leftcenterrightdel
 Sinh viên dân vận về chương trình tình nguyện. Ảnh: Đức Thắng

Những ngày cuối tháng 7/2023, Đoàn trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga đã phối hợp tổ chức hoạt động tình nguyện “Mùa hè xanh” tại xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Với du học sinh học tập tại nước ngoài, mùa hè là cơ hội để đi du lịch, được trở về Việt Nam thăm gia đình, được nghỉ ngơi sau một năm học tập đầy vất vả… Nhưng 6 du học sinh đang học tập tại Nga đã chọn tham gia tình nguyện hè như cách để học tập những bài học thực tế bên ngoài xã hội.

Những trải nghiệm đầu tiên

Trước đây, Đoàn Đức Thắng (sinh viên Học viện Phòng cháy chữa cháy Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga) chỉ biết tới cuộc sống của người dân vùng cao qua những thước phim chiếu trên tivi. Bởi vậy, nhân dịp thực tập và nghỉ hè tại Việt Nam, Đức Thắng đã quyết định tham gia “Mùa hè xanh” để được trải nghiệm cuộc sống tại vùng cao và giúp đỡ bà con nơi đây. Đồng thời, Đức Thắng cũng muốn được làm việc với nhiều bạn trẻ tài năng, học hỏi nhiều kỹ năng sau chuyến đi lần này.

Trần Mai Tuấn Phong (sinh viên Đại học Quốc gia Quan hệ quốc tế Moscow) biết tới “Mùa hè xanh” qua những câu chuyện của mẹ và chị. Tuấn Phong cảm nhận tuy tham gia hoạt động cũng có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nụ cười thanh niên luôn rộn rã. “Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn (26/3), những thanh niên tham gia “Mùa hè xanh” năm đó lại tổ chức gặp mặt để ôn lại kỷ niệm tuổi trẻ. Điều đó khiến em tò mò và háo hức muốn tham gia chương trình tình nguyện hè”, Tuấn Phong chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Sinh viên tặng quà cho gia đình chính sách: Ảnh: Đức Thắng

Trong thời gian hoạt động tại địa phương (14 ngày), các bạn sinh viên đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, như tổ chức lớp ôn tập văn hóa hè cho các em nhỏ vùng cao; trao tặng Công trình thanh niên cho địa phương (con đường hoa thanh niên, thắp sáng đường quê, sân chơi trẻ em, tủ sách yêu thương); tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao); tuyên truyền, phát thanh về pháp luật nhà nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, … trên các hệ thống truyền thông của xã.

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam (27/07) cả đoàn đã thăm hỏi tặng quà gia đình có công với cách mạng, sửa sang bia tưởng niệm liệt sĩ, tham gia chương trình “Thắp nến tri ân” tưởng nhớ công lao anh hùng liệt sĩ. “Khoảnh khắc ấy, tất cả chúng mình đều hoà vào không khí thiêng liêng của dân tộc”, bạn Lê Thị Liên, sinh viên Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên các du học sinh được cuốc đất, trồng hoa, đào đường, xây hố, lắp bóng đèn, xả nhám, sơn tường, cấy lúa, chuyển mạ cho bà con, nấu cơm bằng bếp củi, vào rừng chặt củi, hái măng...14 ngày tình nguyện tuy ngắn nhưng đã giúp các du học sinh trưởng thành hơn rất nhiều. Họ biết chia sẻ và quan tâm những người xung quanh. Những kỷ luật trong đoàn giúp họ tự có trách nhiệm với bản thân mình hơn.

leftcenterrightdel
Sinh viên dọn dẹp, sửa sang nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Đức Thắng 

Ấn tượng đẹp đẽ trong lòng em nhỏ vùng xa

Hoạt động không thể thiếu trong chiến dịch tình nguyện là tổ chức lớp ôn tập văn hoá hè cho các em nhỏ vùng cao. Trong các buổi học, các em được học tiếng Anh, tiếng Nga, kỹ năng sống (phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ bản thân khỏi tai nạn, phòng cháy chữa cháy).

“Gần 100 em nhỏ tham dự mỗi buổi học. Buổi học đông nhất sĩ số lên tới 150 em. Nhiều em nhà ở trên núi, phải đi bộ 5-6 km để tới trường. Các em tới học từ sáng, cùng ăn cơm với các anh chị sinh viên. Tới tối, anh chị đưa các em về. 14 ngày cùng sinh hoạt, vui chơi với các em nhỏ đã để lại trong em nhiều kỷ niệm”, Tuấn Phong chia sẻ.

Ngày cuối cùng trong chiến dịch tình nguyện, từ sáng sớm, hơn chục em nhỏ đã tới điểm trường để nói lời tạm biệt cùng lời hứa hẹn các em sẽ tiếp tục phấn đấu học tốt. Trong cuốn lưu bút, một bạn nhỏ giấu tên đã viết: “Cảm ơn tất cả các anh chị vì trong suốt thời gian qua đã cho bọn em một quãng thời gian rất tươi đẹp. Mặc dù trời rất nóng những anh chị vẫn cố gắng để cho bọn em những bài giảng thật ý nghĩa”.

leftcenterrightdel
 Lớp ôn tập văn hoá hè cho các em nhỏ. Ảnh: Tuấn Phong

Em Hoàng Lê Na (14 tuổi) chia sẻ: “Em đã rất vui và có những khoảnh khắc rất tuyệt vời khi được trải nghiệm và làm việc cùng anh chị tình nguyện viên ở đây. Trước khi các anh chị trở về Hà Nội, em chúc các anh chị có một chuyến về thật bình an, chúc các anh chị sau này có một công việc ổn định, tìm được hạnh phúc cho riêng mình”.

Trở về nhà sau chiến dịch tình nguyện, Lê Thị Liên vẫn nhớ hình ảnh cô bé Thuỷ có biệt danh “cô gái của núi rừng” đã khóc rất nhiều và liên tục hỏi: “Chị sẽ quên em đúng không?”. Liên nhớ cả cậu bé Hải ít nói và hay xấu hổ, luôn giúp đỡ anh chị.

Nghĩ về Bắc Kạn, các du học sinh sẽ mãi nhớ về các em nhỏ nơi đây, nhớ về nụ cười của người dân địa phương, những ngày tháng hăng say lao động. Và một điều chắc chắn rằng, “ngọn lửa tình nguyện” sẽ vẫn luôn cháy trong tim những người trẻ trên hành trình sắp tới.

Theo thoidai