Những nhân viên mẫn cán của cơm văn phòng Tre Xanh. Ảnh: Mái Ấm Tre Xanh

Trên đường Calmette, quận 1, TP.HCM, có một quán cơm văn phòng với tên gọi bình dị Tre Xanh. Đây cũng chính là mái ấm của gần 20 trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em đã phải bươn chải vì gánh nặng mưu sinh, bị chính cha mẹ buộc phải trở thành lao động chủ lực của gia đình. Chính mái ấm Tre Xanh (thuộc Hội Bảo trợ Trẻ em TPHCM) đã trở thành điểm tựa cho rất nhiều cuộc đời trẻ thơ bất hạnh như thế.

Một phần kinh phí hoạt động của Mái ấm Tre Xanh đến từ quán cơm văn phòng cùng tên, được mở ra không vì mục tiêu lợi nhuận. Chính những thành viên của Mái Ấm là những nhân viên của quán, sau giờ học tại trường, lại thay nhau làm các công việc dọn dẹp, phục vụ, giao hàng. Đầu bếp là những bạn đã trưởng thành, có tay nghề chuyên nghiệp còn những công việc như dọn dẹp, phục vụ bàn, giao hàng do các thành viên nhỏ tuổi hơn thay phiên nhau phụ trách sau các giờ học.

Trung bình mỗi ngày quán bán 200 suất cơm, số tiền lời được dùng để trang trải sinh hoạt, việc học hành cho các em nhỏ trong mái ấm.

Đồng hành cùng Tre Xanh trong nhiều năm nay là những tấm lòng thơm thảo của bà con kiều bào thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp, với các hoạt động quyên góp từ thiện thiết thực, truyền cảm hứng.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp cùng các em nhỏ tại Mái ấm Tre Xanh (quận 1, TPHCM). Ảnh: Việt Dũng/Sài Gòn giải phóng

Bên cạnh sáng kiến quán ăn Tre Xanh, trong hơn 10 năm nay, cùng với Hội Đoàn kết Arcueil Q1 TPHCM (ASAH 1er), Hội người Việt Nam tại Pháp đã giúp các thanh thiếu niên ở Mái Ấm Tre Xanh học nghề (vẽ tranh, nấu ăn, làm đồ thủ công mỹ nghệ) cũng như hỗ trợ các em đạt tay nghề giỏi sang Pháp giao lưu, học hỏi, và đưa những tác phẩm của các em giới thiệu với công chúng tại Pháp.

Có những thành viên gắn bó với Mái Ấm Tre Xanh đến mức, không tiếc khi từ bỏ công việc ở các khách sạn, nhà hàng lớn để trở về Mái Ấm, nhận mức lương chưa bằng một nửa, để chung sức giúp đỡ các em nhỏ.

Những thành viên của Mái Ấm Tre Xanh khiến chính những “người xây mái ấm” như ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp vô cùng xúc động:

“Chính các em còn biết hy sinh lợi ích bản thân để giúp mái ấm, cùng giúp nuôi nấng các em nhỏ hơn, thì chúng tôi, những người có điều kiện ăn học đàng hoàng, có điều kiện đi đó đi đây, không thể khoanh tay ngồi nhìn”, ông Nguyễn Thanh Tòng tâm sự.

Bên cạnh Mái Ấm Tre Xanh, Hội cũng là nhà bảo trợ của Mái Ấm Hoa Hồng Nhỏ, ngôi nhà của những trẻ em gái nhập cư, lang thang, bị bạo hành, thuộc Hội Bảo Trợ Trẻ Em TP.Hồ Chí Minh.

Các em nhỏ học làm bánh tại Mái Ấm Hoa Hồng Nhỏ. Ảnh: Mái Ấm Hoa Hồng Nhỏ

Nhiều năm nay, Hội Người Việt Nam tại Pháp đã gắn bó khăng khít với Mái Ấm Hoa Hồng Nhỏ như một đối tác, Mạnh Thường Quân đầy trách nhiệm. Không chỉ gây quỹ, các kiều bào còn sát sao với các hoạt động của mái ấm, quan tâm từ việc vận hành của bếp ăn tới việc xét học bổng, cách nuôi dưỡng, dạy dỗ, dạy nghề cho các em. Vì tương lai của các bé gái thiệt thòi, những thành viên của Hội Người Việt Nam tại Pháp còn phối hợp với cơ quan ngoại giao tổ chức các chương trình dạy ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp) cho các em, hỗ trợ thành lập xưởng học làm bánh để các em được trang bị kỹ năng nghề, cũng như bổ sung kinh phí để trang trải cho cuộc sống trước mắt.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM cho biết: “Nhiều cô chú kiều bào lớn tuổi vì Mái Ấm đã không ngại chịu tốn kém, “tự bỏ tiền túi đi máy bay suốt 12 tiếng để về Việt Nam lo cho trẻ”. Bà Lương Thị Thuận đã cắt nghĩa một cách giản dị về nghĩa cử đẹp ấy là “một tình cảm quê hương khăng khít, đậm đà” mà những người làm thiện nguyện tại Việt Nam cũng như những mảnh đời bất hạnh vô cùng trân quý.

 Hội Người Việt Nam tại Pháp thực hiện nhiều dự án thiện nguyện
Hội Người Việt Nam tại Pháp đã thực hiện nhiều dự án tại nhiều tỉnh thành như Lào Cai, Hà Nội, Hà Tĩnh, vô Quy Nhơn (Bình Định), Đắk Lắk, Tiền Giang… Các lĩnh vực hỗ trợ rất đa dạng, từ y tế, giáo dục, cho tới sinh kế, như xây dựng nhà phục hồi chức năng, hỗ trợ dụng cụ nấu bếp cho trường dân tộc nội trú tại Lào Cai; hỗ trợ phương pháp điều trị bệnh phong tại Bình Định; hỗ trợ khám bệnh, cấp thuốc điều trị cho con em người bị nhiễm chất độc da cam tại Khánh Hòa. Cho các hộ gia đình tại Tiền Giang vay vốn không lãi suất…

Dự án hiện tại 2017-2019 đã và đang thực hiện cùng trường Về Nguồn để có trong suốt ba năm cấp 50 học bổng cho trẻ em Lai Châu thoát cảnh « bỏ học chăn bò », tiếp tục đến trường học chữ và 50 học bổng cho trẻ em nghèo Tiền Giang.

Theo Thời Đại