Làng chiếu Bàn Thạch nằm trên một doi đất dài thuộc thôn Đông Bình, xã Duy Vinh,
huyện Duy Xuyên, Quảng Nam



Đó là những trưa hè nằm trên chiếc chiếu cói cùng mẹ mà nhớ sự thoáng mát cùng mùi thơm của cói đã nhanh chóng đưa tôi vào giấc ngủ; lại nhớ tiếp đến những ngày theo chân mẹ ra bờ sông xếp hàng giặt chiếu, nhà nào cũng cuộn chiếu thành khúc trong chiếc thau nhôm, có chiếu in hình chim phượng, có chiếu in hình cuốn sách, rất nhiều màu sắc… Ngày các chị gái trong làng lên xe hoa về nhà chồng, tôi thấy họ được dúi vào tay một chiếc chiếu mới. Mẹ tôi cũng bồi hồi nhớ lại ngày lấy bố: ‘’Nhà ông bà nghèo lắm, gả mẹ đi có cái chiếu, cái chăn là tốt rồi’’.

Trong cuốn Tổ nghề thủ công truyền thống Việt Nam của tiến sĩ Ðỗ Thị Hảo có viết: “Phạm Ðôn Lễ, tổ nghề dệt chiếu, ông là người Hải Trào (Triều), tên nôm là làng Hới, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ðỗ trạng nguyên niên hiệu Hồng Ðức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông”. Ông đã giúp người dân Hải Triều mở mang nghề trồng cói, cải tiến cách dệt chiếu bằng khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay luồn cói, chao cói nhanh hơn, sợi đan đều hơn, năng suất cao, chiếu lại đẹp.

Trải qua hàng trăm năm gắn bó với đời sống người Việt Nam, chiếu cói đã trở thành một phần của xã hội, một bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Sinh ra nằm trên chiếc chiếu cói, mùi chiếu thơm trong chiếc nôi tre cùng câu hát ‘’À ơi’’ của người mẹ đã đi vào tiềm thức của bao đứa trẻ, để khi lớn lên, dù đi xa đến đâu cũng nhớ mãi tình cảm đó. Biết bao chàng trai, cô gái cũng mượn chiếc chiếu cói gần gũi mà gửi lời yêu thương:

“Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm
Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”.
Rồi cũng chiếc chiếu trở thành nhịp cầu “đưa nàng về dinh”:
“Chiếu hoa giàn mặt giải đàng
Giải hết các ngõ, nhà nàng đến nhà anh”.

Và đến khi về với tổ tiên thì cũng nằm trên chiếc chiếu chút hơi thở cuối cùng, để người ở lại đốt chiếc chiếu cói đem theo.

Trên dải chữ S của nước Việt Nam, nơi nào có những đồng cói xanh mướt thì nơi đó có làng nghề dệt chiếu phát triển. Như làng nghề dệt chiếu lác Phú Tân–Phú Yên, làng dệt chiếu Cà Hom–Bến Bạ, chiếu Chương Hòa–Hoài Nhơn (Bình Định), chiếu Tà Niên (Kiên Giang), chiếu Định Yên (Đồng Tháp) hay như làng chiếu Hới (Thái Bình) thịnh hành nhất ở thời Hậu Lê (thế kỷ XV).

Nhưng rồi… hầu hết đang đứng trước nguy cơ mai một và lụi tàn như làng chiếu Cẩm Nê (Đà Nẵng), làng chiếu Tân Thành (Cà Mau), làng chiếu Bình An, Bến Hải (Sài Gòn), thậm chí cả chiếu Bồng Hải (Ninh Bình) một thời vang bóng trên thị trường, được mệnh danh là ‘’đệ nhất chiếu thư’’ cũng phải ngậm ngùi “than ôi thời oanh liệt nay còn đâu”. Điều này có nguyên nhân từ tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ khiến diện tích trồng cói bị thu hẹp, chi phí mua và vận chuyển nguyên liệu cao trong khi thu nhập thấp nên người dân không còn mặn mà với nghề dệt chiếu nữa. Các sản phẩm chiếu làm ra cũng chủ yếu phục vụ dịp lễ hội hoặc cho các khách hàng đặt trước.

Cuộc sống hiện đại khiến người dân ưa chuộng dùng chăn ga gối đệm, chiếu nhựa hơn nhưng sẽ chẳng có gì thay thế được thứ nguyên liệu tự nhiên, an toàn của cói. Tôi luôn nghĩ việc phát triển phải đi đôi với gìn giữ, khi đó là sản phẩm đã có hàng trăm năm tuổi như chiếc chiếu cói.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn