Làng Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng với dòng tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 30 km. Trước kia tranh Đông Hồ được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Trong ảnh là con đường đất với hai bên ruộng đồng bát ngát là hình ảnh đại diện cho rất nhiều làng quê Bắc Bộ thời những năm 1990.

Hình ảnh nông dân đang tát nước gàu dai. Thời xưa, gàu dai là công cụ thủ công nhưng hiệu quả bậc nhất trong việc tát nước.

Nhà cửa ở làng Đông Hồ năm 1992 vẫn còn rất đơn sơ.

Năm 1992, nhiếp ảnh gia người Đức Hans-Peter Grumpe đến thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và tận mắt chứng kiến quá trình làm tranh Đông Hồ thủ công.

 “Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ, trước hết là một bản nét, rồi tranh có bao nhiêu sắc thì thêm bấy nhiêu bản màu. Nền tranh là giấy dó làm bằng vỏ cây dó, phết lên một lớp điệp một màu óng bạc từ bột tán của vỏ sò. Loại giấy này được sản xuất theo lối thủ công đưa từ làng Đông Cảo (Bắc Ninh) hay làng Bưởi ở Hà Nội về, sau đó mới cắt thành nhiều kích cỡ khác nhau", nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết.



Để hoàn thành một sản phẩm 3.jpg
Để hoàn thành một sản phẩm, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng công đoạn: Sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, lúc in tranh phải in lần lượt từng lớp màu.

Màu tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen lấy từ việc đốt lá tre để lấy than; màu xanh được làm từ vỏ với lá tràm; màu vàng lại lấy từ hoa hòe; màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ của cây vang; màu sơn lấy từ sỏi núi; màu trắng là điệp… Những nguyên liệu này được trộn lẫn với nhau, sau đó sẽ hòa với một lượng bột nếp khi chuẩn bị đem in nhằm tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.

Những bản khắc cổ được ông Chế bỏ công sức, thời gian tìm kiếm và sưu tầm. Những năm 1990-1995 là khoảng thời gian khó khăn nhất với tranh Đông Hồ, khi các hộ gia đình chuyển sang làm vàng mã. Nếu như không có ông Nguyễn Đăng Chế vực dậy, có lẽ nghề làm tranh Đông Hồ ở ngôi làng này đã bị quên lãng từ lâu.

Theo thoidai