Ông Nguyễn Khắc Hùng chụp ảnh với chiến sĩ Trường Sa.
Là người con của Thủ đô Hà Nội và tốt nghiệp khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội),Nguyễn Khắc Hùng từng sang Nga làm thực tập sinh vào năm 1992.Tuy nhiên, trong một chuyến sang Berlin thăm người thân, nước Đức đã níu giữ chân ông ở lại để rồi có được một gia đình ba thế hệ hạnh phúc cho đến giờ.
Ông Hùng tâm sự rằng,bên cạnh một cuộc sống ổn định và yên bình tại Đức,việc tham gia hoạt động tại các hội người Việt ở đây đã đem lại cho ông niềm vui và sự gắn kết đặc biệt với bà con nơi xa xứ. Không chỉ làm Chủ tịch Hội người Hà Nội tại Đức hay làm biên tập viên cho trang báo điện tử Nguoiviet.de, người ta còn thấy ông hăng say trong vai trò Trưởng ban điều hành cuộc vận động quyên góp vì biển đảo quê hương của kiều bào tại Đức trong suốt thời gian qua.
Từ mơ ước một con tàu lớn
Nguyễn Khắc Hùng cho biết, cộng đồng người Việt ở Đức hiện có khoảng 130 nghìn người, tập trung ở Berlin khoảng 25-30 nghìn người.Đó là một cộng đồng được phía Đức đánh giá là một trong ba cộng đồng người nước ngoài hội nhập tốt nhất vào xã hội Đức (Việt Nam, Hàn Quốc và Iran). Sau nhiều năm sinh sống tại Đức, ông nhận thấy người Việt mình ở đâu cũng chăm chỉ, chịu khó và quan tâm đến việc dạy dỗ con em. Rất nhiều con em kiều bào được vào các trường chuyên.
Người Việt ở Đức hiện sinh hoạt trong hơn 100 hội đoàn luôn có ý thức giữ gìn và phát triển văn hoá, văn nghệ truyền thống. Đặc biệt, trong năm 2014, người Việt đã có cả chục cuộc quyên góp nghĩa tình vì biển đảo. Không chỉ ở các thành phố lớn mà ở ngay cả vùng miền xa xôi, những người lao động cần lao cũng đóng góp đồng tiền nhỏ bé kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí những cháu bé còn góp từng đồng tiền lẻ bố mẹ cho ăn sáng.Tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân, cuộc quyên góp vào tháng 6/2014 đã đặt ra mục tiêu là đóng tàu hậu cần chở nước ngọt, xăng dầu, thuốc men tiếp ứng cho ngư dân bám biển,kiểm ngư và cảnh sát biển. Cũng nhờ mục tiêu đó, cuộc vận động đã thu được số tiền lớn nhất từ trước đến nay là 110.000 Euro.
Ông Hùng kể rằng, mặc dù quyên góp được hơn trăm nghìn Euro nhưng số tiền trên vẫn còn quá nhỏ để có thể đóng được một con tàu sắt như mơ ước của bà con. Mục tiêu không đạt được là nỗi buồn không của riêng ai. Sau đó, Ban vận động đã họp nhiều phiên và cuối cùng đã họp bàn và quyết định đóng chiếc xuồng CQ.
...đến chiếc xuồng nhỏ đầy nghĩa tình
Trong chuyến đi thăm Trường Sa mới đây, mục tiêu chính của ông Hùng là để tìm hiểu về về vai trò của xuồng CQ đối với quân, dân trên đảo. Bản thân ông muốn tự thẩm định và đã tìm được câu trả lời khi một sĩ quan hải quân ở đảo Song Tử Tây nói với ông rằng:“Với chúng em, xuồng CQ là người bạn vàng. Có nó chúng em đỡ gian nan, vất vả nhiều lắm”. Người sỹ quan ấy đã có 14 năm công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn chia sẻ:“Ngày trước không có xuồng, hàng tháng đi họp giữa các điểm đảo trong một đảo, bọn em toàn chờ thủy triều xuống rồi lội bộ. Nhiều khi giữa đường sóng gió bất chợt. Đã có những người đi mà không bao giờ đến nơi họp. Từ đài quan sát, bằng ống nhòm mọi người đều nhìn thấy, cũng đành bất lực khi sóng gió cuốn đi đồng đội của mình”. Tạm biệt người sỹ quan từ đảo nổi Song Tử Tây, ông Hùng lại tiếp tục hải trình với tàu quân y 561 để tới đảo nổi Nam Yết và đảo chìm Len Đao. Chính nơi đây ông đã nhìn thấy những chiếc xuồng chủ quyền bé bỏng nhưng kiêu hãnh là cầu nối giữa những người lính đảo hàng năm xa nhà và những ngư dân hàng tháng xa đất liền.
Ông Nguyễn Khắc Hùng nhớ lại, hôm bàn giao xuồng CQ của kiều bào tại Đức cho quân và dân đảo Song Tử Tây vào ngày 20/5 vừa qua, không khí tại nhà máy X46 - nơi đóng xuồng thuộc CKT Hải quân, tưng bừng như ngày hội. Đây là chiếc xuồng chủ quyền đầu tiên của Kiều bào gửi tặng quân và dân trên quần đảo trường Sa. Thượng tá Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc nhà máy X46 khi nói về giá trị của chiếc xuồng đã vui vẻ ví von:“Kiều bào ở Đức đã tặng cho quân và dân Song Tử Tây một món quà quý mà họ hằng mong đợi. Xuồng đi trên biển cũng như ô tô đi trên đất liền”. Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân thì xúc động nói:“Món quà của kiều bào Đức tặng quân và dân đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa không phải chỉ là sự chia sẻ mà còn là sự đồng hành trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ làm ấm lòng mà còn làm ấm lưng những người đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ biển đảo“.
Bước xuống chiếc xuồng không to lớn như con tàu từng mơ ước, nhưng nhìn dòng chữ Kiều bào tại Đức kính tặng in trên hai mạn xuồng ông Hùng cảm động đến rưng rưng...
Ông càng xúc động hơn khi nhìn thấy chiếc xuồng nhỏ băng băng rẽ trên sóng nước. “Chúng tôi trở về đất liền,về những thành phố yên bình, tráng lệ nhất châu Âu. Còn các anh vẫn ở lại nơi ấy xa cách người thân, mong manh nơi đầu sóng ngọn gió, rình rập đêm ngày bên những hiểm nguy. Hầu hết những người đứng trên boong tàu trong những cuộc chia tay ấy đều đã khóc”, ông chia sẻ.
Theo Thế giới & Việt Nam