Lúc nhỏ tôi hay theo ba lên chùa Quốc Ân (Huế),
để thắp hương bái Phật và để… ăn chay


Nhớ hồi nhỏ sống ở Huế, tới ngày rằm và mồng một, ba tôi hay dẫn tôi lên chùa Quốc Ân hay Từ Hiếu, trước là thắp hương bái Phật và sau là ăn chay. Thiệt tình là tôi không nhớ món chay trên chùa nấu ra sao. Vì với tôi, ký ức đó lại là những lời nói thì thầm thành kính của ba tôi lúc đưa hương cho tôi lễ Phật: “Con có thấy Phật tỏa hào quang hay không?”.
Và đứa bé mới 5, 6 tuổi là tôi hồi đó, mỗi khi lên chùa, lại cứ lẻn đi lấp ló sau chánh điện để đi tìm... ánh hào quang, không còn tâm tưởng nào nghĩ tới món ăn. Tới chừng xuống bếp của chùa thì mấy mệ hay giúi cho tôi một cái ram cuốn còn nóng hổi để lén ôn ăn vụng. Có chút bùi bùi của khoai môn, chút lựt sựt của nấm mèo, bún tàu xắt sợi, chút giòn tan của lớp bánh tráng chiên vàng giòn.

Miền ký ức… món chay của tôi còn gắn với chùa Từ Hiếu (Huế)

Lớn lên một chút, tôi mới nhớ, là mỗi khi đến rằm, mồng một thì các o, các mệ thay vì gánh bún bò Huế lại chuyển sang bán bún chay. Nồi bún chay vàng ruộm màu của cà chua và của ớt màu cũng luôn gây cảm giác tò mò cao độ không chỉ đối với một đứa bé là tôi hồi đó. Mấy mệ bán hàng cũng bắt bún ra tô, rồi lấy cái vợt dạo qua, dạo lại trong nồi để chọn ra nào: bắp su, boa rô, khuôn đậu, tàu hủ ky, măng, nấm...
Còn nhớ tô bún chay nghi ngút khói, được các o bóp vụn miếng tàu hủ ky chiên giòn để lên mặt tô, rắc thêm chút đậu phụng, xịt xịt miếng xì dầu đầy bí hiểm. Và rồi, tôi chỉ biết cầm tô mà xì xụp thổi. Hồi nhỏ, mỗi khi vậy tôi hay hỏi: “Sao bữa nay mình không ăn bún bò cho có thịt”. Ba tôi lại thì thào, như sợ người bên cạnh cười... vô mặt tôi: “Bữa ni ăn chay cho nhẹ bụng con”.
Bữa chay ấn tượng với tôi nhất là lần đi viếng Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, lúc thiền viện vẫn còn đang xây dựng ngổn ngang. Thầy mời nhóm tụi tôi ở lại dùng cơm chay khi gặp bữa. Tôi đã choáng váng khi biết, bữa cơm thanh đạm hôm đó là 5 món chế biến từ cái... bắp chuối mà ra. Bắp chuối bào sợi làm được món canh nêm lá lốt, để lại một mớ khác dùng ăn sống, chấm với món kho. Còn bông chuối ẩn bên trong bắp chuối được tách ra và làm được tới 3 món. Lớp thì tẩm bột lên và chiên giòn chấm xì dầu, lớp thì làm món kho. Món kho coi bộ cũng dễ làm. Ướp với xì dầu, đường, muối, kho chung với khuôn đậu, phổ ki.
Nhưng ấn tượng nhất là món bóp gỏi. Cũng là những cái bông chuối chuẩn bị tượng trái đó, đem luộc lên, rút cái nhị ra, rồi bóp với muối, tiêu, rau răm, vắt xí chanh vô, thêm tí đậu phụng, mè rang giã dập. Thôi thì nó ngon không phương nào kể xiết cái bữa cơm hôm nọ. Nhìn xung quanh dãy Bạch Mã điệp trùng, nước hồ Truồi lặng lờ xanh ngắt. Không một tiếng động, chỉ có tiếng gió xao xác, tiếng than chủ nổ lép bép trong bếp và tiếng thở, tiếng xuýt xoa khe khẽ, cũng rất mơ hồ.
Năm tháng qua đi. Ăn chay không con đợi tới ngày, tới tháng. Những quán xá, từ sang trọng tới bình dân chuyên về món chay thôi thì đếm không hết. Món chay theo đó cũng biến tấu không ngừng. Cũng nấm, cũng rau củ, cũng tàu hủ khuôn, cũng dầu phụng. Có tí lạ lẫm, có tí thân quen. Nhưng thiệt tình cũng khó nắm bắt.
Nhưng như đã nói, nấu ăn là dịp để trôi về ký ức. Mà đã là ký ức thì làm sao phân định rõ ràng chuyện công thức, lớp lang. Thành ra, cứ nấu theo cảm xúc, nấu theo lòng thành. Rồi thì sẽ ngon.
Mà đến ngày chay, mùa chay, việc ăn chay chỉ là cái cớ. Vậy thì cớ gì cứ lẩn thẩn chuyện đúng - chuyện sai, chuyện dở - chuyện ngon.
Năm tháng qua đi. Mùa Vu Lan này, ngực áo tôi cài bông hồng trắng. Nấu mâm cơm chay đặt bàn thờ. Ngực chợt thắt lại vì không còn ai để hỏi: “Con nấu như vậy có giống món trên chùa hồi xưa”!

Theo Thanh niên