Trong căn nhà sàn nằm ven sườn đồi khu Còn I, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, chị Hà Thị Chiến, 42 tuổi vẻ trầm ngâm, gục đầu lên vai cô em gái. Sau 10 ngày về lại với gia đình, những ký ức tuổi thơ dần trở lại trong đầu chị.

Chị Chiến (áo trắng) xúc động khi được công an, chính quyền các cấp thăm hỏi động viên. Ảnh: Trần Lê Dũng.

"Ngày xưa bố hay bắt cóc, nhái làm thịt cho chị em mình ăn, đi hái măng đắng, đào sắn trong rừng nữa", chị Chiến nói như reo. "Đúng rồi, đúng rồi", Thuận, cô em gái thứ năm khích lệ.

Nghe tin Chiến trở về, Thuận bắt xe từ quê chồng ở Thái Bình lên Phú Thọ để gặp mặt người chị gái đã bặt tin tức 24 năm qua. Những ngày sau đó, cô em gái luôn ở bên vỗ về, an ủi để người chị thiệt thòi dần bình tâm và làm quen với cuộc sống mới.

Hà Thị Chiến là người con thứ hai - xinh xắn nhất trong 6 người con gái của ông Hà Văn Hoạt (68 tuổi) và bà Hoàng Thị Liếng (70 tuổi). Nhà nghèo vì đông con, thất học, năm 1996, khi vừa tròn 18 tuổi chị Chiến theo người quen đi làm ăn, kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. "Lúc đi em ấy dặn: Con đi kiếm tiền đến khi nào xây được nhà cho bố mẹ con mới về, đừng chờ", người chị cả tên Đón nhớ lại.

Hết xuân đến đông, gia đình ông Hoạt đợi mãi không thấy con về. Năm người con gái của ông lần lượt được gả chồng, nhưng Chiến vẫn biền biệt. Ông bố đi lại tập tễnh và người mẹ bại liệt, thu nhập của cả gia đình chỉ nhờ nương rẫy nên không có điều kiện tìm con. "Con mình mất tích sao không tiếc nhớ, nhưng có nhớ cũng không biết cách nào để tìm", người đàn ông dân tộc Mường ngồi trong ngôi nhà sàn bao quanh là đồi núi, nói.

24 năm con gái mất tích, nỗi nhớ của vợ chồng ông nguôi dần. Đột nhiên, cuối tháng 3 năm nay, công an xã Thu Ngạc thông báo đã tìm thấy chị Chiến và cho gia đình ông Hoạt nói chuyện qua video để xác nhận.

"Các chú công an bật video điện thoại lên để tôi nhìn. Tôi không nhớ tên bố, tên mẹ nhưng nhìn mặt là nhận ra ngay", chị Chiến nói. Ngày 28/3, Cảnh sát hình sự Phú Thọ, công an xã Thu Ngạc đã đưa người phụ nữ lưu lạc gần một phần tư thế kỷ trở về gia đình.

Ông Hoạt xúc động cầm tay con gái trong ngày đoàn tụ sau 24 năm xa cách. Ảnh: Trần Lê Dũng.

Trưa ngày cuối tháng 3, từng vạt nắng rải khắp sườn đồi, rọi vào ngôi nhà sàn cũ nát của gia đình ông Hoạt. Đích thân ông lão tấp tễnh ra đón con gái về. Nước mắt giàn giụa, ông nắm chặt tay con. Chiến quỳ sụp bên cạnh bố, mẹ và các chị em "khóc như trút hờn".

"Về đến nhà mình rồi, về nhà rồi. Yên tâm nhé", giọng năm người chị, em gái đan xen vỗ về giúp chị Chiến bình tâm hơn.

Chị Chiến kể, năm đó chị bị lừa sang bên kia biên giới, đổi tên thành Đinh Thị Bích Hà rồi bán cho một người đàn ông Trung Quốc. "Tôi với ông ấy có một đứa con, ông ấy thương tôi, cho về gặp gia đình nhưng lúc về tôi bị bán cho người khác", chị nói, thỉnh thoảng chêm vào đôi tiếng lạ.

Chị bỏ trốn bốn lần. Mỗi lần bị bắt lại là một lần hứng những trận đòn và cuối cùng bị bán vào một động mại dâm. Lúc này, Chiến chỉ bập bẹ tiếng Việt, quên hết tiếng Mường và giao tiếp bằng tiếng địa phương ở Trung Quốc. "Tôi không biết chữ nên không biết mình đã từng sinh sống ở những đâu ở đất nước này. Nhưng tôi vẫn khắc trong đầu địa chỉ nhà mình, tên Hà thực chất là họ, còn tên thật của tôi là Chiến", chị nói. 

Cuối năm 2019, một cô gái trẻ ở Ninh Bình vừa bị bán vào động mại dâm nơi Chiến đang ở, rủ chị bỏ trốn. Một đêm, tranh thủ mọi người ngủ say, họ trèo qua cửa sổ thoát ra ngoài. Sau năm ngày vật vạ trong rừng, hai người phụ nữ Việt được một người đàn ông cho đồ ăn, dẫn đến trình báo bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Họ được cán bộ cho tiền bắt xe về quê.

Không biết chữ, trí nhớ thì mơ hồ, Chiến bắt nhầm xe về Tam Kỳ, Quảng Nam. Giữa lúc Covid-19 bùng phát mạnh, chị phải đi cách ly 14 ngày vì nói mình từ Trung Quốc về. Hết thời hạn cách ly, Chiến được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam. Hành trình hồi hương nhiều xáo trộn khiến chị quên mất tên mình.   

Chị Chiến (đội nón) được em gái chỉ cách chăn trâu - thứ tưởng như bình thường lại trở thành thử thách với người phụ nữ từng chịu nhiều biến cố trong đời. Ảnh: Trường Quân.

"Lúc đó, chị ấy chỉ trình bày mình quê ở Thu Ngạc, Tân Sơn, Phú Thọ nên trình báo. Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị địa phương hỗ trợ xác minh", Đại úy Trần Lê Dũng, trưởng công an xã Thu Ngạc cho biết. Tuy nhiên, không ai tên Đinh Thị Bích Hà ở địa phương mất tích như trong công văn nêu.

Công an xã đã phải khoanh vùng ở bốn khu xa xôi hẻo lánh nhất thuộc xã Thu Ngạc để tìm kiếm. Lực lượng chức năng đến nhà các trưởng xóm, trưởng khu trước đây dò hỏi. Sau một tháng, công an địa phương xác định được Đinh Thị Bích Hà chính là chị Hà Thị Chiến. 

Ông Hoàng Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc cho biết, gia đình ông Hoạt thuộc hộ đặc biệt khó khăn. Sau khi chị Chiến đoàn tụ với gia đình, các cấp địa phương đã hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền mặt... để chị tái hòa nhập với cuộc sống tại quê nhà. Sau 6 tháng, chính quyền sẽ làm thủ tục pháp lý cần thiết để chị Chiến khôi phục đầy đủ quyền công dân.

Nói chuyện với người lạ qua điện thoại, ban đầu giọng chị Chiến run run, nhưng dần quen, chị mời khách "lên đây tao nấu măng đắng cho ăn". Buổi chiều, Chiến theo em gái đi hái rau rừng, tập chăn trâu. Chị đã bắt đầu nấu cơm ngày hai bữa, giặt đồ cho bố mẹ mỗi ngày "để dần dần báo hiếu".

Theo vnexpress