Người Mỹ gốc Trung Quốc phản đối ca khúc của YG. (Ảnh: NBC News)

 

Phân biệt chủng tộc luôn là một vấn nạn nhức nhối tại Mỹ và vấn đề này tiếp tục được bàn tán xôn xao trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau loạt vụ xả súng tại thành phố Atlanta (bang Georgia) cách đây vài tuần khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người phụ nữ gốc Á.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các nhân viên tại trang chia sẻ video lớn nhất thế giới Youtube đã có những tranh cãi trong nội bộ, sau khi ban lãnh đạo Youtube từ chối gỡ bỏ một video ca nhạc có nội dung bêu xấu những người gốc Á.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhân viên Youtube đã đưa lên bảng tin nội bộ những lời chỉ trích ban lãnh đạo vì đã từ chối gỡ bỏ video ca nhạc "Meet the Flockers" của rapper YG, lên sóng vào năm 2014. Nội dung bài hát này nói về một vụ trộm tại khu dân cư của người Trung Quốc.

Phần đầu tiên trong lời bài hát còn khuyến khích người nghe đi ăn trộm nhà của người Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ngay sau khi ca khúc được phát hành, cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc đã vô cùng tức giận và đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối.

Thậm chí, trên thực tế đã có một vụ trộm xảy ra tại hạt Gwinnett (bang Georgia), khi 3 đối tượng đã đột nhập vào nhà của một phụ nữ người Mỹ gốc Trung Quốc. Người phụ nữ này sau đó đã nổ súng vào nhóm trộm, bắn chết một người. Sau vụ việc này, đã có hơn 110.000 người đã ký một lá đơn kêu gọi Nhà Trắng cấm bài hát "Meet the Flockers" xuất hiện trên các mạng xã hội, đồng thời mở một cuộc điều tra nhằm vào rapper YG.

Những bất đồng liên quan đến "Meet the Flockers" lại tiếp tục xuất hiện sau khi một số nhân viên tại Youtube đã yêu cầu đội ngũ kiểm soát nội dung gỡ bỏ ca khúc này khỏi nền tảng. Tuy nhiên, hai lãnh đạo giấu tên của mảng quản lý nội dung đã gửi một bức thư điện tử vào ngày 22/3 và từ chối yêu cầu nói trên.

Theo các nhà lãnh đạo trên, mặc dù lời bài hát đã vi phạm chính sách về các phát ngôn thù hận, nhưng Youtube vẫn đưa ra một số ngoại lệ đối với nội dung mang tính giáo dục, tư liệu, khoa học hoặc nghệ thuật (EDSA). Các nhà lãnh đạo này quyết định chưa gỡ bỏ ca khúc trên, bởi họ lo ngại việc này sẽ tạo tiền lệ buộc Youtube phải gỡ bỏ rất nhiều nội dung khác tương tự.

Trong quý 4/2020, Youtube cho biết nền tảng này đã gỡ bỏ hơn 97.000 video cùng hơn 46 triệu bình luận vì vi phạm chính sách liên quan đến những phát ngôn thù hận.

Theo Vietnamplus