Khi chúng tôi vừa bước tới salon beauty thì ngay lập tức có 3 gương mặt đàn ông đang đắp mặt nạ trắng hếu ngóc đầu lên dòm. Bộ dạng của họ hài hước đến nỗi không ai có thể nhịn nổi cười. Anh Thái, một trong 3 “dị nhân” đó, bằng giọng lơ lớ kể chuyện nhóm tụi anh là Việt kiều Canada vừa về Việt Nam chơi.

Huế,  Đà Nẵng là địa điểm dừng chân lâu nhất của họ. Buổi sáng, chúng tôi điểm tâm bằng các món ăn Huế. Bún bò Huế cũng như các loại  bánh Huế nấu tại Sài Gòn mang vị khác ở đất cố đô. Có lẽ vì người Nam bộ thích ăn ngọt, nên số lượng muỗng đường bỏ vô nồi nước lèo nhiều hơn.

Người miền Trung, ở đây là Trung Trung bộ khoái ăn mặn và cay. Ớt hiểm ở Huế cay đảm bảo phải nấc cụt nhiều lần. Ai đã tới Huế hẳn đều biết quán chè Hẻm. Huế không gọi các ngõ ngách là “hẻm” mà gọi là “kiệt”. Ấy thế mà chỉ riêng mỗi quán chè này thì được gọi đích danh bằng một phương ngữ Nam bộ. Phải chăng chính du khách phía Nam đã tạo nên thương hiệu cho chè Huế?

Giống như nhiều quán chè khác, chè Hẻm có các món:  Đậu ván, đậu xanh, đậu đỏ, ăn cùng nước cốt dừa. Song, không giống với các quán chè khác, chè Hẻm còn chế ra món bột lọc bọc heo quay. Miếng thịt heo quay được làm thành nhân của chè nên ngoài vị ngọt của đường còn có vị béo của mỡ.

7h sáng hôm sau, chúng tôi lên xe đò đi tới cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị.  Cách đây 5 năm, cũng cung đường này, tôi chỉ nhìn thấy xung quanh nắng lóa mắt cùng cát trắng. Dân cư 2 bên đường ngày đó thưa thớt và cái nghèo hiển hiện trên từng vách nhà tạm bợ. Đến giờ, mọi điều đã khác. Những căn nhà biệt thự 2 lầu cùng 1 tầng áp mái mọc lên san sát bên đường. Những mái nhà làm từ xi măng và tôn giả ngói cùng kiến trúc được lai tạp từ Lào và Thái Lan rõ từng đường nét. Sự ảnh hưởng này cũng không có gì lạ, bởi rất nhiều người gốc Quảng Trị đã sang Lào, Thái Lan làm ăn và buôn bán từ lâu.

Đi xe đò từ Huế tới thẳng Lao Bảo, tổng  cộng chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn lang thang một chút ở Quảng Trị thì hãy dừng lại tại đây và thuê xe gắn máy cho chủ động cuộc hành trình. Những di tích lịch sử như cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9… gợi  rất nhiều cảm xúc. 

Từ thị xã Quảng Trị tới cửa khẩu Lao Bảo chừng 90km. Phong cảnh non nước hữu tình, tuy nhiên địa hình một bên vách núi, một bên vực thẳm, do vậy người lái xe phải tập trung cao độ. Trước khi tới cửa khẩu, tôi ghé qua Trung tâm thương mại Lao Bảo. Trước kia, tôi từng có lần tới Trung tâm này và làm quen với cặp vợ chồng trẻ tên Tùng - Thiên. Tùng quê gốc Thanh Miện, Hải Dương, còn Thiên sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị. Chẳng hiểu đưa đẩy làm sao mà Tùng “trôi” lên tận vùng đất này để cưới vợ.

Hai vợ chồng có 1 sạp bán quần áo trong trung tâm khá đắt khách. Một bữa, tôi nhận được điện thoại của Tùng thông báo đang bị tịch thu hết hàng là một lô quần jeans trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội. Lao Bảo gần Lào và Thái Lan, quần jeans của Thái chắc chắn sẽ có chất lượng tốt hơn, cắc cớ gì phải lấy hàng nhập lậu của Trung Quốc? Tùng khi đó mới giải thích: “Hàng hóa tại Trung tâm thương mại Lao Bảo chỉ có số ít bánh kẹo là của Thái Lan thôi chị ơi. Chủ yếu là hàng Việt Nam và Trung Quốc. Em ham rẻ nên ra Lạng Sơn mua về bán kiếm lời. Ai dè vì hàng nhập lậu không có hóa đơn nên trên đường về bị kiểm  tra, tịch thu hết rồi!”.

Tại cửa khẩu Lao Bảo, những chiếc xe hơi mang biển số Lào, được cả người Việt Nam và Lào sử dụng, tấp nập xếp hàng chờ đi qua cửa khẩu. Tại phòng chờ có chiếc máy tính công cộng được lắp màn hình cảm ứng chỉ dẫn thông tin.

Sau nhiều năm trở lại cung đường Huế -  Quảng Trị - Lao Bảo, tôi như thấy cảm xúc thật trong lành. Cảnh vật hai bên Quốc lộ 9 đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Màu  xanh phủ kín. Vườn tiêu ở Tân Lâm sai trái chưa từng thấy, đồi keo và tràm khu vực Đầu Mầu cũng mang màu xanh thật đẹp, cầu treo  Đakrông mùa nước cạn nhưng vẫn đủ gợi sự uốn lượn của địa hình. Rừng Trường Sơn đã hồi sinh từ cung đường dễ thương này. 

Nam Hiền