Tháp chạp về là nghe mùi gừng khắp chợ
Hồi xưa, mẹ tôi tất bật mua bán quanh năm nên sắm đồ tết cho các em là nhiệm vụ của chị Hai. Tôi nhỏ xíu, lon ton theo Hai xuống chợ mua vải may đồ, mua đôi dép mới và bánh mứt chuẩn bị tết.
Chợ ở một số nơi của tỉnh Bình Định có cái hay là nhóm theo phiên, năm ngày một phiên xoay vòng theo các chợ khác nhau. Chợ Bình Định gần nhà tôi được nhóm mỗi ngày và nhóm phiên vào các ngày 3,8.13, 18, 23, 28 âm lịch trong tháng, đó là những ngày mà người từ nhiều huyện khác đem hàng về đây bán.
Vì vậy, hàng hóa những ngày chợ phiên rất phong phú, đặc biệt phiên 23 và 28 tháng chạp, hàng và người đông vô kể. Hai thường dẫn tôi đi chợ phiên mua đôi dép kẹp bằng nhựa có hình con gà ở giữa hai quai.
Tôi dĩ nhiên thích mê đôi dép ấy, nâng niu dữ lắm nhưng chỉ lành lặn được mấy ngày tết. Qua tết, tôi mang dép đi học thể nào cũng bị lũ bạn nghịch như quỷ lén cắt mất đầu con gà, nhìn đôi dép cụt ngủn thấy thương. Tôi còn được Hai mua thêm kẹp tóc, túi xách để đeo cho điệu.
Hai dẫn tôi qua hàng bánh mứt hạt dưa mua vài món đãi khách đến nhà thăm xuân, những gian hàng thơm phức mùi dừa, mùi gừng, mùi mứt dẻo rất đặc biệt và cả mùi của các loại bánh in, bánh thuẫn… Tất cả những mùi ấy quyện vào nhau thành mùi bánh mứt tết chỉ để hít hà và cảm nhận chứ thật khó tả thành lời.
Vì vậy, lúc nhỏ tôi thích đi chợ tết vì rất thơm tho: mùi bánh mứt, mùi vải vóc và cả mùi giày dép mới.
Lớn lên, xa quê nhưng năm nào tôi cũng tranh thủ về sớm để dạo chợ tết. Đúng kiểu dạo chợ vì nhu cầu mua sắm ít dần, dòm ngó là chính. Ra chợ nghe các bà các ông luận cái giàu cái nghèo, cái sướng cái khổ vui đáo để, nghe người bán người mua nói chuyện với nhau là biết dân quê mình năm rồi làm ăn tốt hay không.
Tháng Chạp thời tiết đẹp nhất năm, trời còn se lạnh, nhìn các bà mặc áo khoác ấm, đội nón, quấn khăn ngồi bào gừng thấy trời như ấm hơn, thơm hơn.
Tôi đặc biệt thích mùi mứt gừng đang sên, mùi cay của gừng lồng trong mùi ngọt của đường bay bay trong khí trời lạnh lạnh với tôi đã trở thành mùi hương đặc trưng ngày tết.
Rời hàng bánh mứt đi thêm một đoạn sẽ nghe mùi cá mực rim, mùi khô bò khô mực, thêm chút nữa sẽ nghe mùi kiệu, mùi me ngâm. Nhưng những mùi hương ấy sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu tiếng nói chuyện trong chợ tết, tôi thích nghe tình người trong những cuộc giao tiếp rộn rã ấy.
Chợ tết lao xao nhưng lòng người lại yên ắng. Hiếm có cuộc cãi nhau giữa chợ, thay vào đó là những lời hỏi thăm rằng năm nay làm ăn được không, chuẩn bị tết tới đâu rồi, có đi đâu chơi không, chừng nào mấy đứa con về quê ăn tết… rồi họ hỏi nhau chị mua bao nhiêu một nhánh chuối, bao nhiêu một ký kiệu, ký thịt, bày nhau làm những món ngon cúng ông bà hay đãi khách, những người quen thì tặng nhau món này món nọ làm quà.
Gặp nhau ở chợ tết, tranh thủ hỏi nhau vài chuyện
Nhìn chợ tết sẽ thấy bể dâu. Đồ thủ công dần dần được thay thế bằng đồ công nghiệp. Dãy hàng bánh mứt đã biến mất, một phần vì nhiều người kiêng đường nên nhu cầu mua giảm nhiều, một phần vì bánh kẹo đóng gói đẹp hơn, sang hơn đã lấn lướt hàng làm tay.
Lò đất nung được thay bằng các loai bếp gas, bếp điện nên người ta không còn bán ông lò nhiều như xưa. Hũ bùng binh đất nung đỏ cũng không thắng nổi heo đất được tráng men sứ đẹp lung linh nên mỗi phiên chợ người ta chỉ đem đến một ít bán cho những người hoài cổ. Những chiếc nia (mẹt), rổ rá đan bằng nan tre từ lâu đã thay bằng đồ nhựa nên đến chợ phiên mới có người bán.
Những hàng nón lá khi xưa rất đông các cô các dì đến mua, chục năm nay đã thưa vắng người. Nhưng ở chợ tết, bể dâu đấy mà kiên định cũng đấy, liền kề nhau. Có người vẫn hằng năm làm vài mẻ bánh in, bánh thuẫn ra chợ bán, có người vẫn bán miếng trầu miếng cau dù con cháu nói nay ai mua mấy thứ đó nữa nhưng họ nhất định bán vì cúng ông bà đừng thiếu mấy món truyền thống.
Chợ phiên những ông lò đất mới được bày bán nhiều thế này
Vì chợ tết chứa cái duyên riêng của nó, có ánh mắt chạm vào ánh mắt và có nụ cười gặp phải nụ cười nên sau bao nhiêu năm vẫn còn sức hấp dẫn, dù bây giờ chỉ vài cú click chuột là muốn bánh có bánh, muốn mứt có mứt giao đến tận nhà.
Đi chợ tết là nghe cuộc sống sinh động chảy quanh mình, vì thế sẽ không thấy cô đơn.
Theo phunuonline