(Bài viết của Abbigail Nguyen Rosewood- một người phụ nữ gốc Việt, đã định cư tại Mỹ cách đây 20 năm, đăng trên TIME. Nhiều người trong gia đình cô cũng đã định cư ở Mỹ, hoặc có quốc tịch Mỹ, hoặc đã có thẻ thường trú nhân. Cô đang có ý định trở lại định cư ở Việt Nam cùng chồng và con). 

Tôi khăn gói lên đường tới TP. Hồ Chí Minh trong tâm trạng hỗn loạn  sau khi biết bà tôi đang rất yếu. Giữa bộn bề những nỗi lo về tình trạng của bà, tình hình số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh ở Việt Nam, và việc đi du lịch, tôi cũng nhận thức được một vấn đề thiết thực hơn: tôi không có đủ thời gian chuẩn bị quà Mỹ cho người thân. 

 Tác giả cùng bà mình là Phạm Thị Nữ và người chú Nguyễn Tứ Minh năm 2018. Ảnh: Tristan Shands / Courtesy Abbigail Nguyen Rosewood

Tác giả cùng bà mình là Phạm Thị Nữ và người chú Nguyễn Tứ Minh năm 2018.

Ảnh: Tristan Shands / Courtesy Abbigail Nguyen Rosewood

Để lấy lòng bạn bè và gia đình, bất cứ khi nào từ Texas (Mỹ) về Việt Nam, bác tôi đều chất đầy vali những món đồ của Dollar Tree (chuỗi cửa hàng với nhiều món đồ đồng giá 1 đô ở Mỹ) mà không hề để ý rằng nhiều mặt hàng đó cũng được sản xuất tại quê nhà. Tôi đỏ mặt khi tưởng tượng đến việc tay trắng về nước. 

Chừng nào mà mọi người xung quanh tôi vẫn quen với tư tưởng nước Mỹ luôn tốt hơn thì gia đình tôi cũng vậy.

Hai mươi năm trước, mẹ và tôi nhập cư Mỹ, còn chị gái tôi tiếp tục theo đuổi con đường học vấn tại Anh - nơi chị đã chuyển đến sống từ khi còn là một thiếu nữ. Việc bố mẹ sống xa con cái như thế này vốn đã quen thuộc với nhiều gia đình Việt. Gia đình tôi là một phần của làn sóng mới di dân đến Mỹ thời hậu chiến. Chúng tôi lựa chọn đến đó với mong muốn tìm kiếm giấc mơ Mỹ mà không bao giờ đặt ra câu hỏi liệu những tâm hồn Việt Nam có hòa hợp được hay không. Trong một thời gian dài, tôi cũng đã nhầm tưởng huyền thoại “giấc mơ Mỹ” lâu đời này là tuyệt đối. Khi rời Việt Nam đi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng việc mình sẽ quay trở lại, để làm gì cơ chứ? 

Nhà bà tôi ở Quận 2, là tuổi thơ của tôi với những con đường lầy lội đến nỗi xe máy sẽ bị chìm trong nền đất đỏ mềm ướt. Hiện nay, nơi này đã được coi là địa điểm bất động sản với vị trí đắc địa dễ dàng đi đến trung tâm nhộn nhịp của thành phố. 

Khi tôi vào tới nhà, thím tôi và cô con gái 2 tuổi cũng ở đó. (Họ cũng từ Mỹ trở về-ND) Tôi sẽ ở lại đây khoảng một tháng, hẳn nhiên giữa chúng tôi sẽ có nhiều điểm chung. Thím tôi nói chú tôi sẽ về 5 ngày nữa. Thẻ thường trú nhân Mỹ của dì cho phép đi sáu tháng một lần, nên chú thím  luân phiên nhau trở về. Tôi cười với cháu gái của mình và nhận được lời chào bằng một ngôn ngữ mới. Phải đến vài hôm sau, tôi mới nhận ra đó là sự trộn lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Anh bằng giọng điệu của một đứa trẻ mới biết đi.

Từ khi bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, các cô dì chú bác từ khắp các bang khác nhau của Mỹ: Oklahoma, California, Texas đều luân phiên nhau về chăm sóc bà. Không như tôi - người đã sớm ra nước ngoài từ khi còn nhỏ và có thể dễ dàng để hòa nhập với lối sống ở Mỹ qua vài khía cạnh,  chú và thím tôi - những người nhập cư Mỹ sau này, không thể có cuộc sống thật sự ổn định. Từ bên kia Thái Bình Dương, họ cố gắng quản lý công việc kinh doanh (nguồn thu nhập chính của họ), sắp xếp cho bố mẹ đi khám sức khỏe, duy trì mối quan hệ với đối tác, đồng thời cũng có một công việc khác hứa hẹn sẽ giúp họ nhanh chóng có thẻ thường trú nhân. Thím tôi đã từ bỏ công việc ở ngân hàng Việt Nam để làm việc trong một nhà máy gà ở Oklahoma. Phần thưởng nhọc nhằn sau nhiều năm làm việc tay chân là sự tự do nửa với để đi đi về về giữa hai nước, lúc nào cũng ở trong tình trạng quá cảnh, và những cuộc trò chuyện hời hợt với chồng qua FaceTime

Tôi đã báo tin với bà tôi rằng hai vợ chồng tôi dự định sẽ chuyển đến Việt Nam vào mùa hè này. Quyết định này nảy sinh một phần khi chúng tôi biết mình sắp có em bé, và cũng bởi bây giờ là cơ hội cuối cùng để tôi được ở bên ông bà của mình.

Nhưng bà tôi nhíu mày: “Tại sao cháu lại ở đây? Đáng lẽ cháu cần phải ở đó sinh con để đứa bé được là công dân Mỹ chứ”. Không chỉ riêng bà phản đối kế hoạch “nhập cư ngược”. Mẹ tôi nói chuyện với một người họ hàng: “Bây giờ thì nó nói vậy thôi, chứ nó sẽ không nghe theo đâu”. 

 

Mặc dù trên thực tế, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã từ “một trong những quốc gia nghèo nhất trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình trong một thế hệ” thì tôi thấy, thế hệ cũ vẫn đang bị mắc kẹt trong định kiến về một Việt Nam trong quá khứ. Một bài báo của Diễn đàn Đông Á đã gọi Việt Nam là “ngôi sao kinh tế năm 2020” vì vừa kiểm soát được đại dịch, vừa có GDP tăng trưởng cao hơn hầu hết các nước, và cũng không cần một nhà kinh tế học nào dự đoán cũng có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Khi tôi còn nhỏ, hầu hết đại gia đình của tôi sống trong những ngôi nhà lợp lá chuối khô. Hiện nay, chúng đã trở thành căn hộ trong những tòa nhà cao tầng đầy đủ dịch vụ do các nhà đầu tư Singapore và Hàn Quốc bỏ tiền vào.

Tôi giải thích cho những người đang nghi ngờ quyết định của tôi rằng, ngoài mong muốn được gần gũi với quê hương trở lại, con tôi cũng cần được biết về Việt Nam theo cách mà tôi đã từng, cả về tâm hồn - điều mà một mình tôi thì không thể làm được.

“Nhưng chồng cháu có muốn ở đây không?” Bà tôi hỏi, bày tỏ sự hoài nghi về việc một người được sinh ra ở Mỹ lại sẵn sàng chuyển đến đất nước này, dù nơi này bà đã nuôi dạy cả bốn đứa trẻ thành những người thành đạt.

Tôi mỉm cười, xoa dịu nỗi lo của bà: “Anh ấy thích cuộc sống ở đây ạ”. Có vẻ như câu nói của tôi đã giúp bà tạm thời nguôi ngoai.

May mắn thay, tôi vẫn có đồng minh. Tôi đã có bữa tối cùng với người em họ 26 tuổi tại một nhà hàng Hong Kong ở Quận 1. Cũng đã sống ở Mỹ nhiều năm, em tôi nhận thức rõ những bất lợi của một cộng đồng thiểu số, sự bùng nổ bạo lực của người Mỹ gốc Á gần đây, với tình trạng “bamboo ceiling” (thuật ngữ được dùng để chỉ sự phân biệt đối xử mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt trong lao động) hạn chế cơ hội thăng tiến của họ.

Em nói với tôi: “Doanh nghiệp ở Việt Nam không phức tạp như ở Mỹ. Cơ sở hạ tầng vẫn chưa cố định, có thể thay đổi, nên việc mình tạo ra các quy tắc của riêng bản thân để tạo sức ảnh hưởng lớn sẽ linh hoạt hơn. Về bản chất, chị có thể xây dựng một cái gì đó mới của riêng mình, nhưng để leo thang, thăng tiến được trong nền doanh nghiệp với những điều kiện sẵn có thì nước Mỹ sẽ là lựa chọn tốt hơn”.

Có thể nói rằng tại đây, em tôi đang phát triển rất tốt. Em còn trẻ, tài năng, có năng lực. Cũng may mắn là Việt Nam rất coi trọng nền giáo dục của Mỹ, đến mức mà những người có bằng đại học Mỹ có thể kiếm được mức lương gấp 4 lần hoặc hơn thế so với những người đồng lứa. Có lẽ đây là một phần trong nỗ lực khuyến khích người trẻ Việt Nam trở về từ nước ngoài.

Em tôi ngả lưng, tận hưởng ly cocktail vải thiều của cô ấy: “Cuộc sống khá ổn đấy chị ạ”.

Là một người sắp làm mẹ, tôi cũng bị thu hút bởi những ưu ái mà Việt Nam dành cho người nước ngoài, dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng, chất lượng cuộc sống cao và chú trọng các chuẩn mực trong gia đình. Ở Mỹ, việc một em bé chào đời có thể mang lại cảm giác căng thẳng, khiến các bà mẹ đau đầu với câu hỏi: Khi nào thì họ có thể quay lại làm việc? Tại Việt Nam, các bà mẹ được nghỉ phép có lương sau 6 tháng kể từ khi sinh con. Một người chị họ của tôi mất ba tháng làm việc ở nhà, không một lời hỏi thăm, vì cô ấy bị sẩy thai. Đôi khi, sự chú ý quá mức về việc sống vì gia đình có thể gây áp lực không đáng có đối với phụ nữ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vấn đề này cũng mang tính nhân văn hơn vì họ thừa nhận nhiệm vụ to lớn của thiên chức làm mẹ.

Khi ở New York, tôi đã hình dung ra hai lựa chọn: về vùng ngoại ô để có cuộc sống an toàn, thuận lợi hơn, vì nơi đây có thể tránh được các cuộc tấn công vào người châu Á, hoặc sống chung với nỗi sợ bị xô đẩy trước một toa tàu điện ngầm đang di chuyển trong một thành phố đủ mọi nền văn hoá. Việc suy nghĩ này khiến tôi nhanh chóng mệt mỏi. Tôi cảm thấy một chuyến đi xuyên quốc gia như Việt Nam với bốn thú cưng và một em bé đơn giản hơn so với lựa chọn đến ở các bang nước Mỹ. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, tôi sẽ không còn phải giải thích tôi đến từ đâu, bởi lẽ không còn ai hỏi nữa.

Không phải Việt Nam không có khuyết điểm. Nhưng “giấc mơ Mỹ” không phải là không có hậu quả và hy sinh lớn. Việc theo đuổi “giấc mơ Mỹ”  đồng nghĩa với việc những đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ, vợ chồng chia xa, những thanh thiếu niên lớn lên mà không hiểu rõ về một trong hai ngôn ngữ. Có lẽ đã đến lúc người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, nên ngừng thần tượng nước Mỹ và nghĩ về giấc mơ Việt Nam - thứ vốn đã bị bỏ quên từ lâu.

Hương Giang (lược dịch)

Theo Phụ nữ Mới