Mối tình ngang trái của Lê Thị Thảo và Vũ Minh Tâm là câu chuyện có thật cách nay hơn 60 năm với tình tiết gần giống như bi kịch về tình yêu đã đi vào huyền thoại của Romeo - Juliet được viết bởi đại văn hào William Shakespeare. Tâm là chàng trai quê ở Tiền Giang yêu cô gái tên Thảo đang độ tuổi vừa đôi tám. Cả hai yêu nhau say đắm, nồng nàn, thường hẹn hò trên đồi thông trong những buổi chiều sương lãng đãng. Tại đây, Tâm đã dành cho người con gái của mình những lời yêu thương tha thiết, ước hẹn một ngày sẽ nên duyên vợ chồng.
Ngờ đâu, cha mẹ Tâm khi biết chuyện đã ngăn cấm đôi trẻ vì lý do không môn đăng hộ đối. Phẫn chí, Tâm bỏ đi xa, để một ngày, Thảo nghe tin người yêu đã chết. Nàng đau đớn tìm ra nơi hẹn hò khi xưa mà khóc than, rồi gieo mình tự vẫn. Nhưng éo le là Tâm không chết và đã trở về tìm người yêu. Đau đớn khi biết Thảo chết vì tình và chàng cũng tự tử để giữ trọn lời thề non hẹn biển với người con gái mình yêu thương. Hai người cũng được thỏa ước nguyện nằm bên nhau mãi mãi trên đồi thông và cũng từ đó đồi thông có tên là “Đồi Thông Hai Mộ”.
Khu du lịch hồ Than Thở cách trung tâm Tp. Đà Lạt 6km về phía đông.
Đồi thông bên hồ Than Thở cũng được đánh giá là đẹp nhất Đà Lạt vì cây ở đây thưa hơn và cao đều.
Xung quanh hồ Than Thở bốn mùa hoa nở.
Dịch vụ đi xe ngựa dưới những tán thông giúp du khách có cảm giác thư thái và thoải mái.
Du khách ngắm cảnh trên một chếc cầu nhỏ trong khu du lịch hồ Than Thở.
Khu du lịch hồ Than Thở gắn với câu chuyện tình buồn đã là đề tài cho nhiều tác phẩm thơ ca.
Du khách viếng thăm mộ phần của Lê Thị Thảo và Vũ Minh Tâm.
Các loài hoa đua nhau khoe sắc trong khu du lịch hồ Than Thở.
Từ sau năm 1975, Tp. Đà Lạt đã tích cực trồng lại những phần rừng thông bị tàn phá trong chiến tranh và tiến hành nạo vét hồ, xây dựng các khu vui chơi giải trí nhằm thu hút du khách.
Mô hình nhà rông trong khu du lịch hồ Than Thở.
Đến tham quan hồ Than Thở, du khách sẽ được dạo bước trên những bãi cỏ xanh, ngắm nhìn hàng thông in bóng xuống mặt hồ.
Hồ Than Thở là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Đà Lạt.
Vùng Hồ Than Thở - Đồi Thông Hai Mộ trước đây có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Đến năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước để cung cấp nước sinh hoạt cho Đà Lạt nên hồ rộng hơn và có tên là “Lac des Soupirs” với hai nghĩa là “rì rào” hoặc “than thở”. Với người Pháp thì theo nghĩa thứ nhất vì xung quanh hồ, cả rừng thông luôn reo rì rào trong gió, nhưng với người Đà Lạt, khung cảnh nên thơ của mặt hồ và đồi thông vốn là nơi hẹn họ lý tưởng của các cặp tình nhân và cũng xảy ra những câu chuyện tình buồn nên hồ được lấy theo nghĩa thứ hai: hồ Than Thở.
Đồi thông bên hồ Than Thở cũng được đánh giá là đẹp nhất Đà Lạt vì thông ở đây thưa, cao đều khiến ánh nắng khi chiếu xuyên qua tạo bóng rất đẹp trên thảm cỏ xanh mướt. Đặc biệt, trong đồi thông, có một đôi cây thông thay vì mọc thẳng như bình thường, bỗng nhiên mọc xiên một đoạn và quấn lấy nhau rồi mới vươn thẳng lên cao. Đôi thông này có tên “thông tình nhân” trở thành trung tâm của Khu du lịch và luôn thu hút rất nhiều du khách đến chụp hình lưu niệm.
Người dân vùng cao nguyên Lâm Viên còn lưu truyền một truyền thuyết rằng: Vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh quân xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi tòng quân, Hoàng Tùng và người yêu là Mai Nương rủ nhau ra bên bờ hồ hẹn thề đến mùa xuân - khi hoa mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên đã gieo mình xuống hồ. Đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau đớn khi biết người yêu đã chết nên cũng gieo mình xuống hồ nước. Cảm thương đôi trai gái bạc mệnh, rừng thông rì rầm khúc nhạc bi ai. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay. |
Theo Báo ảnh Việt Nam