Minh họa

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hầu như nhà nào ở làng tôi đều có ấm nước vối. Nước vối uống hàng ngày đã đành, khách đến chơi nhà, kể cả khách sang đi nữa cũng đều uống nước vối. Bởi vậy, nước vối ngấm vào máu thịt mỗi người dân quê tôi, trở thành “thương hiệu, đặc sản” của làng tôi.
 
Dạo đó, làng tôi nhiều cây vối lắm. Vối mọc tự nhiên ở bờ ao. Đặc biệt, có hẳn một khu bềnh lầy toàn vối là vối. Cái tên gọi Bềnh Vối cũng từ loài cây này mà ra. Bềnh Vối khá rộng, nằm trước cửa nhà cụ Canh. Lũ trẻ trâu chúng tôi thường chơi trận giả, leo trèo, lội bì bọp trong khu Bềnh Vối này. Vào mùa cây vối ra hoa thì thôi rồi. Chỉ ngắm nhìn những chùm hoa vối trắng đung đưa trong gió và hít hà cái hương thơm kỳ lạ, chúng tôi cũng đủ bị níu chân, quên cả đàn trâu và quên cả lối về nhà.

Chơi đùa chán, mồ hôi mồ kê đứa nào đứa nấy nhễ nhại, chúng tôi chạy lên nhà cụ Canh xin bát nước vối. Chao ôi! Bưng bát nước vối đặc sóng sánh màu nâu vàng, kề lên miệng rồi uống ừng ực cho đã cơn khát thì không còn gì thú vị bằng. Từng chân tơ kẽ tóc, từng đường gân thớ thịt như đều dãn ra để cho thứ nước vàng ươm đó lan chảy tới râm ran râm ran. Có đứa uống liền một lúc hai ba bát nước vối đến nỗi bụng phễnh ra mà khi quệt mép vẫn cứ còn thòm thèm chưa đã.
 
Lớn lên một chút, hình ảnh về bát nước vối càng in đậm trong tôi. Bố mẹ tôi khi làm ngoài đồng về, sau khi cất cày bừa, quang gánh là y như rằng đến ngồi trên chiếc chõng tre, phe phẩy cái quạt và bưng bát nước vối uống. Uống cho đã cơn khát. Có bữa, bố tôi uống xong còn khà một cái ra vẻ khoan khoái lắm. Cứ như là uống rượu vậy. Nước vối được ủ trong ấm giỏ, khi uống còn hơi âm ấm nên uống rất “vào”. Cũng có thể để nước trong ra cái ấm siêu to, nước nguội, uống lúc nào cũng được. Trước khi đi làm đồng, mẹ tôi thường chuẩn bị hai loại nước đó để sẵn ở nhà để ai thích uống nước vối nóng thì lấy nước trong ấm giỏ, còn ai thích uống mát thì chắt từ siêu, từ xoong ra. Uống nước vối phải uống bằng bát sứ mới sướng. Ngày đó làm gì có bát sứ đẹp như bây giờ. Toàn bát sứ dày, xù xì, màu đục sữa ố vàng, ấy vậy mà bát nước vối vẫn cứ ngon, cứ mát đến lạ kỳ...

Phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích gieo trồng khiến cho Bềnh Vối làng tôi tan hoang. Cây vối không còn nữa, thay vào đó là lúa, là ngô. Cây vối lui về mấy bờ ao, lặng lẽ khiêm nhường đứng im lìm soi bóng nước. Nó chỉ vui khi mùa ra hoa, chim chóc kéo về ríu rít đậu. Và ngày Tết Đoan ngọ, một số người dân làng tôi lại đến bẻ cành, vặt nụ vối về phơi để làm đồ uống sau này. Thôi thì chẳng kể vối nếp hay vối tẻ, cứ bẻ lấy ít cành, vặt lấy ít nụ về phơi khô, cất dùng dần là được rồi. Bềnh hết cây vối rồi lấy đâu mà chọn tẻ với nếp cơ chứ?
 
Ngày nay, có quá nhiều đồ uống khác nhau. Hầu như người ta quên mất nước vối. Cả tôi cũng thế. Chỉ đến khi vào nhà hàng có tên gọi Đồng Quê, nơi đó toàn đồ ăn đồng quê theo đúng tên gọi của quán, trong đó có bát nước vối thì bao nhiêu kỷ niệm về bát nước vối mới lại ùa về trong tôi. Trời ơi! Nước vối đã trở thành đặc sản thật rồi! Bao nhiêu công dụng của thứ nước đồng quê này được khai thác. Trị bệnh tiểu đường, mỡ máu; giải nhiệt, chữa bỏng, chữa viêm gan, viêm da… Và quả thật, nước vối thơm ngon, mát bổ hơn bất cứ loại nước uống giải khát mà tôi đã từng uống.

                                                                     Theo Quehuongonline.vn