Cha mẹ nên tạo nhiều điều kiện cho con trẻ làm quen với thế giới sách - Ảnh: T.T.D.

Có một ngày trong năm để chúng ta nhắc nhau rằng hiện tầm mức dân trí ta thế nào, từ sự băn khoăn về tri thức như vậy, lòng hiếu tri mới được kích hoạt trong quảng đại quần chúng, và khi đó đọc sách như một hệ quả tất yếu và tích cực của niềm đam mê tri thức và tiến bộ.

Ông Giản Tư Trung 

Ông Giản Tư Trung: Nhà hoạt động giáo dục, viện trưởng Viện Giáo dục IRED:

Khuyến đọc bắt đầu từ kích hoạt lòng hiếu tri

Thói quen đọc thực ra là hệ quả hoặc xem như bắt nguồn từ một thứ khác hay hơn nhiều, đó là lòng hiếu tri. Lòng hiếu tri hiểu theo nghĩa ham hiểu biết và đam mê tri thức. Cho nên, thay vì kêu gọi tạo dựng thói quen đọc thì xây dựng lòng hiếu tri. Cái đấy mới quan trọng. Có lòng hiếu tri, đọc không phải là theo phong trào, mà là một nhu cầu, một khát khao. Khi đó, thói quen đọc sách chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của lòng hiếu tri ấy.



Lòng hiếu tri được hình thành trước hết từ giáo dục gia đình. Trong đó, "dạy con bằng cách làm học trò của con", tức nêu ra vấn đề và lắng nghe con trình bày, giảng giải... là phương pháp được xem có thể kích hoạt lòng hiếu tri của con trẻ.

Nếu cha mẹ là người ham học hỏi, hiểu biết, thì lòng hiếu tri của cha mẹ sẽ ngấm sang con một cách tự nhiên. Từ môi trường gia đình, nếu đứa trẻ được nhà trường và những người hiểu biết từ cộng đồng tác động theo hướng kích hoạt lòng hiếu tri, chắc chắn nó sẽ có thói quen đọc một cách vững chắc.

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý: Đơn giản nhất là đọc sách cùng con

Những đứa trẻ nhà tôi đọc sách tự nhiên như mọi hoạt động khác: chơi, xem tivi hay iPad... Có thể chúng được tiếp xúc với sách từ rất sớm, là một trong những "món đồ chơi" đầu tiên trong đời. Chúng có thể xé, có thể gặm, có thể lật mạnh để nghe tiếng sột soạt, có thể ném đi rồi nhặt lại, có thể sờ vào bộ lông mượt mềm của chú thỏ trên bìa, hay ấn vào nút nghe tiếng ngựa hí từ những cuốn pop up...


Sách hiện diện trong đời chúng tự nhiên như vậy. Có thể một hôm mẹ "vô tình" cầm lên đọc thử, vừa đọc vừa quan sát phản ứng của trẻ. Tùy tình hình, mức độ yêu thích cũng như tương tác của trẻ mà người lớn sẽ tiếp tục quá trình cho trẻ làm quen với sách.

Cũng có trẻ bắt đầu thích đọc sách qua giờ đọc sách hay kể chuyện hằng đêm của ba mẹ. Bản thân những câu chuyện sẽ hấp dẫn trẻ, và có thể chính không gian ấm áp bình an của gia đình cũng làm cho việc đọc sách trở nên thú vị hơn. Hiểu con mình đang đọc sách ở mức độ nào để chọn sách phù hợp cũng là yếu tố quan trọng.

Tuy nhiên trên tất cả, trẻ không thể đem lòng yêu sách nếu cha mẹ không phải là người đọc sách. Vì vậy, hoạt động đơn giản nhất, ít dụng công nhất là đọc sách cùng con. Và tình yêu sách cũng tự nhiên từ ba mẹ thấm vào con lúc nào không biết.

Nhà báo Đỗ Hiền: Đọc sách phải là một niềm yêu thích tự thân

Tôi nghĩ đọc sách là một chuyện thú vui, cuộc sống có người thích nghe nhạc, người thích xem phim, thì có người thích đọc sách. Tôi luôn nghĩ rằng, giống như tình yêu với bất cứ điều gì khác, niềm yêu thích đọc sách thấm vào mỗi chúng ta một cách rất tự nhiên.


Khi tôi còn nhỏ, sống ở một miền quê nghèo, tôi luôn trong tình trạng "đói sách". Ở quê hồi đó cũng chẳng có gì giải trí, nên trong nhà cứ cái gì có chữ là trẻ con đọc. Ông nội tôi là người yêu thơ văn, thường đọc nhiều đoạn Truyện Kiều, thơ Tố Hữu cho những đứa cháu chưa biết chữ nghe, khi biết chữ là chị em tôi đều tự cầm sách đọc. Thói quen đọc sách được ngấm dần từ những vần thơ ông đọc, theo tôi đến tận bây giờ.

Thế nên, tôi muốn tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con theo một cách thật tự nhiên như tôi đã từng được nuôi dưỡng. Cuộc sống bận rộn, không còn nhiều thời gian đọc sách cho riêng mình, nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian đọc sách cùng con kể từ khi con chưa tới 2 tuổi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải rèn hay ép con đọc sách, tôi chỉ coi nó là một sinh hoạt bình thường, lúc nào rảnh thì cùng làm với con. Hãy cứ để việc đọc sách đến một cách tự nhiên, nếu yêu đọc thì tự việc đọc sẽ lâu bền.

Nguyễn Quang Thạch: Người khởi xướng phong trào Sách hóa nông thôn:

Sách phải hiện diện nhiều hơn trong đời sống

Muốn phát triển phong trào đọc sách thì trước tiên phải đưa sách hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của mọi người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, như việc mở ra hệ thống tủ sách trường học, lớp học, gia đình, dòng họ...

Ít nhất 5 triệu bản sách đã về nông thôn trong 10 năm qua và điều này đã giúp kích thích phong trào đọc sách tăng mạnh ở những vùng nông thôn có sách. Có những nơi như huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), khảo sát của ngành giáo dục huyện cho thấy việc đọc sách của trẻ em đã tăng từ 10-20 lần so với trước đây.


Để đạt được điều này, chính quyền, ngành giáo dục và các bậc phụ huynh, các học sinh đã cùng tham gia phát triển phong trào đọc sách. Các trường học trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động để kích thích việc đọc sách trong trẻ em như mở hội chợ sách, thi tìm hiểu về sách, thi kể chuyện, đóng kịch theo sách, thi hùng biện giới thiệu sách hay, thi vẽ tranh theo sách...

Đặc biệt, huyện Thái Thụy còn có một phong trào rất hay trong 4 tết qua. 30.000 trẻ ở đây đã góp được hơn 3 tỉ tiền lì xì để mua sách xây dựng các tủ sách công cộng. Những cuốn sách được mua từ tiền lì xì của mình chắc chắn sẽ khiến các em rất yêu quý, tự hào và muốn đọc chúng.

Dù vậy, những nỗ lực cả phía dân sự và chính quyền trong các năm qua mới chỉ là vài hàng gạch trong một ngôi nhà 5 tầng cần xây dựng.

Theo tuoitre