Sue Bylund cùng bố mẹ và hai anh trai nuôi ở Australia.

"Khi máy bay cất cánh khỏi cảnh hỗn loạn

Tôi quay đầu nhìn lại lần cuối

Tôi đang bỏ trốn khỏi đâu?

Tôi không thể hiểu được.

Tôi sẽ đi đến đâu?

Chỉ Chúa mới biết được".

Sue Bylund đã viết như thế trong tuyển tập thơ văn của mình về khoảnh khắc cô cùng 17 đứa trẻ khác lên máy bay rời khỏi Sài Gòn cách đây 44 năm. 

Khi đó Sue mới chào đời được 36 ngày, tức 5 tuần tuổi, quá bé để biết rằng cuộc đời cô đã rẽ ngoặt sang một lối khác. Tuy nhiên, những nỗi tủi hờn của một đứa trẻ mơ hồ về gốc gác của mình cứ thế lớn dần theo năm tháng và đủ để thôi thúc cô quay lại Việt Nam đi tìm sự thật mấy chục năm sau đó.

Chuyến bay định mệnh

Sue chào đời ở bệnh viện phụ sản Sài Gòn vào ngày 18/4/1974, dưới cái tên Lưu Thị Vân và được cô nhi viện cưu mang từ lúc mới sinh. Chỉ một tháng sau đó, tên của đứa bé còn đỏ hỏn xuất hiện trong tờ giấy cam kết bàn giao quyền nuôi con cho đôi vợ chồng Richard và Marlene. 

"Ngày 24/5/1974, tôi được đưa sang Australia và bắt đầu một cuộc sống khác dưới cái tên mới Sue Bylund", cô kể với VnExpress

Cô bé châu Á có nước da ngăm và mái tóc đen lớn lên trong tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ nuôi và hai người anh trai da trắng, tóc vàng. Họ không những không che giấu chuyện Sue là con nuôi mà thậm chí còn trao đổi rất cởi mở về vấn đề này.

"Là một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ hiểu hết bi kịch và nỗi đau mà mình phải hứng chịu sau đó khi biết mình đã mất gia đình và nhân thân trong chiến tranh", Sue nói. "Khi cha nuôi tôi qua đời năm tôi 9 tuổi, tôi mới bắt đầu biết được mất người thân là như thế nào".

Khu ngoại ô thành phố Perth nơi Sue sống tập trung rất nhiều người nhập cư đa sắc tộc. Mẹ cô, một giáo viên tiếng Anh, thường xuyên mời họ đến nhà tiếp đãi và trợ giúp những gia đình nhận con nuôi khác. Sống giữa môi trường đa văn hóa, Sue dần nhận thức rõ về sự khác biệt gốc gác của cô và biết rằng có rất nhiều câu hỏi đằng sau hành trình đến Australia của mình cần được giải mã.  

"Tôi biết rằng mình sẽ không thể mở rộng trái tim với bất kỳ người lạ hay thân quen mỗi khi họ hỏi tôi người gốc nước nào và đến Australia như thế nào", Sue nói. "Thực sự tôi rất sợ mối liên kết và nguồn gốc Việt Nam của mình. Tôi lo sợ về những điều mình chưa biết rõ".

Sue Blylund năm khoảng 3 tuổi tại Australia


Bước ngoặt giúp Sue thoát khỏi những nỗi sợ và bắt đầu cuộc tìm kiếm gốc rễ của mình chính là sự ra đời của cô con gái năm 1999. Trong khi làm giấy khai sinh cho cô bé, Sue kinh ngạc phát hiện ra nhiều tài liệu chứa thông tin liên quan đến mình được chính quyền địa phương lưu trữ bấy lâu.

Đó là giấy ủy thác của cô nhi viện, tờ cam kết của luật sư Việt Nam, giấy xác nhận quyền nuôi con của tòa án bang Tây Australia. Trong đó, cô tìm thấy mình là con của một phụ nữ tên Lưu Thị Hạnh với một người đàn ông vô danh, và vì lý do nào đó, người mẹ đã bỏ rơi con gái tại cô nhi viện Sancta Maria ở Sài Gòn. 

Những manh mối này làm dấy lên tia hy vọng trong Sue và dẫn cô đến chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau 27 năm.

Hành trình tìm mẹ ở Việt Nam

Trước chuyến đi, Sue có cơ hội trò chuyện với Graham Edwards, một cựu chiến binh Australia từng có thời gian chiến đấu ở Việt Nam và đã mất cả hai chân trong chiến tranh. Ông vừa lần đầu quay lại Việt Nam ngay trước cuộc gặp với Sue. Edwards đã kể cho Sue nghe về những gì diễn ra năm 1974 và chia sẻ về những tác động của cuộc chiến năm xưa đối với cuộc đời của hai người. 

Được Edwards tiếp thêm sức mạnh, Sue mang theo một số đầu mối liên lạc từ ông và các giấy tờ nhân thân trở lại Việt Nam vào năm 2011, tìm đến địa chỉ đầu tiên là bệnh viện phụ sản ở Cống Quỳnh, Q1, TP HCM. Không biết tiếng Việt, không kỳ vọng mình sẽ đạt được kết quả nhưng một phép màu nhỏ đã đến với Sue. Cô gặp lại người y tá già từng chăm sóc mình năm 1974.

"Bà ấy khóc và kể rằng từng chăm sóc hàng trăm đứa trẻ trước khi chúng được đưa ra nước ngoài. Bà luôn nghĩ về số phận của chúng và tôi là một trong những người đầu tiên quay lại tìm bà ấy", Sue kể. "Mỉm cười, mắt ngấn nước, bà ấy bày tỏ niềm vui khi thấy tôi khỏe mạnh và ôm hôn khi chúng tôi chia tay".

Sue Bylund hiện nay. 

Được nữ y tá hướng dẫn, Sue tiếp tục đến ủy ban nhân dân quận 1 và tại đây, cô kinh ngạc khi được một nam cán bộ cho xem tập hồ sơ trong đó có giấy khai sinh mang tên Lưu Thị Vân. Một dòng chữ màu xanh ở góc dưới cùng bên phải cho hay bà Lưu Thị Hạnh, mẹ của cô, lưu trú tại "Hương Lộ 14, Phú Thọ".

Manh mối tưởng như giá trị này hóa ra lại là ngõ cụt. Sau nhiều nỗ lực nhờ người tìm kiếm, xác minh, Sue được biết rằng địa chỉ trên nay là đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. Tuy nhiên, khi tìm đến đây, cô không thu thập được gì. Những năm sau đó, Sue tiếp tục quay lại Việt Nam nhưng không có kết quả gì.

"Tôi biết rằng trong chiến tranh, khu vực đó là nơi những người Việt bị mất nhà cửa tập trung, vì thế địa chỉ này chỉ mang tính chung chung và tạm thời. Mọi thứ đã thay đổi sau năm 1974", cô nói. 

Kể từ ngày đó, hành trình tìm mẹ của Sue vẫn dở dang nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, không có lời đáp: Mẹ cô có đúng là Lưu Thị Hạnh và bà đang ở đâu? Còn sống hay đã mất? Cha cô là ai? Vì sao cô lại bỏ rơi? Hay thậm chí tên của cô có nghĩa là gì? 

"Không tên tuổi hay nơi chốn, tháng ngày

mà từ đó tôi thành hình hài như hôm nay

Một nụ hôn dịu dàng lên đôi má

Tôi tự hỏi liệu mẹ từng một lần thế chăng?"

Duyên nợ với Việt Nam

Thuở bé, trong nỗi giận dữ khi nghĩ về quá khứ, Sue từng ước ao mình có thể che giấu ngoại hình và giọng nói Việt Nam trước mặt đám đông. Theo thời gian, tình yêu của bố mẹ và hai anh nuôi đã giúp cô tìm được sức mạnh để được là chính mình. 

Dù chưa tìm được mẹ, sau lần trở lại Việt Nam cách đây 17 năm, Sue đã kết nối được một mạng lưới con nuôi gốc Việt trên khắp thế giới. Cô phát triển mối quan hệ với họ, chia sẻ các thông tin, giúp họ tìm cách tái kết nối với Việt Nam và tìm kiếm gia đình. Cô hiểu được khó khăn mà những người con nuôi phải đối mặt trên cuộc hành trình tìm về cội nguồn lẫn những rào cản khiến nhiều người mẹ không thể tìm lại những đứa con đã thất lạc hàng chục năm.

"Không phải con nuôi nào cũng đủ tự tin và sẵn sàng đi tìm gia đình. Họ từng được đưa đi khắp thế giới, tới các nước ở châu Âu, cách xa Việt Nam và những ảnh hưởng văn hóa của châu Á", Sue nói. "Họ vừa phải thừa nhận dòng máu Việt Nam bên trong mình, vừa phải đấu tranh để hiểu ý nghĩa của điều đó".

Cùng với hai cộng sự khác cũng là con nuôi gốc Việt, Sue đang hỗ trợ 20 người tìm lại gia đình ở Việt Nam. Nhóm dự kiến tổ chức sự kiện gặp mặt những người mẹ và các con nuôi vào tháng 4/2020 tại TP HCM để giúp họ có thêm cơ hội đoàn tụ. Người tham dự có thể cung cấp thông tin cá nhân và ADN để tìm kiếm người thân, hoặc đơn giản chỉ là gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ để chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm và cảm xúc.

Sue cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người con nuôi khác khi lớn lên trong môi trường đa văn hóa, biết Tết là gì, được nếm đồ ăn Việt Nam và nhìn thấy những gương mặt châu Á hàng ngày. 

Cô hiện là một nhà thiết kế nội thất, có công ty riêng và đang làm việc cho ủy ban xây dựng trường học bang Victoria. Dù không sống ở Việt Nam nhưng duyên nợ của cô với nơi này đang được gìn giữ và tiếp nối theo một cách khác.

Con gái đầu của Sue đang tranh thủ dành một năm để sang Việt Nam dạy tiếng Anh tại trại trẻ mồ côi ở Vũng Tàu, trước khi quay lại Australia học đại học. Cô bé là "máu mủ, ruột thịt" đầu tiên trong đời của Sue. 

"Con gái giờ đã sống ở Việt Nam lâu hơn cả tôi, điều đó thật đặc biệt. Nó nhắc nhở chúng tôi rằng mối liên kết với Việt Nam của mình vẫn mạnh mẽ qua các thế hệ và xuyên suốt cả cuộc đời chúng tôi", Sue nói. "Tôi tin rằng đến một ngày, mình sẽ có câu trả lời cho những câu hỏi của mình và tôi sẽ gặp được những người tôi yêu thương nhưng chưa biết mặt".

Theo VNExpress