Thị trấn nhỏ bé yên bình ấy thấp thoáng hiện ra với vài ba chục nóc nhà mái ngói, những biệt thự xanh bị cây cối che lấp. Sa Pa của ngày xưa như một đồng nghiệp của tôi từng thốt lên: Sa Pa, nàng tiên chân đất!

Tôi và người lên Sa Pa nhiều lần sau chuyến leo Fan đấy. Thị trấn bé như cái kẹo mút và phố Cầu Mây là cái que kẹo, quảng trường nhỏ với tâm điểm là nhà thờ đá vàng óng trong nắng mật thật ngọt ngào. Du khách mà chủ yếu là từ Châu Âu nhàn tản đi dạo hay ngồi hàng giờ bên hàng hiên uống cà phê ngắm những thiếu nữ Dao, Mông xinh tươi trong sắc thổ cẩm.

Chợ là nơi sầm uất nhất khi tập trung hàng trăm du khách và dân địa phương chen chúc nhau đi qua đi lại, chỉ để ngắm nghía, nhòm ngó cho thoả con mắt tò mò, hiếu kỳ. Chàng trai Dao tinh nghịch mân mê những viên lục lạc nhỏ trên khăn đội đầu của cô sơn nữ mặc kệ cho tôi soi mói với chiếc máy ảnh cồng kềnh.

Ruộng bậc thang mùa lúa chín là điều kỳ diệu của Sa Pa mà du khách không thể bỏ qua. Những gia đình người Mông tụ tập trên những bãi đất bằng vừa phơi lúa, vừa nấu bữa cơm gạo mới thơm khó cưỡng. Người dân chủ yếu đi bộ hoặc bằng xe máy. Những chiếc xe máy Liên Xô, Tiệp Khắc… nổ to hơn tiếng súng và khói nhiều hơn ống khói nhà máy.

Tôi thường ngồi uống rượu bên ban công của một khách sạn nhỏ mang tên Mùa Xuân. Đêm nhiều sương và rất lạnh, quấn tấm chăn mỏng rồi chiêu từng ngụm nhỏ San Lùng thơm và ngon lạ kỳ. Người bảo: Sau này chúng ta sẽ không bao giờ đi Sa Pa mà chỉ có một người. Vâng! Và đó là Sa Pa của ngày xửa, ngày xưa! 


Một du khách khoác vai cô gái Mông đi dạo trên phố Cầu Mây.



Người đàn ông chơi đàn môi trong một đêm giá lạnh, vắng vẻ.


Một gia đình ăn bữa cơm gạo mới trong khi thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang.


Bên trong chợ Sa Pa.


Những người dân bản địa trồng cây sa mộc hai bên đường vào thị trấn.


Sa Pa mùa xuân năm 2007.

Đã có những dấu hiệu đô thị hoá từ năm 2009.

Theo Lao Động