Đến đây du khách vừa có thể tham quan những công trình kiến trúc cổ kính như cầu ngói Thanh Toàn, các ngôi chùa, đình làng, nhà thờ họ, vừa có thể dạo chơi chợ quê, thăm thú cảnh đồng quê, sông nước, và thưởng thức những món ăn dân dã đậm chất thôn quê.
Làng Thanh Toàn được lập vào năm 1471. Lúc đầu làng có tên là Thanh Toàn, sau đó để tránh phạm huý vua Thiệu Trị (1841 - 1847) nên đổi tên thành làng Thanh Thuỷ, sau này làng còn có tên là Thanh Thủy Chánh nhưng dân gian vẫn quen gọi là làng Thanh Toàn. Trong làng có tất cả 13 dòng họ chính cùng sinh sống.
Trải qua thời gian và bao biến cố lịch sử, làng Thanh Toàn đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc tuy không lớn nhưng khá cổ kính, tôn nghiêm như quần thể đình, chùa, miếu, nhà thờ của các dòng họ... được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Huế.
Cầu ngói Thanh Toàn, công trình kiến trúc cổ nổi tiếng được xây dựng theo lối kiến trúc "thượng gia hạ kiều". Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Du khách nước ngoài về dự Hội làng chợ quê cầu ngói Thanh Toàn nhân dịp Festival Huế 2016. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Du khách hào hứng với không khí lễ hội ở chợ quê. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Cầu ngói Thanh Toàn là nơi dừng chân hóng mát và ngắm cảnh đồng quê ưa thích của du khách. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Một cụ bà giặt lụa bên bến sông Như Ý. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Đặc biệt, làng Thanh Toàn được du khách trong và ngoài nước biết đến vì ở đây có một công trình kiến trúc rất nổi tiếng, đó là cây cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang dòng sông Như Ý. Đây là một công trình có lối kiến trúc đặc biệt, được xây dựng vào khoảng năm 1776, theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu). Cây cầu mang vẻ đẹp cổ kính, duyên dáng, rất hài hòa với cảnh quan thanh bình của một làng quê. Ngay đầu cầu có một cái chợ nhỏ nằm ẩn mình dưới tán 4 gốc đa cổ thụ xanh mát. Đây là nơi buôn bán và cũng nơi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của dân làng.
Làng Thanh Toàn vốn là một làng quê thuần nông với khoảng 3.000 hộ sống chủ yếu bằng nghề lúa nước. Những lúc nông nhàn, họ làm thêm các nghề phụ như chằm nón, làm bánh, rèn các đồ nông cụ… Mới đây, được sự giúp đỡ về mặt chuyên môn của các chuyên gia đến từ Bảo tàng Dân tộc học, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho xây dựng tại làng một nhà trưng bày nông cụ. Nhà trưng bày vừa có chức năng lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về nghề làm nông truyền thống của Thanh Toàn, vừa giúp cho du khách biết rõ hơn về cuộc sống cũng như tập tục làm ăn sinh sống của dân làng.
Đến với làng Thanh Toàn, nhất là vào những dịp lễ như Festival Huế, du khách sẽ được đắm mình vào một không gian văn hóa đậm chất đồng quê để nghe câu hát bài chòi, nhâm nhi bát nước chè xanh, thử sức với những trò chơi giân dan, dạo chơi phiên chợ làng để được chọn mua những món quà quê bình dị mà thơm thảo tấm lòng người dân quê xứ Huế.
Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn nằm nép mình yên bình dưới tán đa cổ thụ xanh mát. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Du khách đi chợ tìm mua những thứ sản vật bình dị của làng quê. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Cụ bà người làng Thanh Toàn ngồi bán trầu cau tại phiên chợ quê. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Một quầy hàng bán bánh chưng và các loại quà quê ở chợ. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Người dân làng Thanh Toàn giới thiệu kỹ thuật xay lúa truyền thống tại phiên chợ quê. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Các bạn trẻ tìm hiểu nghề chằm nón truyền thống của người dân làng Thanh Toàn. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Đôi bạn trẻ hào hứng thử cảm giác đạp xe nước vào ruộng. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Khám phá thú vui kéo rớ (vó) bắt cá trên dòng sông Như Ý. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Người già thích thú với trò chơi bài chòi khi đi chợ quê Thanh Toàn. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Các du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu tại nhà trưng bày nông cụ của làng Thanh Toàn. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Báo ảnh Việt Nam