Thế nhưng 2 chữ "bỏ cuộc" không hiện diện trong khát khao tìm lại cội nguồn của cô gái Mỹ gốc Việt. 

Những giọt nước mắt của cô gái Mỹ đã rơi ngay tại TP.HCM trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thanh Niên về hành trình tìm lại mẹ gần 1 thập kỷ của mình.

Từ bé gái 9 tháng tuổi bị bỏ rơi ở Tây Ninh…

Một ngày cuối tháng 5, TP.HCM hanh hao theo từng vệt nắng ban trưa. Chúng tôi có hẹn với chị Molly tại quầy nước của một khách sạn nằm trên đường Sương Nguyệt Ánh (Q.1) yên tĩnh. Nhiều ngày qua, chị cùng chồng, anh Shawn A. Wright (29 tuổi, người Mỹ) đã ở đây trên hành trình tìm mẹ và khám phá Việt Nam.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 1.

Với sự giúp đỡ của nhiều người Việt Nam tốt bụng, chị Molly cùng chồng về Việt Nam tìm mẹ lần thứ 3.

CAO AN BIÊN

Thấy chúng tôi, từ xa, vợ chồng chị Molly nở nụ cười thật tươi, phá vỡ đi không khí ngại ngùng ban đầu. Cô gái gây ấn tượng bởi nước da rám nắng khỏe khoắn cùng nụ cười mang nét duyên dáng của người con gái Việt Nam.

Từ đây, câu chuyện tìm lại mẹ của cô gái Mỹ gốc Việt được lật giở lại từng trang một và chúng tôi như đang xem lại tất cả những giai đoạn trong cuộc đời của một cô gái có trái tim ấm áp và đầy tình yêu thương.

Theo những hồ sơ còn được mẹ nuôi Molly gìn giữ, 5 giờ sáng ngày 12.2.1995, chị bị bỏ rơi trước Trại cô nhi tỉnh Tây Ninh (Hòa Thành, Tây Ninh). 

“Trại nhặt được một cháu gái độ 9 tháng bỏ trước cổng trại, từ đó đến nay không có thân nhân đến thăm. Các cơ quan chức năng cũng tìm gia đình cháu này không có kết quả. Vậy cháu này thực sự bị bỏ rơi", bà Hà Thị Yểm (Quản đốc Trại cô nhi) thời điểm đó xác nhận.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 4.
 

Những giấy tờ nhận nuôi còn được giữ lại của chị Molly.

NVCC

Từ đây, chị Molly được làm giấy khai sinh với cái tên mới Nguyễn Ngọc Huỳnh, sinh ngày 20.6.1994. Sau đó không lâu, bé gái bất hạnh được nhập cư vào Mỹ thông qua tổ chức Maine Adoption Placement Service (MAP), một tổ chức con nuôi đã được cấp phép để người Mỹ nhận nuôi. Ngày 9.5.1995, Ngọc Huỳnh được một người phụ nữ ở New York nhận làm con nuôi và cuộc đời cũng bước sang một trang mới từ đây.

Mang ngoại hình của một người Việt Nam sống giữa văn hóa phương Tây, ít nhiều Molly gặp khó khăn. Tuổi thơ của cô là những ngày không thôi thắc mắc về ngoại hình khác biệt của mình so với những người xung quanh. Cũng chính từ những thắc mắc đó, đã dẫn trái tim cô tìm đến một câu hỏi lớn hơn, rằng: “Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Ba mẹ ruột của tôi là ai?...”.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 6.

Ngọc Huỳnh được một người phụ nữ ở New York nhận làm con nuôi.

NVCC

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 7.

Những thắc mắc về nguồn cội theo cô gái từ thơ bé tới lúc trưởng thành.

NVCC

Càng lớn, mọi thứ càng thôi thúc cô tìm về với nguồn cội và giải đáp những dấu chấm hỏi lớn nhất trong cuộc đời của mình.

… đến cô gái Mỹ yêu Việt Nam

Những ngày thơ ấu, thông tin nhận nuôi của Molly được mẹ giữ kín. Mãi về sau, khi chị đã lớn hơn và bắt đầu đặt ra những câu hỏi, mẹ nuôi mới bắt đầu đưa chị những giấy tờ cần thiết. Tuổi 17, cô gái Mỹ bắt đầu mon men ý định tìm lại cội nguồn. Dù rằng, mẹ nuôi chị không mấy ủng hộ.

“Mẹ chỉ không thôi thắc mắc tại sao tôi lại muốn đi tìm lại người đã bỏ rơi mình, tìm lại quá khứ chỉ có đau thương và bất hạnh. Nhưng tôi biết đó là điều tôi cần làm để thấy cuộc đời của mình được trọn vẹn", chị nói.

Ban đầu, tôi bất ngờ vì ở đây có quá nhiều xe máy. Tôi có ấn tượng không mấy tốt vì nghĩ rằng đây là một đất nước không an toàn. Nhưng không! Mọi người ở đây hiền hòa và thân thiện vô cùng, ẩm thực cũng rất ngon, thêm nữa là ngoại hình của tôi cũng rất giống với mọi người ở đây. Tôi có cảm giác mình thuộc về nơi này! 
 
Molly Wright, Người Mỹ gốc Việt

Molly lớn lên trong tình thương của mẹ nuôi.

NVCC

Cô gái Mỹ ví hành trình tìm mẹ ruột của mình giống như một chuyến tàu lượn mà ở đó cô đi từ hy vọng tràn trề đến thất vọng tận cùng. Cố nhiên, điều đó không đánh gục chị, không làm mất đi niềm tin rằng một ngày nào đó chị sẽ tìm được mẹ.

Tìm mẹ thông qua “ngân hàng ADN" ở Mỹ, thông qua các hội nhóm mạng xã hội không có kết quả, đó là lúc cô gái Mỹ nghĩ rằng mình nên về Việt Nam. 2018, lần đầu tiên trở lại đất nước nơi mình sinh ra, trong tim Molly có nhiều điều không thể diễn tả hết bằng lời.

“Ban đầu, tôi bất ngờ vì ở đây có quá nhiều xe máy. Tôi có ấn tượng không mấy tốt vì nghĩ rằng đây là một đất nước không an toàn. Nhưng không! Mọi người ở đây hiền hòa và thân thiện vô cùng, ẩm thực cũng rất ngon, thêm nữa là ngoại hình của tôi cũng rất giống với mọi người ở đây. Tôi có cảm giác mình thuộc về nơi này!”, cô gái Mỹ hào hứng kể lại.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 10.

Nhắc đến mẹ, cô gái người Mỹ xúc động.

CAO AN BIÊN

Dù tìm tới trại trẻ mồ côi năm nào không có kết quả, con đường tìm mẹ cũng gãy gánh giữa chừng, nhưng lần về này đã giúp chị có một tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam và chị tự hứa mỗi năm sẽ quay lại. Đây đã là lần thứ 3. Cô gái cười nói có lẽ nó đã nhiều hơn nếu không có Covid-19, bởi theo kế hoạch trước đó, chị dự định mỗi năm sẽ về Việt Nam một lần.

“Mẹ vẫn có một vị trí đặc biệt trong trái tim con"

Trong chuyến về Việt Nam lần này, vợ chồng chị Molly được ông Huỳnh Tấn Sanh (52 tuổi, ngụ Q.1) giúp đỡ. Trước đó 1 tháng, thông qua người quen, chị được kết nối đến ông Sanh và được ông hỗ trợ nhiệt tình.

Ông Sanh đã nghiên cứu kỹ hồ sơ của chị Molly và đã cùng chị về lại Tây Ninh, tìm lại cụ Hà Thị Yểm (hiện 78 tuổi) là quản đốc Trại cô nhi năm đó. Theo lời kể của cụ Yểm được ông Sanh thuật lại, cụ bà vẫn còn nhớ câu chuyện của chị Molly vì hết sức đặc biệt.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 11.

Molly và chồng về Tây Ninh tìm gặp cụ Hà Thị Yểm (hiện 78 tuổi) là quản đốc Trại cô nhi năm đó.

HUỲNH TẤN SANH

“Những đứa trẻ mới sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ trước cô nhi viện là chuyện thường ngày, nhưng một cô bé 9 tháng tuổi bị bỏ là hiếm. Cô bé đã có một khoảng thời gian gắn bó với ai đó, có thể là mẹ trước khi bị bỏ rơi. Không loại trừ khả năng người thân đã rời quê đến sống ở TP.HCM", ông Sanh nhấn mạnh chi tiết đặc biệt trong câu chuyện của cô gái người Mỹ. Những thông tin về ba mẹ là con số 0 nên với ông Sanh, đây là manh mối duy nhất để có thể tìm lại mẹ ruột cho Molly.

Lần về Trại cô nhi lần này, được gặp gỡ người ngày xưa đã chăm sóc mình với cô gái Mỹ là một điều hết sức đặc biệt. Điều đó lại càng thôi thúc cô tìm lại mẹ ruột. Trong tâm trí của chị, chưa một lần Molly oán giận hay trách mẹ mình. Chị tin rằng bà phải có nỗi khổ tâm nào đó mới bỏ chị lại và điều đó có thể đã dằn vặt bà suốt những năm qua.

“Tôi luôn dành cho mẹ một vị trí đặc biệt trong trái tim mình. Và tôi thực sự muốn gặp lại bà ấy dù chỉ một lần. Dù mẹ ở đâu, mẹ đang làm gì, mẹ đều vô cùng quan trọng đối với tôi", chị bật khóc, nhắn nhủ với mẹ.

Hậu phương vững chắc

Lấy chồng từ năm 2015, vợ chồng chị có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Từ đó, anh Shawn (chồng chị) là người đồng hành, là hậu phương vững chắc cho vợ trên hành trình tìm lại mẹ ruột.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 13.

Anh Shawn A. Wright ủng hộ vợ tìm lại mẹ ruột.

CAO AN BIÊN

“Tôi hoàn toàn ủng hộ bà xã của mình tìm lại mẹ 100%. Tôi là người đã chứng kiến hành trình đó của em từ những ngày đầu tiên, cùng em về Việt Nam, đi qua những cung bậc cảm xúc, cùng nhau trải nghiệm tất cả những điều tuyệt vời ở đất nước này. Nói thật là ban đầu tôi cũng không có ấn tượng nhiều về Việt Nam, nhưng đồng hành cùng cô ấy, tôi cảm giác tình yêu mà tôi dành cho đất nước này càng ngày càng lớn hơn", anh bày tỏ.

Không chỉ thích sự hòa đồng của người Việt, vợ chồng chị cũng thích ăn nhiều món Việt Nam như bánh xèo, cơm tấm, phở, bò lá lốt và cả ăn… ốc. Ẩm thực cũng là một trong những điều tuyệt vời giúp chị gắn kết với đất nước nguồn cội của mình nhiều hơn.

Giọt nước mắt cô gái Mỹ về Việt Nam tìm mẹ ruột bỏ rơi ở Tây Ninh - Ảnh 14.

Cô gái người Mỹ thích nhiều điều về văn hóa Việt Nam.

CAO AN BIÊN

“Hồi xưa tụi tôi qua Việt Nam, sợ qua đường lắm, toàn bắt taxi để đi. Nhưng giờ khác lắm rồi, chúng tôi biết cách qua đường, biết đi xe ôm công nghệ. Tôi cảm giác yêu nơi này lúc nào không hay và dự định mỗi năm tôi sẽ về thăm một lần", chị nói.

Hiện chị Molly đang là chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Cô gái bất ngờ khi lĩnh vực này vẫn còn chưa thực sự quan tâm đúng mức ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh giống mình để tìm lại cội nguồn.

Với một niềm tin mạnh mẽ, cô gái Mỹ tin rằng một ngày nào đó phép màu sẽ thực sự xảy ra. Hành trình tìm mẹ của Molly sẽ không kết thúc, cho tới khi cô được gặp mẹ bằng xương bằng thịt…

Theo Thanh niên