Ông Khánh luôn dồn hết tâm tư để những chiếc sáo diều được như ý 

Diều sáo vốn là một trò chơi dân gian gắn liền với hình ảnh cánh đồng làng. Nhưng ngày nay trò chơi ấy đang dần mất đi. Với tình yêu và niềm đam mê, ông Nguyễn Huy Khánh ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) vẫn cần mẫn, kỳ công thổi hồn vào những chiếc diều sáo mong giữ lại nét đẹp thuở xưa.

Tình yêu với sáo diều

Năm 1990, ông Khánh về hưu. Tuổi già ở chốn làng quê thanh nhàn, ông tìm thú vui trong trò chơi dân gian thả diều sáo. Ông lặn lội bao nơi vẫn không mua được sáo diều như ý. Mày mò nghiên cứu một chiếc sáo diều cũ, ông thấy cách làm cũng không khó lắm nên bắt đầu học. Ông xem qua một số mẫu sáo cổ và sáo mới, từ đó rút ra cách làm phù hợp. Những con sáo đầu tiên ông gọt không tròn trịa cả về hình thức lẫn tiếng kêu. Nhưng không nản, ông lân la đi hỏi kinh nghiệm của những người làm sáo có tiếng trong vùng. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, thay đổi dần, ông Khánh đã có những chiếc sáo diều như ý.

Ông Khánh kể: "Ngày ấy, tôi làm diều sáo chủ yếu để thỏa mãn niềm đam mê. Nhưng khi những con diều sáo thả lên vi vu vang vọng giữa bầu trời lại có sức cuốn hút bọn trẻ trong làng. Chúng nằn nì đòi mua lại diều sáo. Vậy là tôi bắt đầu làm diều sáo bán cho mọi người cùng chơi".

Tuy là làm để bán nhưng mỗi con sáo đều được ông Khánh làm rất kỹ lưỡng. Nhìn ông tỉ mẩn đẽo miệng để lắp cho chiếc sáo dài khoảng 20cm trong một bộ sáo có 5 chiếc khách mới đặt, tôi thắc mắc nếu làm xong chắc phải mất nhiều thời gian lắm. Ông Khánh bảo đây là bộ sáo nhỏ nên khi khách cần gấp ông làm khoảng 1 ngày là xong. Đối với những khách thật sự yêu sáo diều, ông sẵn sàng làm cả đêm để thỏa lòng đam mê của họ.

Hàng chục năm gắn bó, ông Khánh đã thuộc nằm lòng kỹ thuật để tạo nên những âm hưởng khác nhau cho tiếng sáo diều. Mỗi chiếc diều tùy vào kích cỡ cần có những bộ sáo phù hợp về độ dài rộng cũng như số lượng sáo. Tiếng sáo trầm hay thanh lại tùy thuộc vào độ mở của miệng sáo. Làm sao để khi thả diều lên tiếng sáo văng vẳng lúc gần lúc xa, lay động lòng người. Ai xa quê thì nhớ về quê, nhớ người thân. Ai có tâm sự lại thấy được sẻ chia, mọi âu lo, phiền muộn như theo tiếng sáo diều tiêu tan hết. Ông Khánh giải thích sơ lược về kỹ thuật tạo tiếng sáo với chúng tôi như vậy.

Hạ đĩa hoa quả trên bàn thờ người vợ mất cách đây hơn 1 năm mời khách, ông Khánh khẽ suy tư, đôi mắt ngân ngấn lệ. Ông bảo, giờ ông càng yêu nghề làm sáo diều hơn, bởi những năm tháng trước đó vợ chồng ông luôn cùng nhau làm diều sáo. Từ khi nghỉ hưu, bà trở thành trợ thủ đắc lực giúp ông. Hằng ngày, bà lựa chọn nguyên liệu làm sáo. Có thời điểm diều sáo đắt hàng, bà còn thức thâu đêm giúp ông khâu diều. Nên bây giờ ông làm sáo diều không đơn giản chỉ là yêu thích mà còn để tưởng nhớ đến tình yêu lớn của đời mình.

Giữ trò chơi dân gian

Trong lúc chúng tôi trò chuyện với ông Khánh, trên bầu trời có một cánh diều cô đơn, văng vẳng tiếng sáo da diết. Đó là con diều của ông Nguyễn Văn Khôi, một người cao tuổi trong thôn. Cùng với ông Khánh, ông Khôi cũng là một trong số ít người của thôn còn đam mê diều sáo. Ông Khôi cho biết, tính cả mấy xã quanh đây thì có lẽ chỉ có mình ông Khánh còn coi làm diều sáo là một cái nghề. Có thời điểm sáo diều của ông theo chân khách đến tận các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tây (cũ)... Hiện nay, rất ít người chơi diều sáo nên người biết làm cũng không còn nhiều. Có thời điểm sáo diều được giá, nhiều thợ mộc trong vùng cũng tập trung làm. Sáo diều họ làm có mẫu mã đẹp nhưng tiếng kêu lại không đạt. Làm sáo diều ngoài tay nghề còn phải hiểu kỹ thuật, biết thẩm âm. Và quan trọng hơn là phải có tình yêu với trò chơi dân gian này.

Với ông Khánh, tình yêu ấy đủ lớn để tiếc nuối cho một trò chơi dân gian đang dần mai một. Bởi đã qua rồi cái thời kỳ diều sáo lên ngôi, người người yêu thích. Bằng ngôn ngữ của người già, ông Khánh giải thích với chúng tôi, đại ý rằng xã hội phát triển thì xu hướng giải trí của mọi người, nhất là giới trẻ cũng đổi thay. Đây là lẽ tất nhiên. Thả diều ngày nay không được khuyến khích vì sợ vướng vào đường dây điện, gây nguy hiểm. Nhưng không gian ở làng quê vẫn còn rất nhiều đất dành cho trò chơi dân gian này. Vì vậy, ông Khánh đã sáng tạo để những con diều sáo mang diện mạo mới, có sức thu hút giới trẻ hơn. Ông thay đổi chất liệu làm diều đơn thuần từ tre, nứa sang làm bằng ống nhựa, chai, lọ, lon bia... Những thứ này kết hợp lại làm sáo diều có màu sắc rất bắt mắt. Đặc biệt, đây đều là những phế liệu bỏ đi, dễ kiếm nên khi tận dụng làm sáo chi phí sẽ không cao; trẻ em có thể dễ dàng mua được. Nhờ cách làm của ông mà đến tầm tháng 5, tháng 6 ở Cẩm Chế có rất nhiều con diều nhỏ với những chiếc sáo độc đáo bay lượn trên bầu trời.

Nâng một bộ sáo ông Khánh đang lắp dở, ông Khôi cười tươi cho biết: "Lũ trẻ có thể không còn mặn mà với trò chơi dân gian này nữa nhưng tôi tin còn những người như ông Khánh thì diều sáo sẽ không mất đi. Bởi lớp già chúng tôi cho đến hôm nay vẫn thấy rõ giá trị của trò chơi này. Nó giúp người dân quê có điều kiện tụ họp cùng thả diều thư giãn. Kéo dây diều nặng cũng là cách giúp vận động, tăng cường thể lực. Dõi theo những cánh diều, lắng tai nghe để phân biệt tiếng sáo giúp mắt và tai linh hoạt hơn rất nhiều".


Theo Quehuongonline.vn