Từ thị xã Nghĩa Lộ, vượt qua đèo Khau Phạ, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, chúng tôi chợt bắt gặp ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang vươn lên tận trời, lấp lánh dưới nắng sớm ban mai. Mềm mại và kỳ vĩ, đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi thấy hiện ra trước mắt mình cả một vùng trùng điệp, tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang ôm ấp nhau trải khắp triền đồi, triền núi, từ Dế Xu Phình đến   Chế Cu Nha, rồi lên tận La Pán Tẩn, hiện ra trước mắt chúng tôi... Đó thực sự là một kỳ quan được tạo ra bởi bàn tay và sức lao động phi thường của con người.

90%  dân số Mù Cang Chải là đồng bào Mông, một dân tộc có tập quán chọn những đỉnh núi cao nhất để sinh sống. Một năm họ chỉ làm một vụ lúa, từ tháng 2 bắt đầu cày ải, tháng 3 tháng 4 nước từ trên cao đổ về, mọi người tập trung cày bừa, nhổ mạ, cấy lúa... tạo nên quang  cảnh nhộn nhịp, no ấm. Mù Cang Chải đẹp nhất vào tháng 10 dương lịch, khi tất cả lúa trên các thửa ruộng  bậc thang chín vàng, tạo nên một... tuyệt tác làm mê đắm lòng người. Cảnh quan Mù Cang Chải thật hài hòa với núi đồi, ruộng nương kết hợp cùng những bản làng truyền thống của người Mông tạo thành một bức tranh thiên nhiên nên thơ, quyến rũ, chưa bị phá vỡ bởi quá trình hiện đại hóa. Đồng bào dân tộc nơi đây tuy còn nghèo nhưng lại rất gần gũi và dễ mến. Chợt bắt gặp một nhóm các cô gái đi cấy, bạn có thể dễ dàng bắt chuyện, tìm hiểu để biết thêm về cuộc sống thường nhật của họ. Hoang sơ và kỳ vĩ là vậy nhưng Mù Cang Chải mới chỉ được những người ưa du lịch khám phá và những tay máy yêu nghệ thuật nhiếp ảnh biết đến, có lẽ bởi cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở đây chưa phát triển, công tác quảng bá du lịch cũng chưa được địa phương chú ý.


Đối với Mù Cang Chải, xây dựng những tour du lịch sinh thái hoặc du lịch cộng đồng là rất phù hợp, du khách có thể vừa được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của núi non, mây trời Tây Bắc, vừa tham gia vào cuộc sống, lao động thường nhật cùng người dân địa phương, trong khi vẫn tôn trọng, gìn giữ được cảnh quan thiên nhiên và những tập quán sinh hoạt mang đậm bản sắc, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hoá bản địa.  Ruộng bậc thang vốn gắn bó với người Mông từ nhiều đời nhiều kiếp, có thể coi đây là một công trình nghệ thuật đặc sắc, phản ánh một phương thức canh tác độc đáo, hội tụ tinh hoa và sức sáng tạo không ngừng của bà con dân tộc thiểu số trong quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến thiên nhiên và con người Mù Cang Chải đã làm nên một danh thắng tuyệt vời, có sức quyến rũ đặc biệt với du khách thập phương. Ai đã có dịp ghé thăm nơi đây, chắc hẳn sẽ còn muốn quay trở lại. 

Cường Nghiêm