|
|
Sân bay nhộn nhịp trở lại trong các dịp nghỉ lễ (Ảnh: VOV). |
Tháng 5 vừa qua, tôi đã thu xếp được để về thăm quê hương đất nước sau những tháng năm căng thẳng vì dịch bệnh Covid-19. Trong chuyến đi này, tôi tiếp tục chứng kiến sự thay da đổi thịt của đất nước, đồng thời cảm nhận những dư âm của một thời kỳ cả nước chống đại dịch và nhất là tinh thần dân tộc máu đỏ, da vàng vượt trên mọi vất vả, khó khăn.
Huy động mọi nguồn lực để chống dịch covid
Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020, qua 3 đợt lây nhiễm trong cộng đồng rồi bị khống chế, đã bùng phát, diễn biến rất phức tạp từ tháng 4/2021 do biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm và khó kiểm soát.
Đối phó với làn sóng dịch thứ tư này, nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được chính quyền các cấp triển khai kịp thời, góp phần từng bước đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới để tập trung hồi phục, phát triển kinh tế. Kết quả này được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao, nhất là việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa tháng 3/2022.
Bên cạnh những thành công, đã có một số chính sách, quyết định của chính quyền chưa phù hợp, kịp thời trong những giai đoạn chống dịch cụ thể. Dẫu vậy, xét về tổng thể, Việt Nam vẫn được xem là một trong những quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Khi dạo chân trên những con phố tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện của người dân và thấy nhiều cảnh sinh hoạt thường ngày minh họa thêm cho nhận định này.
|
|
Du lịch phát triển là một chỉ dấu trong thước đo đánh giá cuộc sống của người dân trở lại hoàn toàn bình thường sau dịch (Ảnh: VOV). |
Hầu hết các biện pháp chống dịch Covid-19 của Việt Nam đều cho thấy mục tiêu bảo vệ người dân, cứu giúp những người bị thiệt hại nhiều nhất, thiết lập giai đoạn bình thường mới để người dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. Trang báo The Diplomat cũng nhận định rằng “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”.
Chính sách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa chống dịch vừa đưa hoạt động kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân trở lại bình thường đã tạo điều kiện cho người dân được đi lại, làm ăn, học hành gần như thời kỳ trước dịch. Các gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng trăm nghìn tấn gạo của Chính phủ Việt Nam đã góp phần đáng kể bảo đảm sinh kế cho người lao động và làm cho các công ty, doanh nghiệp bị thiệt hại trong dịch Covid-19 phần nào yên tâm hơn.
Những nỗ lực của Việt Nam bảo đảm quyền con người trong đại dịch còn được thể hiện rõ qua việc triển khai mạnh mẽ, hiệu quả “Chiến lược vaccine”, trong đó ngoại giao vaccine được coi trọng, nhằm thực hiện mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân cả nước. Rất nhiều cuộc điện đàm, làm việc của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các nước đã đề cập đến việc hợp tác, tiếp cận nguồn vaccine.
Nhờ vậy, từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 220 triệu liều. Phần lớn dân số được tiêm phòng đầy đủ, là tiền đề quan trọng để Việt Nam từng bước tự tin mở cửa, phục hồi kinh tế, đưa các hoạt động dần trở lại bình thường.
Tự do tôn giáo và tín ngưỡng
Là một người có nhiều quan tâm tới hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, trong dịp về Việt Nam lần này, tôi cũng dành một phần lớn thời gian tìm hiểu các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Qua trao đổi với một số chức sắc trong tôn giáo, tôi được biết Việt Nam không ngừng thay đổi, kiện toàn các thể chế pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.
Với một quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng và tôn giáo như Việt Nam, chính sách nhất quán của Nhà nước là bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử với các tôn giáo. Trong đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Việt Nam thông qua tháng 11/2016 đã quy định rất rõ “các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
|
|
Đại lễ tưởng niệm - Kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2022 (Ảnh: VOV). |
Nhà nước Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo trong nước đăng cai và tổ chức thành công nhiều hoạt động tôn giáo quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, diễn ra trong thời gian dài như: Công giáo với Lễ Năm thánh 2010 và Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012; Phật giáo với Đại lễ Phật đản Vesak các năm 2008, 2014, 2019; đạo Tin lành với Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017… Những thực tế nhìn thấy, nghe thấy vừa nêu trong đợt về thăm quê hương lần này, làm cho tôi rất lạc quan về những chính sách của Việt Nam trong phát triển tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân trong nước.
Chuyến về nước lần này của tôi tuy chỉ kéo dài 4 tuần nhưng đã giúp tôi có cơ hội chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại bình thường. Điều tôi thấy rõ nét trong chuyến về nước lần này là một Việt Nam đoàn kết hơn, quyết tâm hơn sau đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện mọi mặt đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế đang phục hồi nhanh. GDP của 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, lạm phát được kiểm soát; đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
|
Việt Nam hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ, chức sắc tôn giáo với khoảng 30.000 cơ sở thờ tự; 66 cơ sở đào tạo tôn giáo với khoảng 10.000 học viên đang theo học. Số cơ sở thờ tự và tín đồ tôn giáo cũng ngày một gia tăng, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Mỗi năm, ở Việt Nam có hàng trăm đầu sách và các ấn phẩm tôn giáo, với hàng triệu bản in được xuất bản, phục vụ nhu cầu học tập và tìm hiểu của người dân, tín đồ trong và ngoài nước. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay xuất bản 15 tờ báo và tạp chí; riêng Công giáo và Tin lành trong năm 2020 đã xuất bản hơn 1 triệu bản Kinh Thánh…
|
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hoạt (Bang Oklahoma, Mỹ)
Theo VOV