Trang trí tết tại Grand Century (San Jose, Mỹ)
Nhớ tếtChị Amy Phạm, một Việt kiều Mỹ kể rằng từ ngày sống trên xứ cờ hoa, chị không mấy chú tâm đến tết nữa. Những năm đầu mới xa quê hương thì nhớ day dứt mùi pháo, mùi hoa, mùi nhang khói... và nhất là "mùi tết"! Cả nước rộn ràng chuẩn bị, nhà nhà sắm sửa lau chùi, rồi những nồi bánh chưng, bánh tét to đùng bập bùng ánh lửa reo vui trong các hẻm nhỏ. Có cái gì đó linh thiêng ấm cúng trong giây phút giao thừa... Nơi xứ lạ quê người này, bố mẹ chị vẫn duy trì phong tục đón tết như xưa. Chỉ có mình là xa dần với nó bởi tết bên này đâu được nghỉ làm hay nghỉ học... Miệt mài với cuộc sống mới, chị không còn tha thiết đến tết! Hơn nữa chẳng còn "mùi tết" trong không gian...
“Tuy vậy, mỗi năm mình đều lên chúc tết bố mẹ! Năm nay khi cả bố mẹ đều theo ông bà, không còn ai lo việc cúng kiếng thì mình lại nhớ và muốn thực hiện những việc ấy. Người ta nói người già thì hay hoài niệm, đúng thật! Mình chưa hẳn là già nhưng đã bắt đầu hoài niệm nhiều điều... Thế là mình cũng bày một mâm ngũ quả (dù rằng không chính xác là cầu dừa đủ xoài), rồi thắp mấy nén nhang cúng tết. Bây giờ thì mình hiểu hơn tại sao mẹ hay bày cỗ mời tiền nhân, bởi đó là niềm thương nỗi nhớ, là mối dây với người đã khuất...”.
Bán hoa mai bên ngoài Grand Century (San Jose, Mỹ)
Anh Phan Độ, ở Fremont, California (Mỹ) thì hoài niệm: “Chủ nhật ra Grand Century (San Jose downtown) thấy trưng bày hàng hóa tết truyền thống thấy cảm giác nôn nao. Hai đứa con vẫn còn háo hức khi nhớ về những ngày tết ở Việt Nam. Tôi còn nhớ huống chi con, nhớ không khí tết cổ truyền ở Việt Nam. Chắc là thiếu những cái đã tạo hồn cho lễ hội đón tết cổ truyền của dân tộc như: không khí nhộn nhịp, khẩn trương, náo nhiệt của các chợ, trung tâm mua sắm. Ở Mỹ không làm sao có được không khí chuẩn bị rộn ràng từ cả tuần trước tết như ở Việt Nam. Thiếu tiếng hàng xóm gọi nhau í ới chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét, tụ tập gói bánh, thức canh nấu bánh qua đêm. Chính vì vậy mà người Việt hải ngoại về ăn tết ở Việt Nam rất thích không khí này... Nhiệt độ ngoài trời là -4 độ C. Cái lạnh run người như lạnh cả tâm hồn của người con xa xứ nhớ quê hương. Nhớ cái tết sum vầy, đầm ấm ở quê nhà, tết yêu thương, tết ở quê hương”.
Đây cũng là cái tết khá đặc biệt với anh Nguyễn Trí Dũng, một người đón tết năm đầu tiên xa xứ ở TP.San Jose (Mỹ). Con anh chị mắc bệnh teo cơ tủy sống (SMA1) nên anh chị đưa qua Mỹ chữa trị. Đợt này, con anh sẽ là bệnh nhi thứ 2 trên toàn thế giới được thử nghiệm thuốc chữa bệnh SMA1 bởi nhóm nghiên cứu Trường ĐH Stanford. Anh nói: “Xuân năm nay tuy xa quê, đứng ngắm tết giữa San Jose nhưng bỗng dưng lòng người cảm thấy ấm áp lạ”…
Có gia đình là có tết
Chị Diễm Mai, Việt kiều Mỹ, cho biết tết xa xứ năm nào may rơi vào dịp cuối tuần thì còn có chút thời gian gặp gỡ họ hàng, không thì vẫn đi làm vì công việc vào tầm tháng giêng hay tháng 2 khá bận không tiện nghỉ phép. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn cố gắng chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, thắp nén nhang trên bàn thờ ông bà vào sáng mùng một tết trước khi đưa bọn trẻ đi học. Những ngày cận tết là lúc tôi không thể nghĩ gì khác ngoài việc muốn được về Việt Nam, về Sài Gòn, thay vì nghĩ về những điều tốt đẹp cho một năm mới
Từ ngày ba mẹ chị đồng ý sang ở cùng, tuần lễ trước tết trở nên rộn ràng hơn. Cả nhà cùng dọn dẹp, đi chợ tết mua sắm. Mâm cơm tất niên ngoài tôm khô, củ kiệu, bánh tét giờ có thêm thịt kho dưa giá của mẹ làm. Tôi cũng đã tìm được cho mình một chậu hoa mai để lặt lá, rồi treo lên đó những chiếc lồng đèn be bé cùng với tràng pháo đỏ. Tuy vậy, cái cảm giác nhớ nhà, muốn về Sài Gòn dịp tết vẫn chưa bao giờ vơi.
“Có lần tôi than với mẹ từ ngày xa quê tới giờ, tết luôn là lúc tôi cảm thấy chông chênh nhất dù vẫn chuẩn bị như ngày còn ở nhà. Mẹ bảo "chẳng phải một năm con có đủ 365 ngày tết hay sao. Con có một mái nhà với gia đình bên cạnh là con đã may mắn hơn bao nhiêu người ngoài kia rồi." Ngẫm lại, mẹ tôi nói đúng. Ở đâu có gia đình, ở đó có tết thôi”, chị nói.
Chị Hồng Nguyễn, ở TP. St.Louis (tiểu bang Missouri), thì cho biết tiết trời đã vào xuân mang đến cảm giác ấm áp, con đường như rộng thêm ra những vạt nắng dịu dàng lan tỏa. Nơi chị ở thời tiết không ưu đãi cho cây mai trú ngụ vì mùa đông tuyết nhiều, mùa xuân tuy có nắng ấm nhưng cũng lạnh thấu xương. Quá nửa đời người mang đậm dấu ấn của tết Việt Nam, lòng không khỏi bùi ngùi nhung nhớ. Mấy năm đầu vợ chồng con gái chị cũng mua sắm bánh tét, bánh chưng, cũng làm dưa hành củ kiệu, nhưng sao vẫn thấy thiếu thiếu. Chồng chị bèn nghĩ ra cách làm cây mai, cây đào giả để chưng vào dịp tết. Bạn bè đến chơi ai cũng trầm trồ khen ngợi nhà có không khí tết hẳn lên.
Theo Thanh niên