Trong bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Đặng Thị Minh Anh, 26 tuổi vươn vai, đón ánh nắng hắt từ cửa sổ buồng bệnh vào. Cơn đau âm ỉ khắp cơ thể làm mất ngủ cả đêm, nhưng nhìn thấy mẹ, lòng cô ấm lại. Bánh mì và bò kho chị gái gửi vào từ sáng sớm đã bày sẵn, mùi thơm nức. Minh Anh ngồi dậy ăn chậm rãi. Sau gần một tháng chờ đợi, cuối cùng cô đã được về bên gia đình, thưởng thức những món ăn yêu thích.
"Xin chào cả nhà", tiếng Việt lơ lớ của Matsushita Motosuke – bạn trai người Nhật hơn Minh Anh 15 tuổi - cất lên từ điện thoại khiến cô và mẹ cười sảng khoái.
Đặng Minh Anh phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối cách đây ba tháng, khi sắp tốt nghiệp chuyên ngành marketing tại Nhật Bản. Mong ước về một đám cưới của cô và bạn trai yêu hơn hai năm, đành bỏ lửng.
Nghĩ Nhật có điều kiện chăm sóc y tế tiên tiến, gia đình và bạn trai khuyên cô ở lại điều trị. Mẹ Minh Anh dự định tháng 3 sẽ bay sang săn sóc con gái nhưng vì Covid-19 nên đành hoãn.
Đầu tháng 4, cô gái quê Đà Nẵng ho ra máu nhiều, những cơn đau kéo đến hằng đêm khiến cô trằn trọc. Cân nặng chỉ còn lại 38kg, Minh Anh nhập viện, phải thở oxy và không thể đi lại. "Bác sĩ điều trị chính cho tôi lo lắng vì tôi chưa từng kêu đau hay mệt, nhưng lần này thì có", cô kể.
"Em đã được gặp gia đình chưa?", bác sĩ người Nhật hỏi. Biết gia đình chưa thể sang thăm Minh Anh do dịch Covid-19, nữ bác sĩ bật khóc: "Em nên suy nghĩ đến việc về nước. Tôi không muốn em hối hận. Rất có khả năng không có loại thuốc nào có thể đáp ứng được khối u ác tính trong cơ thể em".
Lần đầu tiên sau ba tháng phát hiện bệnh, cô gái có đôi mắt biết cười bật khóc vì sợ hãi. Gia đình gọi sang, thấy cô phải thở oxy nên quyết định "bằng mọi giá phải đưa con về Việt Nam".
Những lá thư cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Sở Y tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Vân Đồn lần lượt được gửi đi. Chị gái Minh Anh cũng lên mạng xã hội tìm người có thể đồng hành cùng em trên chuyến bay về nước.
Ở Nhật, trong buồng bệnh, Matsushita gây bất ngờ cho bạn gái bằng một chiếc váy màu trắng, có khăn voan đội đầu. Sáu y tá trực xuất hiện cùng một chiếc bánh nhỏ chúc mừng đôi trẻ. Nhìn thấy ngón áp út của Minh Anh có nhẫn, nữ y tá thì thầm: "Cầu hôn rồi hả".
Hai ngày sau, Minh Anh nhận được thư của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thông báo cô được xếp chỗ trên chuyến bay đưa công dân về nước vào ngày 22/4. Các bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản trao đổi phác đồ điều trị khi Minh Anh về nước.
"Tôi vui vì sẽ được về bên gia đình, được ăn món Việt thay vì món Nhật Bản vốn không hợp khẩu vị. Nhưng buồn vì phải xa ‘chú người yêu’, xa đất nước mình đã gắn bó cả một thời thanh xuân", cô gái học ở Nhật từ năm 20 tuổi nói.
Sáng 21/4, khi xuất viện, Minh Anh ôm hồ sơ bệnh án, miệng liên tục cảm ơn, rời bệnh viện. Đáp lại là lời chúc bình an và nước mắt của các bác sĩ, y tá. Mashusita đưa chân cô từ Osaka đến sân bay ở Tokyo. Minh Anh đùa bạn trai: "Đây là trăng mật của hai đứa sau đám cưới ở bệnh viện nhé". Cố gạt đi khoảnh khắc chia xa và những cơn đau, họ tranh thủ tận hưởng phút ngắn ngủi còn lại bên nhau.
"Nhưng lúc rời tay, nước mắt anh cứ chảy mãi làm lòng tôi đau thắt. Anh nói đợi hết dịch sẽ sang Việt Nam. Trái tim tôi nhức nhối. Nguyện cầu mong ước của cả hai sẽ thành hiện thực", giọng cô nghẹn lại.
Trong bộ đồ bảo hộ và khẩu trang, người đồng hành đẩy xe lăn cho cô đến sân bay. Minh Anh được ưu tiên ngồi hạng thương gia.
"Ban đầu tôi nghĩ hẳn đưa em về sẽ vất vả, nhưng không phải vậy. Cả hành trình dài, tôi không hề thấy em ấy tỏ ra buồn phiền hay hối tiếc điều gì. Con bé nói cười suốt", anh Nguyễn Nhật, 30 tuổi, ở Đà Nẵng, người hỗ trợ cô về nước nói.
Sau 10 giờ đồng hồ, máy bay dừng ở sân bay quốc tế Vân Đồn. Cô gái ngồi xe lăn được ưu tiên làm thủ tục hải quan trước. Sau khi lấy hành lý, xe cấp cứu đưa cô thẳng về bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cách ly. "Tôi phấn chấn vì cuối cùng tâm nguyện đã thành", cô gái nói.
Đứng từ xa, thấy Minh Anh ngồi dậy, bà Đoàn Kim Huệ, 60 tuổi trút được gánh nặng suốt ba tháng qua. Thấy đôi mắt lấp lánh, bà biết con cười sau lớp khẩu trang. "Có mệt lắm không?", người nhà đứng từ xa thi nhau hỏi. Minh Anh đứng lên lắc đầu khua tay.
"Tôi chỉ muốn lao đến ôm con, nhưng để phòng dịch cần kìm nén", người mẹ nói.
Kìm nén là điều bà Huệ luôn dặn mình để khi gặp con không rơi nước mắt. Sau khi con hoàn tất thủ tục nhập viện, khử trùng, bà được ưu tiên vào chăm sóc. Không dám vồ vập, không dám khóc trước mặt con, không dám hỏi nhiều sợ con mệt, bà quay lưng lau vội nước mắt.
"Tôi khóc vì vui mừng chứ không phải vì buồn. Cuối cùng con gái đã trở về bên vòng tay tôi", giọng bà run run.
Được các nhân viên y tế săn sóc, sức khỏe Minh Anh đã tốt dần lên. Thay vì nằm dài, chỉ có thể ăn trái cây và truyền đạm, cô đã đi lại được. Minh Anh thích tâm sự với mẹ về "chú người yêu".
Lâu không được thưởng thức các món Việt, Minh Anh ăn biết ngon. Những cuộc gọi của Mashusita mỗi ngày tưới mát tâm hồn và dịu lại những nhớ nhung trong cô.
"Những cây sen đá em trồng, ngày nào anh cũng tưới nước. Anh đợi đến ngày nó nở hoa, sẽ rạng rỡ như em", Mashusita nói, gửi cho bạn gái Việt tấm ảnh chụp những chậu cây đang vươn mình đón nắng.
Theo vnexpress