Hiện nay, ghe ka hâu không còn được dùng trong các dịp đua ghe ngo của đồng bào Khmer như trước, nhưng với ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn những vật dụng sinh hoạt, có giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào, một số ghe ka hâu cổ thiết kế, trang trí kỳ công, vẫn đang được các chùa Khmer ở Sóc Trăng đưa vào bảo quản, trưng bầy.
Tại chùa Bô Tum Reng Sây Tum Nup, tọa lạc tại ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành, ghe ka hâu đi theo "hầu" một chiếc ghe ngo cổ còn “giữ nguyên được lý lịch” từ khi được tạo thành.
Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Bô Tum Reng Sây Tum Nup cho biết: Đối với đồng bào Khmer, ghe ngo không chỉ là vật dụng sinh hoạt văn hoá được chế tạo, bảo quản ở trong chùa của từng phum, sóc... nó được xem như là một linh vật, đại diện cho phum sóc, biểu tượng của sự ấm no, sung túc...do vậy, ghe ka hâu cũng không kém phần quan trọng, bởi xưa kia nó cũng luôn song hành cùng ghe ngo mỗi khi vào mùa lễ hội đua ghe Ngo.
Ghe ka hâu được làm bằng một thân cây gỗ lớn, theo hình thức “độc mộc”, đuôi ghe ngo và mũi cong vút, được ráp lại và trang trí với những hình thức hoa văn chạm khắc kỳ công hoặc sơn vẽ với hoa văn chủ đạo là hình “hoa lửa, khói sóng…”.
Theo Đại đức Lý Phét, trụ trì chùa Serey Kandal, thị xã Vĩnh Châu và các vị sư ở chùa, chiếc ka hâu dù là nhiệm vụ đi phục vụ cho đoàn đua, nhưng qui định về người được ngồi trên đó rất khắc khe. Thường chở các vị chức sắc Khmer, và tuyệt nhiên không có phụ nữ ngồi trên ghe ka hâu.
Trước kia, mỗi chùa Khmer điều có một đội ghe đua và ghe ka hâu đi kèm, giữ vai trò như ghe chỉ huy, chở ban quản trị chùa và chức sắc của chùa, và làm nhiệm vụ hậu cần để tiếp tế cho đội ghe đua nên cũng được xem là chiếc ghe truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer.
Nói về những chiếc ka hâu, Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Bô Tum Reng Sây Tum Nup kể, đại đức là sư trụ trì đời thứ 10 của chùa Tum Nup, hiện trong văn thư chùa còn giữ được biên bản bàn giao 2 chiếc ghe này từ vị trụ trì thứ 2 sang vị thứ 3 vào năm 1802. Biên bản ghi rõ, 2 chiếc ghe gỗ naỳ được đặt mua từ tỉnh Champasac ở nước Lào và vận chuyển về chùa bằng đường sông Me Kong. Nhẩm tính qua, có thể thấy, 2 chiếc ghe này đã có mặt ở Chùa trên 300 năm.
Tuy nhiên, loại ghe ka hầu này không còn được sử dụng như trước, nên dần dần vắng bóng trong các cuộc đua ghe Ngo với nhiều lý do khác nhau. Theo tìm hiểu tại các chùa Khmer trên địa bàn Sóc Trăng, loại ghe ka hâu còn không được 10 chiếc, không phải đội đua ghe nào cũng có ghe ka hâu. Bởi có chùa vì thiếu kinh phí cho đội đua nên không có điều kiện để quan tâm đến đầu tư ghe ka hâu. Có chùa thì các sư quá trẻ chưa từng biết đến tầm quan trọng, nét độc đáo của loại ghe này.
Cách đây, 6 năm (2016) nhân dịp lễ hội Oóc om bok - đua ghe ngo của đồng bào Khmer, tỉnh từng tổ chức cuộc thi phục dựng lại ghe ka hâu, với mục đích cùng nhau nhìn lại và giữ gìn cho một loại ghe truyền thống, từng gắn liền với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer, nhưng sau khi thi, thì cũng không có chùa nào có thêm ghe, vì là cuộc thi chủ yếu là phục dựng lại mô hình.”, Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Tum Nup cho biết.
Theo baodantoc.vn