Trong mỗi gia đình, làng xóm, các thế hệ thay nhau tiếp nối, âm thầm trao gửi tình yêu và truyền dạy nghề chơi Quan họ để hôm nay và mai sau, dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn căng tràn sức sống, trọng nhau về nghĩa, mến nhau vì tình, say nhau vì câu ca, giọng hát…., trở thành một tài sản phi vật thể đặc biệt quý giá, rất khó tìm thấy ở các loại hình văn hóa nghệ thuật khác.

Từ xa xưa Quan họ là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu Quan họ. Người chơi Quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ.

Người Kinh Bắc hát dân ca Quan họ, chơi Quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động, trong các đám giỗ chạp… Cứ đến lễ hội mùa Xuân, các làn điệu Quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người Quan họ và khách thập phương lại ngân lên trong không gian văn hoá Quan họ. 

Trong kí ức vẹn nguyên của cụ Nguyễn Văn Từ, 90 tuổi, người làng Viêm Xá (còn gọi làng Diềm, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh – nơi phát tích của điệu ca Quan họ trữ tình), những làn điệu Quan họ đã gắn với ông từ thủa lọt lòng. Những điệu ca Quan họ vốn đã mềm mại, lay động lòng người thì trong ngày Xuân, sức hút đó càng nhân lên gấp bội.

Những câu hát trao duyên xốn xang được nam – nữ trong làng cất lên từ nhiều ngày trước Tết Nguyên Đán, hòa chung vào nhịp sống hối hả, tất bật chuẩn bị cho Tết. Đặc biệt, trong những ngày Tết, đi qua vùng Quan họ, nơi nào cũng xốn xang những câu hát ngọt lịm, vang rền; các liền anh, liền chị áo khăn xúng xính, nón quai thao lấp loá triền đê làng…

Là người con trưởng thành từ những làn điệu dân ca, PGS.TS Nguyễn Chí Bền hồi tưởng, từ những ngày trong Tết, các làng Quan họ vùng Lim (huyện Tiên Du) đã rộn rã không khí của hội hè. Thời điểm ấy, dân ca Quan họ được trả lại đúng với dáng hình nguyên bản nhất. Trong số những bài hát cất lên dịp Xuân sang, đặc sắc nhất vẫn là kiểu hát đối – khúc hát giao duyên giữa các liền anh, liền chị của hai làng gần nhau.

Những làn điệu “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Ngũ cung”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Con nhện giăng mùng”… ngân lên trong khung cảnh đậm chất Quan họ ẩn chứa cả sức sống mùa Xuân của con người và tạo vật.


Theo tài liệu cổ, hát đối trên đồi, sau chùa, ở nhà, mỗi nơi có lối hát khác nhau, có không khí khác nhau và gieo vào lòng người xem những cách cảm nhận khác nhau. Hát trên đồi là lối hát thoải mái, không cần lề lối, đôi khi rất tình cờ. Nam che ô, nữ cầm nón quai thao che nửa mặt, vừa giữ ý tứ, vừa để âm thanh khi hát trở nên ấm hơn, vang hơn. Vừa hát, người Quan họ vừa mời nhau và mời khách những miếng trầu têm hình cánh phượng. Ở đó, lời ca, câu hát được sáng tạo một cách tài tình, đầy cảm xúc, làm say đắm lòng người, thấm đượm giá trị nhân văn.

Nhưng ấn tượng nhất với du khách từng một lần đến xứ Kinh Bắc, đó là đêm 12 tháng Giêng hàng năm, đêm diễn chỉ dành riêng cho Quan họ. “Lúc ấy, từ ngoài đình đến các hộ gia đình, đâu đâu cũng có những tốp người hát Quan họ và mời nhau nếm miếng trầu xanh” – PGS.TS Bền cho hay.

Qua bao thăng trầm của thời gian, những làn điệu dân ca Quan họ vẫn hiển hiện trong đời sống của người dân Kinh Bắc nói riêng và trong tiềm thức của những người yêu Quan họ. Không lạc hậu trước xu thế mới, dân ca Quan họ vẫn tiếp tục vươn lên, tự đổi mới mình và làm giàu sức sống trong dân gian. Với mỗi người dân Kinh Bắc, Xuân sẽ nhạt hơn nếu thiếu vắng điệu ca quê hương.

Theo quehuongonline.vn