Năm Tuyền (Phạm Văn Tuyền) không phải là cái tên lạ trong ngành may và thiết kế bởi từ cuối những năm 1990, ông đã từng bước khẳng định dấu ấn và đẳng cấp của một thương hiệu đồ cưới xuất khẩu: A Soẻn. Người tiêu dùng có thể thấy mới khi nghe đến thương hiệu áo dài Năm Tuyền song nhắc đến áo cưới A Soẻn thì có lẽ không ai không biết.

Từ vị trí quản lý hãng may đồ cưới cho một thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, năm 1997, Năm Tuyền rời công xưởng. Bằng đôi tay khéo léo và khối óc nhạy bén, ông nhanh chóng nhận ra việc may các trang phục quen thuộc như áo dài, áo sơ mi, quần tây… với lượng khách nhỏ lẻ không thể tồn tại lâu dài khi ngành may bước vào quy trình công nghiệp và có sự gia nhập của những hãng thời trang may sẵn.

Nghệ nhân Năm Tuyền quảng bá áo dài tại lễ hội Tết Việt
Nghệ nhân Năm Tuyền quảng bá áo dài tại lễ hội Tết Việt
 

Do đó, 1 năm sau, A Soẻn ra đời, chỉ tập trung làm áo cưới và quy tụ thầy thợ đều là những người từng sát cánh với ông ở xưởng may ngày nào. Đó là sự gắn kết đặc biệt giữa những người anh em, người bạn không chỉ cùng chí hướng mà còn chung niềm tin suốt 32 năm qua.

Với kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy, không khó để Năm Tuyền thiết lập quy trình vận hành hiệu quả và chinh phục thị trường trong nước. Nhưng giấc mơ của ông không dừng lại ở đó. Nhờ tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi và luôn lắng nghe, ông dần tiếp cận các thương hiệu quốc tế tại Mỹ, Pháp. Sự chuyên nghiệp của ông đã chinh phục họ, đưa A Soẻn trở thành đối tác lâu dài.

Áo dài ngũ thân Năm Tuyền tham gia Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022
Áo dài ngũ thân Năm Tuyền tham gia Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022

 

Để đáp ứng quy chuẩn xuất khẩu tại thị trường quốc tế, các thương hiệu cử chuyên gia, nhà thiết kế sang Việt Nam nhằm đào tạo kỹ thuật may, rập, cập nhật công nghệ, quy trình cho đội ngũ thợ A Soẻn. Nhờ nền tảng trước đó ở xưởng may, A Soẻn từ chỗ làm theo thiết kế gửi sang dần chủ động lên mẫu và làm chủ công nghệ may đồ cưới xuất khẩu. Không quá khi nói Năm Tuyền là người tiên phong trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy việc chuẩn hóa quy trình, công nghệ và tỉ lệ trong ngành may đến nay vẫn là bài toán nan giải cho các nhà thiết kế và thương hiệu Việt. Đây chính là điểm thuận lợi của Năm Tuyền so với những thương hiệu nhỏ lẻ khác khi bắt tay vào làm áo dài ngũ thân.
Trong năm đầu tiên, áo dài Năm Tuyền tung ra thị trường khoảng 2.000 chiếc áo dài ngũ thân với năng lực sản xuất có thể nhiều hơn nếu thị trường sẵn sàng. “Số lượng này là nhờ vào sự ủng hộ, khuyến khích, hưởng ứng của các ban ngành, đoàn thể” - ông Tuyền khiêm tốn.

Tôi hình dung về hình ảnh chàng thanh niên cặm cụi may từng chiếc áo, chiếc quần ở một làng quê nhỏ thuộc tỉnh Thái Bình những năm 1980 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, Năm Tuyền mới 17 tuổi nhưng đã có nhiều năm quan sát, học hỏi từ hợp tác xã may mặc ở quê. “Nhìn các cô các bác may, tôi ao ước ngày nào đó mình cũng có thể may được một chiếc áo như thế” - ông hồi tưởng. Say sưa với nghề may, Năm Tuyền tìm tòi thêm và cắt may từng chiếc áo; không có máy thì may tay, từng chút một. Bà con, anh em trong xóm thấy Năm Tuyền may khéo, thương quý vô cùng nên mua vải để ông tập cắt may và họ có áo mặc.

Ấy vậy mà hành trình theo nghề may của Năm Tuyền lại đi thêm một vòng. Học xong phổ thông, theo guồng của cuộc sống giai đoạn ấy, ông theo học cơ khí. Mãi đến khi học xong, Năm Tuyền mới quay lại nghề may và gắn bó đến nay. Năm 1992, ông vào Sài Gòn, vào làm tại một hãng chuyên may đồ cưới nước ngoài tại Việt Nam. Con đường cứ thế rộng mở và mang đến cho Năm Tuyền nhiều cơ hội mà chính ông ở thời điểm đó cũng không nghĩ đến.

Nghệ nhân Năm Tuyền (thứ sáu từ trái qua) tại Đại hội thành lập Hiệp hội Áo dài TPHCM
Nghệ nhân Năm Tuyền (thứ sáu từ trái qua) tại Đại hội thành lập Hiệp hội Áo dài TPHCM

 

Muốn lan tỏa nên bắt đầu từ chất lượng chiếc áo

Phóng viên: Ông bắt đầu quan tâm đến áo dài ngũ thân vào thời điểm nào?

Nghệ nhân áo dài Năm Tuyền: Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, áo dài Năm Tuyền không phải là ngã rẽ của tôi mà là tôi có thêm một công việc. Phong trào mặc cổ phục, trong đó có áo dài ngũ thân, đã rộ lên cách đây 5-6 năm, từ các bạn trẻ cũng như từ định hướng của Nhà nước. Hội nghị văn hóa từng nhấn mạnh việc phục hưng và triển khai văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa mặc. Tôi tình cờ tiếp cận thông tin Huế nỗ lực lan tỏa áo ngũ thân truyền thống với khát vọng tái dựng y phục của ông cha, mang chúng vào đời sống. Đặc biệt, đề án Huế - Kinh đô áo dài của anh Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã được trình lên Quốc hội.

Hiện tại, mỗi chiếc áo dài ngũ thân thương hiệu Năm Tuyền được bán với giá 1,7 triệu đồng - mức giá nhiều người có thể tiếp cận. Bên cạnh đó, thương hiệu còn có thêm dịch vụ cho thuê áo với giá thấp hơn thị trường khoảng hơn một nửa. Tất nhiên, để có được mức giá này, ngoài việc tối ưu sản xuất, thiết kế, ông Tuyền đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận của thương hiệu. Ông nói rằng việc làm áo dài ngũ thân với ông không đơn thuần là tình yêu, đam mê mà còn thể hiện trách nhiệm của ông với nghề may, với văn hóa mặc của người Việt.

Thực tế, trong khoảng 50 năm trở lại đây, nhắc đến áo dài, người ta đều đề cập đến áo dài nữ. Kể cả trong các lễ hội, các chương trình tôn vinh áo dài, logo cũng là áo dài nữ dù ban đầu chiếc áo dài xuất phát từ áo dài nam. Trong khi áo dài ngũ thân nữ có những bước phát triển rực rỡ sau cuộc cách tân của họa sĩ Cát Tường thì áo nam gần như biến mất khỏi sinh hoạt thường nhật kể từ sau năm 1945. Nếu có, áo ngũ thân nam chỉ hiện diện trên sân khấu biểu diễn hoặc các lễ tế tại đình chùa miếu mạo. Hình ảnh chiếc áo vì thế không được đẹp và cũng không gần gũi nữa.

Từ cuộc trò chuyện với anh Hải, tôi bắt tay vào nghiên cứu áo dài ngũ thân nam và nhận ra, nếu may đúng kỹ thuật, thẩm mỹ thì chiếc áo đẹp và thoải mái vô cùng. Nhờ nền tảng sẵn có từ đội ngũ thầy thợ, cơ sở, nguyên liệu, quy chuẩn xuất khẩu, chỉ sau 1 năm nghiên cứu, tôi đã triển khai sản xuất áo ngũ thân số lượng lớn, giá thành hợp lý, chuẩn phom dáng… cung cấp cho các sở ban ngành làm đồng phục, các trung tâm xúc tiến, các đại sứ đi nhận nhiệm vụ… Chúng tôi xây dựng thương hiệu gắn liền với áo dài ngũ thân nam, áo nữ chỉ chiếm một phần nhỏ. Đây cũng là mảng thị trường còn nhiều khoảng trống.

Tôi xác định rõ, làm áo dài ngũ thân là làm một sản phẩm văn hóa chứ không phải may mặc hay kinh doanh nữa. Nó là trách nhiệm với nghề mình theo đuổi, nhằm gắn bó ngành may nói chung và áo dài nói riêng với các chủ trương, hành động của quốc gia.

Bộ sưu tập Hà Nội phố - áo dài ngũ thân Năm Tuyền tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022
Bộ sưu tập Hà Nội phố - áo dài ngũ thân Năm Tuyền tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022

 

* Ở góc nhìn của người theo nghề may, ông nhận thấy đâu là những cái khó khi đưa áo dài ngũ thân trở lại?

- Trước hết phải nói về bản thân áo ngũ thân. Do áo có thân liền với tay, trước sau liền nhau nên để may đẹp, không phải loại vải nào cũng phù hợp. Thứ hai, áo nhìn tuy đơn giản nhưng vì không ráp nối gì cả nên để may đẹp rất khó, phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật xử lý của người thợ. Thứ ba, ở một số công đoạn, áo ngũ thân cần làm thủ công chứ không may bằng máy toàn bộ nên giá thành cao. Trên thị trường hiện nay, áo dài nam có 2 loại. Phổ biến nhất là kiểu áo lai Ấn Độ - vải nào may cũng được, tiết kiệm nguyên phụ liệu, may nhanh, phom dáng dễ định hình, giá thành rẻ hơn. Áo ngũ thân mới hơn, ít tiệm cận hơn song tôi tin chỉ cần mặc 1 lần, người mặc sẽ yêu chiếc áo này.

Từ những lý do trên, trong nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đề cập việc đẩy mạnh quảng bá nhằm lan tỏa chiếc áo ngũ thân nói chung và áo ngũ thân nam nói riêng. Điều đó không sai nhưng cốt lõi, tôi cho rằng cần giải quyết được vấn đề đầu tiên: mặc áo ngũ thân phải thích, phải thoải mái. Thứ đến, giá thành chấp nhận được. Nếu không bảo đảm được những yếu tố trên thì có khuyến khích, kêu gọi kiểu gì, áo vẫn nằm trên giấy. Thiển ý của tôi, cần bắt đầu từ việc xây dựng chất lượng chiếc áo. Áo phải đẹp, sờ vải thấy thích, mặc vào thấy dễ chịu, giặt ủi thuận tiện, làm gì cũng tiện dụng, thoải mái để mặc 1 lần, lần sau vẫn muốn mặc lại. Thành công này cộng hưởng với quảng bá chắc chắn sẽ lan tỏa, đưa áo đến gần đời sống hơn.

*

Ông nghĩ thế nào về việc sáng tạo và làm mới áo dài hiện nay?

- Thực ra, việc sáng tạo, cách tân áo dài hiện nay khá tùm lum. Mặc dù sáng tạo không ai ngăn cấm, mình cũng không đề cập chuyện xấu đẹp ở đây vì mỗi người phù hợp với những phong cách khác nhau. Người ta làm phong cách đó vẫn bán được chứng tỏ vẫn có người sử dụng. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là người thiết kế phải đóng vai trò định hướng người mặc. Tiếp cận áo dài ngũ thân cũ mà mới, khi người dùng chưa tìm hiểu sâu sẽ làm lệch lạc văn hóa truyền thống.

Tôi từng chia sẻ tại nhiều hội thảo rằng phải tìm ra yếu tố cốt lõi, tinh hoa của chiếc áo. Một khi đã tìm hiểu cặn kẽ thì sáng tạo mới không bị mất gốc. Nó cũng giống như việc bạn học nhạc, phải vững các yếu tố nền tảng trước rồi mới chọn ngành. Sáng tạo, cách tân áo dài cũng vậy - phải dựa trên yếu tố cốt lõi. Nếu sáng tạo quá mức và không còn gì của áo dài lại nhân danh áo dài thì e là chưa phù hợp.

* Ông có đào tạo thế hệ kế thừa?

- Tôi đào tạo ngay tại xưởng. Thế hệ kế thừa của tôi chính là nhân viên, đội ngũ thầy thợ gắn bó với thương hiệu suốt hơn 30 năm qua. Bạn cũng biết, ở xưởng may, các công đoạn thường làm theo dây chuyền và có những công đoạn thủ công chỉ người lâu năm, lành nghề mới làm được. Tôi đã rèn luyện cho đội ngũ thợ trong xưởng, tất cả đều may áo dài, công đoạn thủ công thì người thợ may cũng phải làm. Việc rèn luyện đó nhằm mục đích, sau này nếu không làm cho A Soẻn nữa, các bạn cũng có nghề may áo dài trong tay. Áo cưới thì 1 người không làm nổi vì nhiều công đoạn phức tạp nhưng áo dài thì khác. Chính các bạn là người nối lấy nghề may này. Ngày nào đó, tôi không đủ sức làm nữa, các bạn cũng có thể tự may, mở tổ hợp may. Như vậy, các bạn cũng có thể đủ sống.

Nghệ nhân Năm Tuyền (bìa phải) giới thiệu áo dài tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây Hà Nội năm 2021
Nghệ nhân Năm Tuyền (bìa phải) giới thiệu áo dài tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây Hà Nội năm 2021

 

Ươm tơ dệt mộng với nghề may

* Rất nhiều người trẻ say mê và phục dựng cổ phục. Nhiều hội nhóm lan tỏa trong và ngoài nước. Theo ông, họ có vai trò thế nào trong hành trình phục sinh áo ngũ thân?

- Các bạn trẻ ngày nay rất giỏi và chịu khó, đặc biệt quan tâm sâu sắc đến văn hóa dân tộc. Với lượng thông tin trên mạng hiện nay và sự phát triển của công nghệ, họ tiếp cận được nguồn tư liệu khắp nơi. Khi tiếp xúc với cổ phục, trong đó có áo ngũ thân, họ bị chinh phục trước vẻ đẹp của nó. Phong trào phục sinh cổ phục cũng xuất phát từ các bạn trẻ. Điểm khác biệt giữa các bạn với thế hệ chúng tôi là các bạn không có tư duy của người trưởng thành trong thời cuộc, không biết chiếc áo thời trước ra sao, cũng không hiểu vì sao áo dài ngũ thân lại biến mất khỏi đời sống.

Thời gian có thể làm thay đổi, biến thiên nhiều điều. Tuy nhiên, ở Năm Tuyền, nhiệt huyết càng thêm đầy, thêm lan tỏa. Áo dài Năm Tuyền trở thành nhà bảo trợ cho hàng loạt hoạt động vận động, quảng bá hình ảnh áo dài truyền thống Việt Nam. Bên cạnh việc tích cực tham gia các hội thảo trong ngành, ông còn nhận lời làm giám khảo nhiều cuộc thi trang phục của sinh viên. Ông vừa được bầu chọn làm ủy viên ban chấp hành của Hiệp hội Áo dài TPHCM.

Nhưng khi nhận ra giá trị của chiếc áo và nhìn thấy tính thẩm mỹ của nó, các bạn miệt mài theo đuổi, nghiên cứu, phục dựng. Tôi biết nhiều hội nhóm, nhiều bạn trẻ say mê cổ phục ngày ngày đi làm, đêm về lao vào phục dựng cổ phục. Quá trình này đòi hỏi nhiều tâm sức, thời gian và cả tiền bạc. Làm ra 1 chiếc áo mất thời gian vô cùng, bán thì chẳng mấy người mua nhưng các bạn vẫn kiên trì, miệt mài. Khi người trẻ có niềm tin, nhận thức và niềm tự hào về văn hóa dân tộc, sức lao động và lòng quyết tâm của họ thực sự kinh khủng. Tôi được tiếp sức và truyền lửa từ tình yêu và lòng say mê đó của các bạn. Ngay những tư liệu về áo ngũ thân tôi có được cũng là từ các bạn.

Phong trào của các bạn cộng hưởng với đề án của Nhà nước về áo dài cách đây 12 năm đã tạo thành sợi dây liên kết phục hưng mạnh mẽ. Cũng chính các bạn trẻ yêu trang phục truyền thống đã góp phần lan tỏa và vận động gia đình, những người xung quanh hưởng ứng.

* Trong vai trò ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Áo dài TPHCM, ông có những ấp ủ nào để lan tỏa áo dài ngũ thân?

- Hiệp hội chỉ mới được thành lập trong thời gian ngắn nên hiện tại vẫn chưa có hoạt động cụ thể. Song, mục tiêu của hiệp hội là định hướng và góp phần phát triển văn hóa mặc. Các thành viên trong hiệp hội gồm nhiều lĩnh vực, từ thiết kế, sản xuất cho đến nguyên phụ liệu, công nghệ, đào tạo… tạo thành một vòng tròn kết nối. Vòng tròn này lắng nghe, góp ý để mang lại lợi ích cho cộng đồng và cả người tham gia. Trước mắt, chúng tôi sẽ có những thiết kế theo định hướng, chủ đề, đẩy mạnh giao lưu với người trẻ, tổ chức các buổi chia sẻ truyền cảm hứng và kiến thức chuyên sâu cũng như thúc đẩy hoạt động biểu diễn, quảng bá.

Các sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn nhất định. Theo quan điểm của tôi, hội đồng cố vấn rất quan trọng. Thông thường, người làm sáng tạo thường khá bảo thủ với thiết kế của họ. Do đó, để có cái nhìn toàn diện, đa chiều, hội đồng cố vấn sẽ bao gồm nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình mỹ thuật và cả giới truyền thông. Chỉ có như vậy mới tiệm cận và lắng nghe được thị trường và tìm tiếng nói chung để nhà thiết kế hướng đến thị trường, đáp ứng nhu cầu. Riêng việc bán sản phẩm ở đâu, thương hiệu như thế nào sẽ là câu chuyện ở bước tiếp theo.

Đám cưới với trang phục Áo dài Năm Tuyền
Đám cưới với trang phục Áo dài Năm Tuyền

* Ở góc độ vĩ mô, ông có đề xuất nào để thúc đẩy ngành thời trang Việt Nam trong bối cảnh việc gia công của nghề may mặc đang chịu nhiều sức ép từ các nước?

- Tôi nghĩ đã đến lúc các cấp quản lý nên có sự quan tâm sâu sát, thực chất và đúng mực để thúc đẩy ngành thời trang nội địa phát triển. Trong quãng đường làm nghề, bạn đã gặp bao nhiêu nhà thiết kế, tư duy giỏi, sáng tạo tốt? Chúng ta cũng có không ít cuộc thi tài năng nhưng những thương hiệu đó, những nhà thiết kế đó đang ở đâu; bao nhiêu người còn làm nghề?

Ngành thời trang chỉ phát triển với điều kiện gắn với công xưởng vì chỉ có công xưởng mới sản xuất ra sản phẩm cho công chúng mặc, gắn liền với thực tế. Nếu thời trang gắn liền với show diễn thì nó chỉ dừng ở đam mê và sản xuất nhỏ lẻ. Điều này rất khác ở các nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển. Ngày nay, các thiết kế của một số thương hiệu cũng tiệm cận với việc biểu diễn và bán hàng. Tuy nhiên, về quy trình, công nghệ may mặc, các nước đã đi trước ta nhiều năm. Đã đến lúc cần ngồi lại, quy hoạch từng bước để đẩy mạnh, phát triển. Nếu tiếp tục bỏ lỡ, ta đang lãng phí nhiều sáng tạo, chất xám; về lâu dài sẽ bị bỏ lại phía sau.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Theo phụ nữ TPHCM