Những sợi tơ óng ánh làm ra sản phẩm dệt của làng dệt Bảy Hiền

Ngã tư Bảy hiền nằm trên địa bàn phường 11, quận Tân Bình hàng chục năm qua được mệnh danh là “quê hương dệt của Tp. Hồ Chí Minh”. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, người dân ở các vùng canh cửi xứ Quảng vốn là những người kháng chiến bị chính quyền miền Nam Việt Nam khủng bố đã phải lánh nạn vào Sài gòn. Họ mang theo nghề dệt truyền thống của mình để khi đến vùng đất mới đã tạo nên các khu dân cư tự phát và nhiều khu chợ buôn bán ở khu vực ngã tư Bảy Hiền.

Nghề dệt ăn nên làm ra đã kéo theo một lực lượng đông đảo những người bán tơ sợi và may gia công cũng từ đất Quảng vào khiến khu vực Bảy Hiền dần trở thành một “xứ Quảng thu nhỏ”. Ngoài việc giao lưu với người bản xứ, cộng đồng người Quảng còn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương mới.

Nhiều năm trở lại đây, người dân làng dệt Bảy Hiền đã cải tiến máy móc, đồng thời tìm cách nắm bắt được thị trường để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. các loại vải áo, quần, vải trơn, nhuộm, bông đã có đầu ra nhiều hơn hẳn. Không chỉ tiêu thụ trong nội thành, các tỉnh lân cận, hàng dệt Bảy Hiền còn nhận được nhiều đơn đặt hàng của các thương gia vải vóc ở các tỉnh phía Bắc...

Có thể nói, với tâm huyết và những nỗ lực của người dân trong việc duy trì nghề truyền thống cha ông để lại, làng dệt Bảy Hiền vẫn luôn là một dấu ấn kinh tế - văn hóa đậm nét của quê hương xứ Quảng trên vùng đất Sài thành.

                                                                                                              Theo Quehuongonline