Câu đối Hán Nôm ở đền thờ Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) - QUỲNH TRÂN
Chàng Lía Nam bộ cũng có gốc gác ở… Bình Định
Câu chuyện về chàng Lía nổi tiếng được biết đến qua bài vè (có nhiều dị bản) lưu truyền trong dân gian cùng câu ca dao: “Chiều chiều én liệng truông Mây/Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”.
Người miền Bắc quen thuộc nhân vật này từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, còn tại Nam bộ thì hình tượng chàng Lía xuất hiện bắt đầu phổ biến vào nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 qua một số bản thơ tuồng Nôm và phiên âm Quốc ngữ Latin. Mức độ “phủ sóng” của chàng Lía, ngoài Văn Doan diễn ca (Huình Tịnh Của phiên âm) được biết đến nhiều, còn được Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của, xuất bản năm 1895, 1896 tại Sài Gòn) ghi nhận cả trong mục từ Lía. Theo tác giả Phan Mạnh Hùng, câu chuyện chàng Lía Nam bộ xuất hiện trong các văn bản dạng “bổn cũ soạn lại” mà ông sưu tầm được, gồm: Văn Doan thơ của Đặng Lễ Nghi, Thơ thằng Lía (tục gọi Dương Doan Văn Lía) và Thơ cha Hồ chú Nhẫn của Cử Hoành Sơn.
“Văn Doan thơ so với Văn Doan diễn ca có nhiều khác biệt: Đoạn đầu bản của Huình Tịnh Của có 26 câu, còn của Đặng Lễ Nghi có 32 câu. Ngoài ra, Văn Doan thơ còn có chú thích của tác giả về địa danh, điển tích, thêm phần nói thơ và nhiều đối thoại của các nhân vật. Tuy nhiên, Thơ thằng Lía và Thơ cha Hồ chú Nhẫn là một truyện thơ chữ quốc ngữ, kể lại trọn vẹn câu chuyện chàng Lía bằng thể lục bát, có tổng cộng 2.514 câu, nội dung khác đi nhiều”, nhà nghiên cứu Phan Mạnh Hùng phân tích. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng: “Điều độc đáo nhất trong tác phẩm của Cử Hoành Sơn khi vào đến miền đất Nam bộ, câu chuyện về chàng Lía đã có cách sáng tạo hoàn toàn mới. Nếu như Văn Doan diễn ca giới thiệu: “Có người ở phủ Quy Nhơn/Ở Phù Ly huyện ở miền Bích Khê/Cha xưa lính trụ thảy về/Vợ chồng hút ẩm chuyên nghề làm ăn/Tre già tre lại trổ măng/Nảy sinh một Lía cầm bằng mười con”, thì đến Thơ thằng Lía, các địa danh như “phủ Quy Nhơn”, “Phù Ly huyện”, “miền Bích Khê” hoàn toàn biến mất, không còn được nhắc tới như trong các bản tuồng Nôm, bản Quốc ngữ của Huình Tịnh Của và Đặng Lễ Nghi.
Tác giả sách lý giải: “Có thể người soạn đã có ý thức biến một nhân vật có tính chất địa phương Bình Định thành câu chuyện chung của độc giả Nam bộ. Văn bản cũng không còn hình thức thơ pha tuồng mà thuần túy thể lục bát. Điều này đã đáp ứng nhu cầu đọc, ngâm chứ không phải kể của độc giả. Lời thơ Cử Hoành Sơn giản dị, vần điệu gần với lời ăn tiếng nói bình dân. Kết thúc Thơ cha Hồ chú Nhẫn, nhân vật Lía không chết, giống như bài vè dân gian lưu truyền ở Bình Định, trở thành hiện tượng văn học và văn bản học thú vị về câu chuyện chàng Lía tại Nam bộ”.
Nghệ thuật xuất sắc về câu đối Hán Nôm
Cư dân đất phương Nam phần lớn tập trung di cư từ miền Trung, miền Bắc vào nên sau khi làng xã hình thành ổn định thường quyên góp xây dựng đình, đền, miếu… làm nơi thờ cúng thần linh và những danh nhân lịch sử. Vì vậy, có rất nhiều câu đối Hán Nôm - loại hình di sản độc đáo của dân gian được thể hiện sáng tạo để lưu danh, ghi nhớ công lao các tiền nhân.
Chẳng hạn, theo hai nhà nghiên cứu Phan Mạnh Hùng và Nguyễn Đông Triều, nhân dân đã ca ngợi tài đức của đức Thánh Trần bằng câu đối ở đền thờ Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) như sau: “Vạn cổ huân công huyền nhật nguyệt; Thiên thu chính khí tái sơn hà” (Muôn thuở công lao cao nhật nguyệt/Ngàn năm chính khí khắp sơn hà). Nói về Hưng Đạo Đại vương và chính sự nhà Trần, có câu: “Vạn Kiếp bí truyền, chiến lược mấy pho lưu vạn đại; Diên Hồng hội nghị, dân quyền một buổi dấu thiên thu/Mặt trận sông Đằng, sóng gió đánh tan hồn nghịch tặc; Ngàn thu non nước, khói hương còn tụ khí anh linh”, trong đó khéo léo nhắc lại hai tác phẩm binh thư quan trọng của Trần Quốc Tuấn và trận thắng khiến quân giặc kinh hồn bạt vía trên sông Bạch Đằng.
Câu đối tại đền Nguyễn Trung Trực - một trong những người anh hùng chống giặc ngoại xâm ở Nam bộ, dù ngắn gọn nhưng thể hiện đầy đủ quá trình chiêu mộ nghĩa quân và tiến hành chống giặc ngoại xâm: “Tả chấp chưởng quân nhung, hãn cự ngoại xâm, quát bác trường lưu an vũ trụ; Hữu chỉnh tu binh mã, thanh trừng nội loạn, hàm hoằng củng cố định giang sơn” (Ngoài thống lĩnh quân nhung, chống cự ngoại xâm, truyền giữ xa gần an vũ trụ; Trong chỉnh tu binh mã, thanh trừng nội loạn, vững vàng sâu rộng định giang sơn).
Đối với công lao của những người mở cõi, người Nam bộ đều luôn ghi nhớ trọn đời, như danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh (đình Châu Phú, An Giang): “Thác cảnh khai cương, thiên địa dĩ thời quy túc tướng; Đình xa trú tiết, Hán Di tùy tại hữu linh từ” (Mở cõi khai cương, thành tướng giỏi trong vòng trời đất; Vào Nam phụng mệnh, lập đền thiêng khắp cõi Hán Di).
Ngay như vị đại thần bị lịch sử xem là có tội như Phan Thanh Giản, thông qua nội dung ca ngợi trong câu đối ở Văn Miếu (Vĩnh Long) cũng hiểu được phần nào tình cảm người Nam bộ dành cho ông: “Hạo khí lăng vân, Minh Thiệu Tự nhất thân tận tụy; Đan tâm tạ nhật, Bắc Trung Nam vạn tải đồng chiêm” (Khí tiết xông mây trời, Minh Thiệu Tự một đời tận tụy; Lòng son mờ mặt nhật, Bắc Trung Nam muôn thuở ngưỡng trông). Hay như câu đối ở lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang): “Thoại lĩnh bi danh, vạn cổ huân công sơn tự tại; Tế hà biểu húy, thiên thu thục đức thủy trường lưu” (Tên núi Thoại Sơn, muôn thuở công lao còn như núi; Tên sông Vĩnh Tế, ngàn năm đức tốt chảy như sông), vừa nhắc lại công lao đào kinh Đông Xuyên vào đời Gia Long và kinh Vĩnh Tế (đời Minh Mạng), vừa ghi điểm xuất sắc về nghệ thuật câu đối Hán Nôm là dùng tên nhân vật ví với đặc trưng của sự vật được đặt từ tên nhân vật ấy”, sách đã dẫn phát hiện.
Theo thanhnien