"Mình không học thì con cháu ngày sau còn đứa nào theo ?"
Trong ký ức của cụ bà Nguyễn Thị Nhum (80 tuổi, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc), từ xưa, những tấm thổ cẩm là thứ vải mà mỗi cô gái Cơ Tu đến tuổi trưởng thành đều ao ước được khoác lên mình. Thế nhưng không phải ai cũng một lần được sở hữu, bởi vải thổ cẩm được dệt bằng tay rất đắt đỏ. Hồi đó, ở Cơ Tu vùng thấp như Hòa Bắc, thi thoảng cụ mới thấy những người giàu có mang ra dùng. Thế rồi, đến những năm 80 thế kỷ trước, cụ Nhum đã không còn thấy ai dệt thổ cẩm nữa. "Cỡ đâu khoảng 40 - 50 năm trước, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình đã không còn thợ nào theo nữa", cụ Nhum buồn giọng: "Đến mẹ đây cũng không học được cái nghề của tổ tiên để lại…".
Bởi vậy, vào năm 2018, khi chính quyền địa phương tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, cụ Nhum đã bảo con gái là Đinh Thị Tin (48 tuổi) cố gắng theo học. Lời động viên của cụ bà cũng gửi cả những ước mong mà thuở trẻ cụ không có cơ hội thực hiện. 20 chị em tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí được tập hợp vào Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ Tu xã Hòa Bắc. Hai nghệ nhân dệt thổ cẩm xuất sắc ở H.Đông Giang (Quảng Nam) đã trực tiếp đứng lớp truyền đạt những kỹ năng cơ bản đến nâng cao.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai (46 tuổi, trú thôn Tà Lang) từng mê mẩn với những đường vải, hoa văn… trên tấm thổ cẩm của những chị em ở Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) nên vẫn luôn tự hỏi tại sao phụ nữ Cơ Tu ở Hòa Bắc lại không dệt được. Tìm hiểu và biết nghề dệt thổ cẩm đã thất truyền từ lâu, bà Mai liền rủ chị em khác trong thôn đi học nghề.
Những ngày đầu lên lớp của chị em thật sự là những ngày khó khăn… "Chúng tôi vốn quen tay rựa, tay cuốc, sáng lên rẫy tối về nhà. Giờ trước khung cửi, bàn tay cứ run lên. Có những lúc tôi muốn buông khung dệt, để lên rừng… Nhưng nghề truyền thống của đồng bào mình đã thất truyền, đến đời mình không học thì con cháu ngày sau còn đứa nào theo?", bà Tin chia sẻ.
Bước qua những ngày đầu khó khăn, bà Tin cũng như những chị em khác quen dần với tiếng lách cách của khung dệt. Tay chân của các chị, các mẹ từ lóng ngóng đã dần nhanh nhẹn với những động tác se, giăng sợi lên khung, luồn sợi, đính cườm… Khi đã thành thạo rồi tự tay phối chỉ, dệt nên những hoa văn mà trước đó từng mê mẩn, bà Tin đam mê khi nào chẳng hay.
Cần đầu ra cho sản phẩm
Hơn 1 năm học nghề, thêm 1 năm học nâng cao, bà Tin đã tự mày mò, trau dồi cho mình nhiều kỹ năng để dệt nên tấm thổ cẩm ưng cái bụng. Những tấm vải lệch hàng, lệch lối dần được thay bởi những tấm vải bắt mắt, đường dệt tinh xảo. Những hạt cườm được luồn vào sợi cũng cân đối hơn. Giờ đây, sau 4 năm học và theo đuổi đam mê, bà Tin có thể dệt nên nhiều loại vải khác nhau, như vải áo dài, vải áo vest, vải may ba lô, túi xách, khăn choàng… Thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng và theo họ về nước trên những chuyến bay.
Dù vậy, số chị em có được tay nghề cao như bà Tin không nhiều. Bởi nhờ đam mê, bà mới trụ lại, còn để sống với nghề thì thật không dễ dàng vì thu nhập quá thấp. "Mỗi ngày dệt nhanh nhất là một đoạn dài cỡ 40 cm. Làm chuyên cần và không bị lỗi thì mỗi tháng được 2 tấm vải áo dài, bán ra nhiều lắm chưa đầy 2 triệu đồng", bà Tin cho biết.
Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, cho biết từ năm 2018, xã đã định hướng bà con Cơ Tu khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Người thợ đã biết dệt vải, tự may trang phục, đồ trang trí… "Tuy nhiên, dệt thổ cẩm chỉ dừng lại ở việc khôi phục nét văn hóa và làm ra các sản phẩm du lịch. Việc phát triển nghề để phát triển kinh tế, tăng thu nhập thì chưa thể, bởi đầu ra sản phẩm chưa có, giá vật tư để dệt vải khá cao…", bà Hà nhìn nhận.
Tại Đề án hỗ trợ và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu TP.Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030, UBND TP.Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Tín hiệu đáng mừng là Đà Nẵng sẽ hỗ trợ trang phục truyền thống cho 100% học sinh, giáo viên người Cơ Tu (2 bộ/năm). Trong những năm tới, bên cạnh sản phẩm cho du lịch, với hàng ngàn bộ áo cần may mới, những người thợ dệt thổ cẩm sẽ có việc làm đều tay, góp phần hồi sinh nghề truyền thống này…
Cấp thiết bảo tồn trang phục Cơ Tu
Theo UBND TP.Đà Nẵng, mặc dù đã phục hồi nghề dệt thổ cẩm nhưng sản phẩm chưa đủ cung cấp cho cộng đồng. Đồng bào Cơ Tu tại TP phải đặt mua thổ cẩm tại các huyện miền núi Quảng Nam và H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Thổ cẩm người Cơ Tu Đà Nẵng vẫn giữ đúng hoa văn truyền thống nhưng chất liệu là sợi công nghiệp. UBND TP.Đà Nẵng đánh giá nếu không kịp thời bảo tồn, trong thời gian không xa các trang phục truyền thống sẽ mất đi, bản sắc văn hóa truyền thống không thể phục hồi.
|
Theo Thanh niên