Học sinh ở Ý sẽ bị đánh giá hạnh kiểm nếu có những hành vi lệch chuẩn trong lớp học - Ảnh: Getty Images
Học sinh ở Ý sẽ bị đánh giá hạnh kiểm nếu có những hành vi lệch chuẩn trong lớp học - Ảnh: Getty Images

Chính sách "đánh giá hạnh kiểm học sinh" - khiến nhiều người liên tưởng đến một chính sách tương tự đã từng được chính phủ Ý áp dụng lần đầu tiên cách đây 100 năm - là một phần của dự thảo Luật Giáo dục được Quốc hội Ý phê duyệt hôm 25/9 cho phép các trường học "được quyền đánh trượt học sinh hoàn toàn dựa vào hành vi của các em".

Theo đó, học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt 5 điểm trở xuống trên thang điểm 10 về hạnh kiểm sẽ bị ở lại lớp ngay cả khi điểm học tập của các em đạt trên mức trung bình. Học sinh trung học phổ thông chỉ đạt 6 điểm về hạnh kiểm sẽ phải thi lại môn Giáo dục công dân. Điểm hạnh kiểm cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng được tham dự kỳ thi tốt nghiệp hay không.

"Đánh giá hành vi của học sinh là giải pháp quan trọng giúp tăng cường trách nhiệm cá nhân, thúc đẩy sự tôn trọng mọi người xung quanh, cũng như khôi phục quyền lực cho giáo viên và góp phần duy trì một môi trường học đường lành mạnh" - ông Giuseppe Valditara, Bộ trưởng Bộ giáo dục Ý cho biết.

Các khoản phạt bằng tiền từ 500 euro (khoảng 14 triệu đồng) đến 10.000 euro (khoảng 275 triệu đồng) cũng được đưa ra cho các hành vi xâm hại hoặc bạo lực do phụ huynh thực hiện nhắm vào nhân viên trường học.

Chính sách này nhận được sự đồng thuận của Hiệp hội Hiệu trưởng và giáo viên Ý (ANP) sau khi chứng kiến sự gia tăng hơn 110% các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến giáo viên và nhân viên trường học trong năm 2024 so với một năm trước đó.

Các báo cáo cho thấy nhiều trường hợp giáo viên phải được điều trị y tế khi xảy ra xung đột với phụ huynh. Đối với học sinh thì phần lớn các vụ mâu thuẫn giữa cô và trò có liên quan đến việc các em sử dụng điện thoại di động trong lớp học.

Ông Antonello Giannelli - Chủ tịch ANP cho biết rằng, biện pháp này là một bước tiến cần thiết khi hiện đang xảy ra quá nhiều trường hợp học sinh có hành vi vô kỷ luật và thiếu chuẩn mực với thầy cô của mình.

“Việc áp dụng hình thức đánh giá hạnh kiểm của học sinh sẽ giúp các em suy nghĩ về trách nhiệm của mình, cũng như nhìn thấy trước hậu quả của những hành vi lệch chuẩn" - ông Antonello giải thích.

Bộ Giáo dục Ý mong đợi chính sách đánh giá hạnh kiểm sẽ giúp môi trường học đường trở nên an toàn và lành mạnh hơn - Ảnh:
Bộ Giáo dục Ý mong đợi chính sách đánh giá hạnh kiểm sẽ giúp môi trường học đường trở nên an toàn và lành mạnh hơn - Ảnh: Pixabay

Theo hãng tin The Guardian, chính sách đánh giá hạnh kiểm học sinh được áp dụng lần đầu tiên ở Ý vào năm 1924, và được duy trì cho đến giữa những năm 1970 thì bị bãi bỏ ở các trường tiểu học và trung học cơ sở do bị công chúng phản đối.

Nó đã trải qua nhiều lần sửa đổi trong những năm tiếp theo trước khi chính thức bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi môi trường giáo dục ở tất cả các bậc học vào năm 2000.

Giờ đây, chính sách "đánh giá hạnh kiểm học sinh" đang quay trở lại trường học của Ý khi được Thượng viện thông qua và Hạ viện phê chuẩn mới đây với 154 phiếu ủng hộ, 97 phiếu chống và 7 phiếu trắng.

Theo phụ nữ TPHCM