Những giấy tờ còn được lưu giữ, là mấu chốt để ông David tìm lại được người thân. NVCC
May mắn thay, nay ông David vẫn còn bốn anh chị ruột cùng nhiều người thân họ nội, họ ngoại sống ở Việt Nam. Khi đó, ông David đã ôm chầm lấy dì của mình vào lòng, mong rằng dì có thể sắp xếp công việc để có thể đưa anh về đoàn tụ cùng người thân một ngày sớm nhất. Đó là ngày hôm nay!
Hơn 10 năm chưa trở lại Việt Nam, sau khi cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1996, ngày đặt chân đến TP.HCM cùng người cháu ruột, bà Catherine thầm nói với lòng mình, cũng là nói với người chị quá cố: "Chị ơi! Em đã đưa con chị về rồi!". Bởi, trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà Đào Thị Nam (mẹ ruột ông David) vẫn không nguôi nhớ về đứa con trai út năm xưa đã cho người Mỹ nhận nuôi, vẫn dặn em gái ở Mỹ phải tìm cho được.
Ngày hạnh phúc nhất trong đời
Dự kiến, ông David và dì sẽ ở Việt Nam trong nửa tháng. Những ngày này, ông không giấu được niềm vui, xúc động, nói rằng đây là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mình.
Ông David đoàn tụ cùng bốn anh chị ruột của mình. CAO AN BIÊN
Ông được người thân dẫn tới một ngôi chùa tại TP.HCM để rồi mắt ngấn lệ khi nhìn thấy di ảnh cha mẹ ruột. "Nhìn gương mặt của cha mẹ ở chùa, nước mắt tôi tự dưng tuôn trào, nhưng tôi không dám khóc trước mặt anh chị mình. Tôi đã gần 50 tuổi rồi, mà giờ về với gia đình ruột của mình, lúc đó tôi cảm giác mình như một đứa trẻ", ông David tâm sự với dì.
Ông được đoàn tụ, tay bắt mặt mừng với ba người anh trai và người chị gái, được gặp gỡ với bà con dòng họ rồi trao cho nhau những cái ôm thâm tình. Cả đại gia đình đã tổ chức nhiều bữa tiệc đón ông David "trở về nhà", sau một chuyến đi kéo dài cả đời người, gần nửa thế kỷ. Họ kể cho nhau nghe về cuộc sống của nhau, gửi cho nhau những lời yêu thương của tình thâm, máu mủ ruột rà.
Bên cạnh đó, người đàn ông Mỹ cũng dành thời gian thăm thú, khám phá TP.HCM để hiểu thêm về quê hương nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Những kỷ niệm đã, đang và sẽ có, là những ký ức tuyệt vời nhất mà có lẽ suốt cả cuộc đời, ông không bao giờ quên.
Với sự dẫn dắt của người dì ruột, ông David được biết tới đại gia đình ở Việt Nam. Ông David gọi dì là mẹ, vô cùng gắn bó với dì. CAO AN BIÊN
Ông Trần Văn Hải (57 tuổi) là anh rể của ông David cho biết những ngày này, đại gia đình của ông ngập hạnh phúc, tiếng cười. Cuộc đoàn tụ này, với gia đình ông chính là phép màu có thật, một kết thúc có hậu, bởi sau tất cả, đại gia đình ông được đoàn viên, trọn vẹn, đủ đầy.
"Cha mẹ vợ tôi ở trên trời chắc chắn cũng yên lòng, vì cuộc đoàn tụ hôm nay. Tôi tin để có được khoảnh khắc này đây, cũng do ông bà, cha mẹ phù hộ", ông Hải xúc động.
Lễ Tạ ơn gắn kết hai gia đình Việt - Mỹ
Có lẽ không chỉ với ông David nhẹ lòng, khi đã giải đáp được câu hỏi về cội nguồn lớn nhất cuộc đời mình, bà Catherine Tran cũng là người trút được gánh nặng đang mang suốt nửa thế kỷ qua.
Năm 1974, khi ông David vừa cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng bà là người ký tên làm chứng vào giấy tờ, để ông được gia đình người Mỹ nhận nuôi. Dẫu biết, đó là lựa chọn của gia đình, để đứa trẻ có được một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng thâm tâm người dì không bao giờ thôi dằn vặt.
Ông David và con gái (giữa). NVCC
“Mới một tháng tuổi, David đã xa vòng tay gia đình. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong sự chia cách của cháu với cha mẹ ruột. Giờ đây, tôi lại đưa cháu trở về với gia đình, có lẽ cũng là sự sắp xếp của số phận.
Năm Covid-19, tôi mắc bệnh, thêm nhiều bệnh nền ngỡ tưởng không qua khỏi, ấy vậy mà tôi vẫn sống, hẳn là cuộc đời cho tôi cơ hội để làm điều này đây. Bây giờ, đêm về tôi đã có giấc ngủ ngon!", bà rưng rưng.
Về phần mình, ông David cho biết dù cô con gái Mea Dao Busch (23 tuổi) rất mong cùng cha trở về Việt Nam trong hành trình lần này, nhưng vì việc học nên không thể. Người đàn ông Mỹ cho biết sau hành trình này, ông sẽ sắp xếp công việc để đưa con gái về thăm gia đình ruột của cha, cũng như sẽ dành một thời gian dài để sống ở Việt Nam.
Tôi và con gái tự hào khi mang trong mình dòng máu của người Việt Nam. Con bé rất yêu Việt Nam, rất thích mặc áo dài Việt. Giờ tôi, cảm thấy trọn vẹn khi có một gia đình ở Mỹ luôn thương yêu, ủng hộ và một gia đình Việt Nam luôn dang vòng tay chào đón tôi trở về...
Ông David Vuong Frey, Người Mỹ gốc Việt
Bà Catherine biết ơn vì tình yêu thương cha mẹ nuôi người Mỹ dành cho ông David. NVCC
Bà Catherine cho biết gia đình bà có chín anh chị em thì bảy người đang định cư ở Mỹ, hai người ở Việt Nam đều đã mất. Dự tính vào Lễ Tạ ơn cuối năm nay, gia đình của bà cùng với ông David sẽ có một bữa tiệc để dành lời cảm ơn tới cha mẹ nuôi ông David, vì đã yêu thương, chăm sóc ông như con ruột đến ngày hôm nay. Tình cảm của hai gia đình Việt - Mỹ, với cầu nối là ông David, vì lẽ đó cũng sẽ thêm khăng khít.
Những ngày ngắn ngủi còn lại ở TP.HCM, ông David cho biết sẽ trân trọng từng phút, từng giây bên người thân, trong cuộc hội ngộ đầy kỳ tích và phép màu…
Theo Thanh niên