Nhà giàn là điểm đến đặc biệt trong hải trình được nhiều người mong đợi bởi nơi đây nhiều cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân, đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi trong lúc làm nhiệm vụ.
Một lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở thềm lục địa phía nam của Tổ quốc đã được tổ chức ngay trên boong tàu KN 490 trong niềm xúc động của hơn 200 người, trong đó có 55 người Việt trở về từ 19 quốc gia khắp thế giới.
Khói nhang bay lên hòa với gió biển, khi các kiều bào thả những bông cúc vàng cùng hạc giấy trôi đi giữa những con sóng tới anh linh của những người đã khuất.
Bất chấp các cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ, nhiều nhà giàn từng bị quật đổ, cuốn trôi trước sức mạnh hung hãn của những cơn bão biển. Các trận cuồng phong vào tháng 12/1990 ở nhà giàn DK1/3 Phúc Tần và năm 1998 ở nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên ghi dấu sự hy sinh của 6 cán bộ, chiến sĩ.
Nhiều người trào dâng nước mắt khi nghe nhắc đến tấm gương phó trạm trưởng DK1/3 Nguyễn Hữu Quảng nhường chiếc áo phao, miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ yếu nhất để rồi ra đi giữa lòng biển sâu, hay trạm trưởng DK1/6 Vũ Quang Chương kiên trì bám trụ, giữ liên lạc với sở chỉ huy, chống chọi với bão giữa đêm đen trước khi hy sinh.
Vượt qua khó khăn, những ngôi nhà giàn vẫn tiếp tục mọc lên giữa Biển Đông. Các nhà giàn mới như DK1/20 được xây dựng vững chãi hơn trên 4 trụ thép lớn cắm sâu xuống đáy biển, phía trên là tổ hợp sinh hoạt, công tác của các cán bộ, chiến sĩ.
DK1/20 nằm trên bãi cạn Ba Kè, cách đất liền hơn 300 hải lý, là nhà giàn xa đất liền nhất. Tháng 4, nhờ sóng êm biển lặng nên tàu kiểm ngư được cập bến sát nhà giàn. Các kiều bào háo hức leo những bậc thang dốc lên thăm các chiến sĩ.
Đứng ở độ cao hàng chục mét, nhiều người xúc động khi được ngắm nhìn vẻ đẹp bao la của biển cả và tự hào về công sức, trí tuệ của những người đã xây dựng công trình giữa biển khơi. Nhà giàn DK1/20 có hai sân đỗ trực thăng, sử dụng điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời và có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt.
"DK1 không chỉ là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc mà còn là tình yêu vô bờ của tất cả những người con Việt Nam luôn hướng về quê hương và đất nước của mình, nơi các chiến sĩ đã gác lại bao khó khăn ở hậu phương, dũng cảm đương đầu với mọi thử thách, bão tố", nhạc sĩ Trí Minh, kiều bào tại Đan Mạch, chia sẻ.
Giữa những trụ thép, góc vườn xanh mướt của các chiến sĩ khiến nhiều kiều bào ngạc nhiên và thích thú. Với khoảng cách địa lý xa xôi, nhiều tháng mới có một chuyến tàu tiếp vận, những rau quả tự trồng đã giúp các chiến sĩ trên nhà giàn vừa cải thiện đời sống vừa phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà. Nguồn đất trồng cây được họ mang từ đất liền ra biển, còn nước tưới được tận dụng từ nước tắm, giặt.
Chị Hồng Vinh, Việt kiều ở Ba Lan (trái) vẫn nhớ lời một chiến sĩ chia sẻ rằng họ "chăm sóc cây và rau như chăm em bé". "Trước cái nắng, gió khắc nghiệt của biển cả, lượng nước ngọt eo hẹp, vườn rau muống, mồng tơi, cải xanh và những giàn bí sai quả của các chiến sĩ là một điều kỳ diệu", chị nói.
Anh Ngọc Dũng, chuyên viên dầu khí làm việc tại Algerie, xúc động khi nhớ lại cách đây 10 năm, công ty từng tổ chức đợt vận động quyên góp giúp đỡ các chiến sĩ nhà giàn DK1. Lúc đó, anh vẫn chưa biết rõ về công trình này.
"Khi tàu áp sát chân nhà giàn, ngước nhìn lên, tôi cũng như mọi người trong đoàn đều trầm trồ trước vẻ hùng vĩ của nó", anh nói. "Khi leo lên điểm cao nhất, có lúc đứng không vững vì gió cả, nhìn ra xa, tôi mới cảm thấy bản thân thật nhỏ bé giữa biển trời Tổ quốc và thấu hiểu những gian nan cũng như sự anh dũng của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn".
Ngoài thực phẩm, trang thiết bị phục vụ đời sống, các nhóm kiều bào đã tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/20 đặc sản các nước mà họ sinh sống cùng những món quà tinh thần như đồ lưu niệm, các tập sách, thơ văn.
"Tôi mong chính phủ, toàn dân và kiều bào sẽ có nhiều sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa để Hải quân Việt Nam ngày càng vững mạnh và có thêm những nhà giàn hiện đại", chị Tô Kim Hồng, Việt kiều tại Ba Lan, nói.
Luật sư Đỗ Gia Thắng, tổng thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, cho rằng việc tổ chức cho kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là rất thiết thực, đưa cộng đồng người Việt ở nước ngoài về gần quê hương hơn, tăng tình cảm gắn bó và lan tỏa những hoạt động hướng về biển đảo Việt Nam khắp các nước trên thế giới.
"Sau khi trở về, tôi sẽ có những bài viết dưới góc độ là một luật sư để cung cấp cho hội người Việt tại Australia cũng như bạn bè quốc tế cái nhìn rõ nét về thực tế trên các đảo và nhà giàn. Tôi hy vọng điều này sẽ góp phần lôi kéo thêm những tiếng nói yêu chuộng hòa bình, ủng hộ cho lẽ phải và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông".
Các kiều bào từ Thái Lan, Nga, Đức, Australia chụp ảnh cùng quốc kỳ trên nóc nhà giàn. Trước khi đến DK1/20, họ đã thăm hỏi và tặng cho các cán bộ, chiến sĩ trên 10 đảo và đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Các kiều bào vẫy chào khi tàu rời nhà giàn DK1/20, kết thúc chuyến hành trình mang hơi ấm từ đất liền ra hải đảo xa xôi.
Đây là lần thứ 8 Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đưa kiều bào ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Ngoài các phần quà với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng đã trao cho quân dân Trường Sa cũng như nhà giàn DK1, ban tổ chức sẽ in những bộ lịch tập hợp hình ảnh từ hành trình này và dùng số tiền thu được từ việc bán lịch để hỗ trợ thêm trang thiết bị tại các điểm đảo và tặng học bổng cho con em vượt khó học giỏi của các chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1.
Theo
vnexpress