Hành trình ý nghĩa của kiều bào trên vùng đất Tổ
Đoàn kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh: An Bình)

Hoạt động tổ chức đoàn kiều bào về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con, khích lệ các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) kế tục các truyền thống tốt đẹp của cha ông, đúng với chủ trương xuyên suốt, được nhấn mạnh tại Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị rằng NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chương trình thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức luôn nhận được sự quan tâm lớn của bà con.

Năm nay, sau ba năm gián đoạn và thu hẹp quy mô vì đại dịch Covid-19, khoảng 70 đại diện kiều bào trở về từ 23 quốc gia đã trực tiếp tham gia chuyến hành hương ý nghĩa về miền đất Tổ. Nhiều người trong số họ rất xúc động vì lần đầu tiên được đặt trên chân lên mảng đất linh thiêng của tổ tiên.

Trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định: “Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN ở nước sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Việc tổ chức cho đoàn kiều bào về Đền Hùng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con về niềm tự tôn, tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Hành trình ý nghĩa của kiều bào trên vùng đất Tổ
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cùng kiều bào trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh: Dương Tiêu)

Cảm nhận sự thiêng liêng

Về thăm quê đúng dịp này, ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào tại Đức, bày tỏ niềm hân hoan như được trở về với cội nguồn của sự bình yên. Trong suốt hành trình tham gia đoàn kiều bào, ông và vợ mình đều lưu lại từng khoảnh khắc trong chiếc camera nhỏ cá nhân để làm kỷ niệm và tự hào chia sẻ lên mạng xã hội với những người bạn.

Ông Thắng cho biết càng sống xa quê hương, kiều bào càng nhớ đến cội nguồn của mình. Về Việt Nam lần nào, ông cũng có cảm xúc đặc biệt, nhưng đến Đền Hùng thì cảm xúc ấy rất khó tả, chỉ biết là trái tim cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc.

Ông nói: “Chúng tôi tự hào vì Việt Nam luôn gìn giữ được những gì tổ tiên, thế hệ cha ông đã dày công vun đắp để có được cuộc sống hòa bình và ngày càng phát triển”.

Với ông Lương Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt tại Thái Lan, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chính là dịp để kiều bào nhắc nhở con cháu về dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong thân thể của mỗi người con đất Việt trên toàn thế giới.

Ông Lương Xuân Hòa cho biết, không chỉ ở quê hương, không khí của ngày Giỗ Tổ luôn náo nức trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan mỗi khi đến “mùng Mười tháng Ba”.

Hằng năm, bà con kiều bào thường tổ chức lễ Giỗ Tổ tại chùa Khánh An ở Udon Thani, cũng là nơi linh thiêng đặt tượng Vua Hùng. Qua những hoạt động này, ông Hòa mong bà con kiều bào, nhất là thế hệ trẻ không quên nguồn cội con Lạc, cháu Hồng, cùng chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, hướng về quê hương đất nước.

Đại diện cho trí thức trẻ kiều bào về dự lễ Giỗ Tổ năm nay, chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Chủ tịch Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu khẳng định, những chuyến về nguồn luôn là những trải nghiệm vô cùng bổ ích và cần thiết với chị.

Qua hành trình này, thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba như chị hiểu thêm về bản sắc văn hoá của dân tộc mình, từ đó lan tỏa những gì nhìn thấy, nghe thấy cho cộng đồng sở tại.

Chị tin rằng, những người Việt trẻ dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đều trân trọng nguồn cội của mình và nếu có cơ hội họ đều mong muốn trở về tìm hiểu cội nguồn.

Trở về từ Singapore, chị Nguyễn Thị Hồng Trang thành kính tham dự tất cả các nghi lễ thiêng liêng hướng về cội nguồn. Quê gốc từ Đồng Nai, đây là lần đầu tiên chị Trang đến thăm Đền Hùng, dù mảnh đất này luôn trong tâm thức của chị.

Theo chị Trang, Giỗ Tổ mang ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, khi những người con đất Việt trên khắp thế giới hội tụ về đây. Hoạt động này cũng là cơ hội quý giá để thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài có thể tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Hành trình ý nghĩa của kiều bào trên vùng đất Tổ
Đoàn kiều bào giao lưu các nghệ nhân hát Xoan tại đình Hùng Lô. (Ảnh: An Bình)

Trải nghiệm văn hóa miền đất Tổ

Nhân dịp này, đoàn kiều bào tới thăm làng cổ Hùng Lô - nơi có ngôi đình với niên đại hơn 300 năm tuổi, là biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, gồm: ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ Phật, bệ thờ thần nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão.

Khám phá không gian cổ xưa của làng, bà con kiều bào ngạc nhiên khi nơi đây còn lưu giữ hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng đầy đủ nhất.

Đáng chú ý, hệ thống câu đối cổ rất phong phú với 43 câu đối ca ngợi cảnh trí quê hương và công đức Vua Hùng. Ngoài ra, phần lớn đồ thờ cúng đều có niên đại trên 300 năm, tiêu biểu là năm cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, những khí tự lễ hội.

Đặc biệt, các đại biểu kiều bào được thưởng thức hát Xoan-loại hình dân ca đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ấn tượng khi lần đầu được xem màn biểu diễn hát Xoan tại ngôi đình cổ, ông Lương Xuân Hòa cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hát Xoan vẫn được gìn giữ và phát huy là điều rất đáng quý, không chỉ giúp phục hồi không gian văn hóa cho cộng đồng, phát triển du lịch mà còn trao truyền cho thế hệ trẻ của làng. Chị Nguyễn Thu Quỳnh, kiều bào Malaysia, cũng bày tỏ niềm vui với phóng viên sau khi cùng hòa âm nhịp nhàng với các nghệ nhân hát Xoan trong giai điệu dân gian “Bắt cá”, hay trải nghiệm gói bánh chưng cùng người dân trong làng. Lúc chia tay, bà con kiều bào mang theo rất nhiều sản vật nổi tiếng như bánh đa nướng, mì gạo, bánh chưng, bánh dày…

Là người con của Phú Thọ, nhưng ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Odessa (Ukraine) vẫn rất bồi hồi khi về thăm quê lần này, nhất là được đi cùng đoàn kiều bào và nhận được sự quan tâm của Ủy ban Nhà nước về NVNONN. Ông đánh giá cao chương trình giúp kiều bào được tìm hiểu thêm về các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, mà ngay cả bản thân ông dù được sinh ra ở đây cũng không biết được hết.

Theo baoquocte