Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh
Tương truyền, bà vừa là một nhân vật huyền thoại, vừa là một nhân vật lịch sử. Người phụ nữ này xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, có nhan sắc và đảm đang, được vua Lý chọn làm vợ. Trở thành cung phi, bà xin vua cho khai khẩn ruộng đồng quê mình, biến nơi đây trở thành một vùng trù phú, dân chúng ấm no.
Khi cuộc kháng chiến chống quân Tống xảy ra, bà đã đảm nhận trông coi kho lương thực của triều đình và đã mất trong cuộc chiến này vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Tưởng nhớ công lao của bà, nhà vua đã phong cho là Phúc Thần và cho dựng đền thờ bà ngay tại kho lương thực cũ của triều đình. Theo văn bia để lại, đền vốn là nơi đặt kho lương thực của quân nhà Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1076). Tên gọi Bà Chúa Kho bắt nguồn từ đó.
|
Đền Bà Chúa Kho ở phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh thờ một cung phi nhà Lý. |
Bắt đầu từ năm 1989, đền Bà Chúa Kho được Nhà nước xếp hạng và được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô rất lớn.
Hằng năm, vào độ trước rằm tháng Giêng và cuối năm, đền Bà Chúa Kho lại đón hàng vạn khách thập phương đến cầu tài cầu lộc, mong công việc làm ăn thuận buồm, xuôi gió.
Bà Chúa Kho Lý Châu Nương
Bà Chúa Kho được thờ phụng ở đình Giảng Võ tên thật là Lý Thị Châu Nương. Cha bà là Lý Quýnh, quê ở làng Cổ Pháp (nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), làm chức Điện hộ binh lương đời nhà Trần, chuyên giữ gìn kho lương cho quân lính. Khi đến đóng quân trong kinh thành, ông cưới vợ ở phường Võ Trại (Giảng Võ ngày nay), rồi hạ sinh bà ở đó.
Thuở nhỏ, Lý Thị Châu Nương theo học ở phường Bích Câu, nổi tiếng là người văn võ song toàn lại có nhan sắc vô cùng diễm lệ. Năm bà 18 tuổi thì người cha mất. Sau thời gian cư tang, bà nhận lời về làm vợ một viên Thái bảo họ Trần, làm chức Đốc bộ ở châu Hoan (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) rồi theo chồng về nơi sinh sống mới.
Đến thời vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308), giặc Nguyên sang xâm lược nước ta. Một cánh tiên phong của quân Nguyên từ Chiêm Thành tiến đánh châu Hoan. Gặp lúc quan Thái bảo bận đi cự giặc ở bên ngoài nên châu Hoan bị vây riết. Không hề nao núng, Châu Nương buộc tóc giả trai, đem 2.000 gia binh kiên cường chiến đấu, không cho giặc vào cướp phá. Khi Trần Thái bảo trở về, hai vợ chồng hợp quân đánh cho giặc phải lui về châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay).
Được tin quan Thái bảo thắng trận, nhà vua triệu hai vợ chồng về kinh khen thưởng. Trần Thái bảo được giao chức Tiền quân Thánh Dực, chỉ huy một đạo quân hộ vệ nhà vua. Lý Châu Nương thì nhận nhiệm vụ trông coi kho tàng ở kinh đô Thăng Long.
|
Đền thời Bà Chúa Kho Lý Châu Nương ở Võ Trại (đình làng Giảng Võ, Hà Nội ngày nay. |
Bấy giờ, đạo chủ lực của quân Nguyên từ phía Bắc bắt đầu tiến đánh nước ta. Thế giặc quá mạnh, quân triều đình phải rút khỏi kinh đô để bảo toàn lực lượng. Quan Thái bảo chỉ huy một đạo quân đi chặn giặc ở Thao Giang, không may tử trận ở đó. Nén đau thương, người vợ vẫn đôn đốc quân lính, một mặt đương cự giặc, một mặt bí mật di chuyển, bảo vệ các kho tàng của triều đình. Từ đó cho đến lúc triều đình đại phá quân xâm lược, kho tàng lương thảo của kinh đô dưới sự bảo hộ của Châu Nương vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Sau ngày đất nước ca khúc khải hoàn, vì quá thương nhớ, Châu Nương đã dùng một dải lụa hồng, tử tiết theo chồng. Vua Trần vô cùng thương tiếc người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã theo công trạng lúc sinh thời mà phong bà là ‘Quản chưởng Quốc khố Công chúa’ (tức Công chúa trông coi kho tàng của nhà nước). Lại sắc cho Võ Trại và vùng châu Hoan lập đền thờ bà, riêng dân chúng Võ Trại được miễn mọi loại thuế khóa, tạp dịch để chú tâm thờ phụng Bà Chúa Kho. Đền thờ ở Võ Trại, nay là đình Giảng Võ, đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử tháng 7/1994.
Bà Chúa Kho Nguyễn Thị Trinh
Chuyện kể rằng, vào đời vua Tự Đức (1848-1883), quan Vệ uý Nguyễn Kế Hưng coi giữ kho lương thực và khí giới của thành Nam Định có người con gái tên là Nguyễn Thị Trinh. Bà là người tính tình cương nghị, sức khỏe hơn người, từ nhỏ đã ham tập võ nghệ, ngoài 20 tuổi không chịu lấy chồng mà chỉ thích múa gươm luyện đao và giúp cha trong việc quản lý lương thực, khí giới.
Cuối năm 1873, quân Pháp mở rộng tấn công xâm lược ra miền Bắc, lần lượt chiếm được các thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Phủ Lý, Ninh Bình… Ngày 4/12/1873 chúng dùng thuyền theo đường thủy tiến đánh Nam Định. Quan Vệ uý cùng quân sĩ chiến đấu bảo vệ Cột Cờ. Thế giặc mạnh, tình thế quân ta trở nên nguy ngập. Bấy giờ, bà Nguyễn Thị Trinh được giao nhiệm vụ canh giữ kho quân lương, nghe tin cha đang bị giặc Pháp vây tại Cột Cờ bèn truyền cho một toán quân chốt chặt các cửa kho, sau đó dẫn toán quân còn lại tiến ra trợ chiến quyết tử thủ giữ vững lá cờ Nam triều trên đỉnh kỳ đài. Khi bà ra đến nơi thì cha bà đã tử thương, những người lính còn lại cùng toán quân tiếp viện cùng nhau chống cự đến hơi thở cuối cùng rồi tất cả đều trúng đạn ngã xuống. Bà Nguyễn Thị Trinh đã tử trận dưới chân Cột Cờ. Bà hy sinh khi mới 21 tuổi. Thành Nam Định thất thủ ngày 21 tháng Mười năm Quý Dậu (11/12/1873). Nhân dân đã tìm được thi thể bà và chôn cất ngay tại nơi hy sinh, phía đông của Cột Cờ.
Sau khi Hòa ước giữa triều Nguyễn và Pháp được ký ngày 15/3/1874, quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kỳ, vua Tự Đức đã phong tặng bà là ‘Giám thương Công chúa’ (Công chúa coi kho). Triều đình còn cho lập đền thờ bà ngay dưới chân Cột Cờ nên nhân dân địa phương còn gọi Nguyễn Thị Trinh là ‘bà Chúa Cột Cờ’.
Đến đời vua Thành Thái (1889-1901), triều đình gia phong cho Nguyễn Thị Trinh thêm mỹ tự là ‘Tiết liệt Anh phong’ với duệ hiệu đầy đủ là ‘Tiết liệt Anh phong - Giám thương Công chúa’.
Sau này khi Pháp đã đặt ách đô hộ lên toàn lãnh thổ nước ta, đền thờ Bà Chúa Kho Nguyễn Thị Trinh bị chúng phá hủy nhiều lần. Cuối cùng để che mắt giặc, người dân khi xây lại nơi thờ của bà Nguyễn Thị Trinh đã đổi tên thành miếu Bạch Hoa.
Phụ nữ Việt Nam