“Nói không” với túi nylon


Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Dù nằm cách đất liền không xa nhưng hòn đảo này có vô số những điều đặc biệt, trong đó nổi tiếng là địa phương “nói không với túi nylon” khi cuộc vận động này được thực hiện từ tháng 5/2009. Từ đó đến nay, nó đã trở thành nếp sinh hoạt của người dân và cuộc sống dường như không có bất kỳ ảnh hưởng hay xáo trộn nào. Thế nên, khi ghé Cù Lao Chàm, nếu đi theo đoàn du lịch, bạn luôn được các hướng dẫn viên nhắc nhở không được phép xả túi nylon. Bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn khi ghé các hàng quán hay những khu chợ trên đảo, người ta sử dụng những chiếc túi được cắt từ những chiếc bao tải rồi may lại với nhiều kích cỡ khác nhau. Những chiếc túi này có thể tái sử dụng nhiều lần khi giặt sạch.

Túi bằng giấy báo cũng được dùng rộng rãi trên đảo khi có thể đựng dăm con cá, mớ rau, vài lạng thịt. Ở những buổi chợ sáng, các bà, các mẹ đi chợ đều xách chiếc làn làm bằng nhựa, bằng cói, mây... mà tuyệt nhiên không sử dụng túi nylon. Bởi vậy, khi đi dọc bờ biển của bãi Làng, bãi Ông, bạn sẽ không thấy túi nylon bị vứt trên đường hay bám thành từng mảng lớn trên mặt nước. Khi bạn theo thuyền đến với các bãi Hương, bãi Đá chồng, bãi Xếp, bãi Bìm... nằm cách xa đảo lớn hay thử cảm giác lặn ngắm san hô thì thấy biển lúc nào cũng trong xanh với những bờ cát trắng phẳng mịn.

Vào lúc cao điểm, có khi Cù Lao Chàm đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày nhưng suốt từ đó đến nay, hòn đảo này vẫn giữ được vẻ trong lành của môi trường, cảnh quan; nét hoang sơ vẫn còn vẹn nguyên. Thói quen văn minh ấy, khiến du khách đến với Cù Lao Chàm càng cảm nhận được sự thân thiện của con người nơi đây.


Hòn đảo thắp đèn dầu

Trọn 1 đêm ở Cù Lao Chàm, chúng tôi thấy mình hạnh phúc khi được chìm vào không khí tĩnh lặng với những ánh đèn dầu, ánh nến phát ra từ các ngôi nhà của người dân. Ở Cù Lao Chàm, điện được chia luân phiên cho 2 xóm trên, dưới theo từng ngày. Vì thế, có những đêm cả xóm trên, hoặc xóm dưới chìm trong bóng tối. Đi trên những con đường trải bê tông dọc bờ biển có những đoạn đường tối như mực vì bị bóng cây che phủ. Những quán ăn được thắp bởi ánh nến hay những chiếc đèn sạc tạo thành những chùm sáng đơn lẻ.

Nằm nghe tiếng sóng biển vỗ bờ, phất phơ chiếc quạt giấy trên tay, hoa sử quân tử tỏa hương trong đêm hay những câu chuyện rì rầm trong bóng tối, cảm giác như chúng ta đã rủ bỏ mọi phiền muộn của cuộc sống thị thành tấp nập để được tận hưởng sự an nhiên tuyệt đối. Cảm giác đó khiến chúng tôi thấy như mình được trở về với tuổi thơ của những ngày tháng cũ êm đềm.

Đôi chân không mỏi

Đến Cù Lao Chàm, không ai bỏ qua cơ hội được khám phá các bãi biển đẹp trên đảo. Bãi Làng và bãi Ông là sầm uất nhất - nơi có đông dân cư sinh sống. Trong khi đó, men theo con đường bê tông của khu vực tránh bão cho thuyền bè, bạn sẽ được khám phá bãi Xếp. Bãi này khá nhỏ nhưng độc đáo bởi có hàng dừa vi vu trong gió, cây cầu gỗ dài chừng 20m hướng ra biển trở thành địa điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp vào mỗi buổi bình minh hay hoàng hôn. Bãi này cũng là nơi vui chơi, tắm biển, chơi bóng chuyền bãi biển... yêu thích của người dân trên đảo.

Bạn có thể lựa chọn thuê thuyền của người dân địa phương với mức giá khoảng 100.000 đồng/người để khám phá bãi Chồng, bãi Hương, bãi Yến... Chọn đi vào những ngày nắng đẹp sẽ cảm nhận được làn nước trong xanh, thăm thẳm; những bãi cát vàng óng, phẳng lì; những tảng đá xếp chồng lên nhau tạo hình thù kỳ thú hay lặn ngắm san hô - thế giới tuyệt tác dưới nước.


Đi tản bộ trên đảo, chúng tôi ghé thăm nhiều di tích nổi tiếng. Đó là giếng cổ Chăm nằm tại ngã 3 con đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm. Chùa Hải Tạng - công trình kiến trúc Phật giáo có tuổi đời hơn 200 năm - nằm tựa lưng núi, mặt hướng biển. Bảo tàng di sản văn hóa biển - nơi trưng bày, lưu giữ hàng nghìn hiện vật từ những con tàu đắm có niên đại khoảng 500 năm, trong đó có số lượng lớn đồ gốm quý giá.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

* Hiện nay, để đến Cù Lao Chàm rất dễ dàng. Từ Đà Nẵng, bạn có thể đi xe buýt ra bến Cửa Đại, Hội An, sau đó mua vé đi cano với mức giá 150.000 đồng/người, thời gian chỉ mất 20 phút. Đi bằng cano linh hoạt hơn vì liên tục có chuyến, lại có thể về trong ngày dễ dàng. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể chọn đi tàu gỗ với giá 30.000 đồng/người. Tàu gỗ có 1 chuyến duy nhất ra đảo lúc 8h sáng tại bến Cửa Đại (Hội An) và quay trở về đất liền lúc 11h30 tại bến Cù Lao Chàm.

* Đến Cù Lao Chàm, bạn có thể chọn ở các nhà nghỉ nhưng đa phần du khách thích dịch vụ homestay với mức giá chừng 50.000 đồng/người. Bạn cũng có thêm lựa chọn nếu muốn cắm trại, dựng lều tại các bãi biển trên đảo.

* Cù Lao Chàm có khá nhiều đặc sản hấp dẫn: bánh xu xê và bánh ít - 2 loại bánh nổi tiếng nơi đây. Nếu muốn thưởng thức hải sản, bạn có thể ghé các nhà hàng ở bãi Ông, bãi Hương với những món ăn: mực một nắng, ốc vú nàng, bào ngư...