Đây là hoạt động nhớ về cuội nguồn, tri ân các bậc Tiên đế, nhằm giáo dục và nhắc nhở thế hệ đi sau "uống nước nhớ nguồn" giữ gìn và lưu truyền những giá trị tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử, văn hoá quý giá của Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hoá thế giới giữa lòng thủ đô Hà Nội

Phát biểu tại lễ Khai mạc, ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết, hàng năm vào ngày 3/3 âm lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản vương triều Lý tổ chức nghi lễ dâng hương và cùng nhau ôn lại lịch sử, tri ân vị hoàng đế đã quyết định dời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của vương triều Lý và quốc gia Đại Việt. Để nước Đại Việt thời Lý nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á, trong đó Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của đất nước, nơi hội tụ và kết tinh văn hóa dân tộc.

Tới dự lễ và dâng hương có các vị lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, tăng ni, phật tử và đông đảo người dân.

Nằm trong khuôn khổ Festival truyền thống văn hoá Việt 2019 do Queen Group phối hợp Vạn Show cùng Ban Quản Lý di sản Hoàng Thành Thăng Long tổ chức, Lễ dâng hương diễn ra với sự chứng kiến của đông đảo người dân thủ đô hướng về nguồn cội.



Ban tổ chức Festival Lễ hội truyền thống Việt quyết định mở cửa miễn phí cho toàn bộ khách thăm quan đến dự lễ hội tại Hoàng Thành Thăng Long từ (6/4 đến 9/4) để người dân có cơ hội hoà mình cùng văn hoá truyền thống dân gian từ 8-16h trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội. Đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật văn hoá dân gian được tổ chức vào buổi tối sẽ giảm 50% giá vé cho toàn bộ du khách đến thưởng thức.

Vào ngày 7/4, tức Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch, Ban tổ chức đã bố trí thêm nhiều trò chơi dân gian để phục vụ người dân tham gia. Tại sân Hoàng Thành Thăng Long, bên cạnh những thiết kế không gian mang đậm nét Việt, tái hiện cảnh làng cổ, chợ xưa, cây tre, giếng nước, mái đình, làng nghề, hoàng cung, con đường nón và các loại hình văn hóa dân gian cùng các trò chơi dân gian đã hấp dẫn du khách, đặc biệt là các em nhỏ tham gia lễ hội - tổng hoà cho một bức tranh đẹp về biểu diễn và dàn dựng công phu.

Trong những ngày tiếp theo của lễ hội, BTC tiếp tục lồng ghép đa dạng các chương trình như trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn thời trang nghi lễ đạo Mẫu, nghi thức trầu văn, hầu đồng… dàn dựng không gian đền miếu, tượng sáp, khăn the áo xếp, quần áo hoàng cung. Ngoài ra, Lễ hội còn kết nối tinh hoa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế, thể hiện ở nhiều gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm nhằm quảng bá hình ảnh và khẳng định hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế nước nhà đối với bạn bè quốc tế; đồng thời, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp tham gia giao thương kết nối và phát triển nền kinh tế nước nhà. Đây là sự kiện mang đậm ý nghĩa sâu sắc đầy tính nhân văn tới cộng đồng.

                                                                                                                                                            Theo phunuvietnam