leftcenterrightdel
 Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, Chính trị viên, đảo Len Đao hạnh phúc khi người mẹ ngoài 60 tuổi vẫn vượt sóng gió ra Trường Sa thăm con trai

Thượng tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, quê ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa: Tôi ra đảo công tác đến nay đã 54 tháng, cũng được về nhà 1 đôi lần thăm mẹ. Mẹ tôi nay đã ngoài 70 tuổi, tuổi già thường đau ốm, nhất là khi thời tiết thay đổi chuyển mùa.

Mỗi lần tôi gọi điện về hỏi thăm, giọng mẹ tôi như lạc đi, nén lòng căn dặn, dạy dỗ tôi như đứa con còn nhỏ. Mẹ vẫn nhắc lại cả những điều hay lẽ phải, để tôi có động lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Thượng tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây 

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ ngày tôi lên đường nhập ngũ tháng 3/1999. Hôm đó, mẹ ôm chặt tôi vào lòng rồi khóc nấc lên. Từ lần đầu tiên rời xa vòng tay mẹ, rồi tôi cứ mải miết trong quân ngũ, ra Trường Sa công tác, tôi cứ xa mẹ biền biệt tháng năm. Song cảm giác 2 bàn tay gầy guộc của mẹ cứ ôm chặt tôi thật lâu, vỗ về như lời động viên, nhắc nhớ tôi ngày ấy đã theo tôi suốt chặng đường quân ngũ. Tôi nhớ, lần nào mẹ cũng dặn dò con hãy kiên cường vượt qua tất cả, phía sau lưng tôi, nơi quê nhà tôi luôn có trọn vẹn tình yêu của mẹ.

Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi, cán bộ đảo An Bang, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam: Tôi ra đảo công tác được gần 1 năm, mẹ tôi ở quê nhà vẫn khỏe. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi đăng ký dự thi vào Trường sĩ quan Lục quân 2. Ngay từ ngày đầu lên trường nhập học, hình ảnh của mẹ cùng những giọt nước mắt chia xa và lời dặn dò ngắt quãng rằng con nhớ giữ gìn sức khỏe, chấp hành nghiêm kỷ luật, phấn đấu học tập thật tốt để trở thành người cán bộ thực sự tiêu biểu. Tôi biết, những giọt nước mắt ngày đó của mẹ là nỗi niềm mẹ con sẽ phải chia xa nhiều ngày tháng. Mẹ cũng tự hào khi thấy con trai lần đầu khoác trên mình màu áo của người lính bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel
 Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi, cán bộ đảo An Bang (bên trái) trong giờ giải lao cùng đồng đội

Sau khi ra trường, tôi về nhận công tác tại Quân chủng Hải quân, rồi thực hiện nhiệm vụ canh giữ nơi tuyến đầu của Tổ quốc ở Trường Sa. Tiễn tôi lên đường đi công tác, mẹ cũng chỉ rưng rưng nước mắt, lặng lẽ lau đi thật nhanh mà không nói nhiều lời. Ở đảo xa, tôi muốn nói với mẹ: Bố mẹ hãy yên tâm, con và đồng đội vẫn mạnh khỏe, vật chất tinh thần đầy đủ, luôn giữ vững tay súng, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, Chính trị viên, đảo Len Đao, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hà Nội. Tôi ra công tác ở đảo được 6 tháng. Năm nay, mẹ tôi hơn 60 tuổi, sức khỏe vẫn ổn, song những tháng giao mùa, thời tiết thay đổi, mẹ tôi thường hay bị cảm lạnh và ho lâu ngày. Cũng có lúc mẹ phải đi bệnh viện cấp cứu. Thế nhưng, mỗi lần tôi điện thoại hỏi thăm, mẹ đều nói mẹ vẫn khoẻ. Điều đặc biệt, mẹ khiến tôi bất ngờ nhất là đợt hè vừa qua, mẹ đã lặn lội ra đảo thăm tôi. 2 mẹ con gặp nhau giữa biển trời Trường Sa thực sự vỡ oà cảm xúc, nhiều ngày sau niềm hạnh phúc trong tôi vẫn dâng đầy.

leftcenterrightdel
Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, Chính trị viên, đảo Len Đao vẫn mãi nhớ nụ cười hạnh phúc của mẹ khi gặp con trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc 

Tôi nhớ nhất là nụ cười hạnh phúc bừng lên khi mẹ gặp tôi ở đảo. Thực sự cho đến bây giờ đi công tác xa nhà, tôi mới hiểu được những ước mơ, những vất vả, khó khăn và cả nước mắt mẹ tôi luôn cất giấu sau nụ cười, để dành cho tôi tất cả những điều tốt đẹp, rạng ngời nhất mà mẹ có.

Trung sĩ Trần Đức Toàn, đảo An Bang, quê ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai: Tôi ra đảo công tác được 6 tháng, ở quê nhà mẹ tôi vẫn khoẻ. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ năm tôi lên 10 tuổi, có lần tôi bị ốm, sốt siêu vi rất nặng, phải chuyển lên bệnh viện tỉnh. Lúc tỉnh dậy sau những cơn sốt miên man, tôi thấy khuôn mặt mẹ hốc hác, cùng ánh mắt lo lắng, xót xa vì tôi bị bệnh. Đến khi tôi khỏi ốm, sự mỏi mệt hiện rõ trên mắt mẹ. Mẹ tôi gầy đi nhiều, nhưng mẹ vẫn quen tay muốn bón từng thìa cháo cho tôi mau khoẻ lại. Tình mẫu tử mẹ dành cho tôi, đến giờ đi xa mẹ cả nghìn cây số, tôi vẫn không thể quên.

leftcenterrightdel
Trung sĩ Trần Đức Toàn, đảo An Bang luôn nhớ tình mẹ nuôi dưỡng mình trưởng thành 

Tôi muốn nói với bố mẹ ở quê nhà hãy yên tâm, giữ gìn sức khỏe thật tốt. Con xin hứa với bố mẹ, gia đình, bạn bè, quê hương, con vẫn phát huy tốt truyền thống của đơn vị, gia đình, luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa.

Chiến sĩ Binh nhất Thạch Tuấn Kiệt, công tác tại đảo Len Đao, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh: Tôi ra công tác trên đảo được 11 tháng. Mẹ tôi ở nhà sức khỏe vẫn bình thường. Ra đảo xa, tôi luôn mang theo hình bóng mẹ để tự động viên mình mỗi ngày.

Hình ảnh tôi nhớ nhất về mẹ là thời thơ ấu, mỗi khi tan học, mẹ đón tôi về bằng xe đạp, rồi cùng mẹ đi lấy bao đũa về bán. Những ngày rong ruổi với mẹ trên những cung đường bụi bặm của thành phố Hồ Chí Minh tuy đơn giản, mộc mạc, nhưng chan chứa tình yêu thương và khắc sâu trong ký ức tôi về một thời lam lũ, vất vả của mẹ, để nuôi tôi khôn lớn trưởng thành.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Binh nhất Thạch Tuấn Kiệt, công tác tại đảo Len Đao mang theo khung trời tuổi thơ với hình ảnh lam lũ của mẹ ra đảo làm động lực phấn đấu mỗi ngày

Tôi muốn nói với mẹ rằng: "Nay con công tác ở đảo xa và đã trưởng thành hơn, con hứa sẽ hoàn thành thật tốt nghĩa vụ của mình và sớm trở về bên mẹ. Khi về, con sẽ là chỗ dựa vững chắc cho mẹ và gánh vác thay tất cả những vất vả, lo toan còn lại của mẹ".

Binh nhất Nguyễn Huân, phân đội 3, Cụm chiến đấu 1, Đảo Đá Tây, quê ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận: Tôi ra đảo công tác được 11 tháng. Mẹ tôi 45 tuổi, ở nhà làm công nhân để lo toan cuộc sống gia đình. Từ khi tôi sinh ra đã không biết mặt bố, một mình mẹ dành rất cả tình cảm thân thương và bù đắp cho tôi. Dẫu thiếu vắng cha, nhưng khi còn ở nhà, năm nào mẹ cũng đều tổ chức sinh nhật cho tôi đầy ắp tiếng cười. Mẹ cùng tôi thắp nến cầu nguyện những điều tốt đẹp, may mắn nhất đến với 2 mẹ con tôi.

leftcenterrightdel
 Canh giữ nơi đảo xa, các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn mang theo hình bóng mẹ làm điểm tựa vững chắc nơi đầu sóng

Từ ngày tôi nhập ngũ đầu năm 2023, được khoác trên mình màu áo lính Hải quân, mẹ tôi rất vui mừng và tự hào về con trai mình, nhất là khi biết tôi ra đảo quần Trường Sa công tác. Đây cũng là lần đầu tiên 2 mẹ con tôi xa nhau dài nhất. Tôi luôn động viên mẹ và hứa với mẹ sẽ quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội để không phụ bao nỗi nhọc nhằn, khó khăn vất vả của mẹ - người vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người.

Nhà chỉ có 2 mẹ con, nhưng từ nhỏ đến giờ, mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc, là nguồn cổ vũ vô cùng to lớn để tôi yên tâm công tác ở đảo xa. Tôi luôn thấy mình là người thật may mắn và hạnh phúc mỗi khi nhớ về mẹ./.

Hải Linh (ghi), Ảnh: V4HQ, NVCC