáng kể như: Giải Ba cấp quốc gia kì thi SVStarup lần thứ V (2023); Top 12 cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo xã hội miền Bắc VSIC 2022; Trưởng ban tổ chức tại dự án Vietnamese Youth Leadership Summit 2022; Trưởng ban Marketing của TT Advisers; Trưởng ban Công nghệ tại Peer Press.

Cậu cũng là người đồng sáng lập dự án khởi nghiệp Multiverse of Health - dự án với mong muốn cung cấp các buổi tham vấn tâm lý qua mạng với chi phí phù hợp với khả năng chi trả của các bạn học sinh - sinh viên.

Theo vietnamnet