GS Nguyễn Thanh Liêm (trái) cùng đồng sự tại trung tâm nghiên cứu và cây phân loài biểu diễn mối quan hệ tiến hóa giữa 12 quần thể người trong nghiên cứu
Nghiên cứu củng cố giả thuyết khoa học về việc con người di cư từ châu Phi khoảng 200.000 năm trước; người Kinh và người Thái có hệ gien tương đồng cao và quan hệ di truyền gần gũi.
Trao đổi về kết quả của nghiên cứu trên, GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng VRISG, cho biết hệ gien người là tập hợp hơn 20.000 gien khác nhau mang toàn bộ vật chất di truyền chứa thông tin hay còn gọi là các chuỗi ADN. Các gien có chức năng tạo ra các protein, từ đó hình thành nên các cơ quan của cơ thể, xác định tính trạng như màu da, tóc, chiều cao... hoặc giới tính. Do vậy, hệ gien đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành, phát triển, sức khỏe, trí tuệ và thậm chí cả tính cách của con người.
Trước đây, chúng ta có rất ít nghiên cứu về hệ gien người VN, cụ thể là người dân tộc Kinh, nên thường phải tham chiếu từ hệ gien người nước ngoài. Sự tham chiếu như vậy có nhiều hạn chế vì mỗi chủng tộc/dân tộc thường mang những đặc điểm di truyền khác nhau. Vì vậy, rất cần có một cơ sở dữ liệu hệ gien người Việt để làm tham chiếu cho các nghiên cứu cũng như ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh.
Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học VRISG công bố hơn 24 triệu điểm biến đổi trong hệ gien của người Kinh VN. Điều thú vị là trong đó có hơn 700.000 điểm mới hoàn toàn và không thấy xuất hiện ở các quần thể người khác. Theo đó, hệ gien người Việt có tính đặc trưng cao so với hệ gien các quần thể người khác thể hiện qua sự khác biệt lớn về tần suất xuất hiện của nhiều biến đổi di truyền. Cụ thể, công trình phát hiện 1,24 triệu biến đổi xuất hiện phổ biến ở người Kinh, nhưng xuất hiện rất ít ở các tộc người khác.
Thưa ông, nghiên cứu đã thực hiện như thế nào để khẳng định được sự khác biệt của người Việt cũng như nguồn gốc người Việt “từ đâu đến”?
Cũng như các dự án nghiên cứu quốc tế khác, chúng tôi tuyển chọn những người tham gia có ít nhất 3 đời là người Kinh, khỏe mạnh và những người tham gia không có quan hệ huyết thống. Số lượng mẫu là một yếu tố quan trọng trong nghiên cứu về quần thể. Hệ gien của một người là sự kết hợp từ rất nhiều hệ gien của tổ tiên (ví dụ, hệ gien của bạn là sự kết hợp hệ gien của 2 bố mẹ, 4 ông bà, 8 cụ, 16 kỵ…). Nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa các quần thể người trên thế giới đã được tiến hành dựa vào phân tích hệ gien. Ở châu Á, tiêu biểu là dự án phân tích hệ gien của 1.928 người bao gồm 73 quần thể người châu Á, trung bình 26 người trong một quần thể (đáng tiếc là không có người Kinh VN). Trong nghiên cứu của chúng tôi, trung bình mỗi quần thể có khoảng 60 người. So sánh với các nghiên cứu quần thể bằng phân tích toàn bộ hệ gien trên thế giới, số lượng mẫu trong nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp để đưa ra các kết quả đáng tin cậy.
Với kết quả đó có thể xác định người Việt có nguồn gốc từ đâu?