Súp lươn Nghệ An vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Trung tâm Top Việt Nam (VietTop) triển khai trên cả nước từ năm 2012 đến nay.
Tiêu chí đề xuất, lựa chọn món ăn là mang hơi thở của Việt Nam. Các món ăn sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên để chế biến, khẩu vị phù hợp với nhiều người, tốt cho sức khỏe…
Hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng ở Tiền Giang, ai đến đều muốn ăn một lần
Theo thông tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, gần 10 năm thực hiện, hành trình đã tìm kiếm và công bố hơn 500 món ăn, đặc sản nổi tiếng khắp các vùng miền của nước ta.
Có được kết quả này chính là sự quan tâm hỗ trợ, đề cử của lãnh đạo các sở ban ngành, các trung tâm xúc tiến du lịch, hiệp hội du lịch, các công ty du lịch, du khách...
Năm 2020-2021, hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam tiếp tục được triển khai và nhận được nhiều hồ sơ đề cử. Ban quản lý hành trình đã chọn và công bố top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020-2021) trải dài từ Bắc vào Nam.
Bánh cống Gò Công (bìa phải) được đưa vào thực đơn một khách sạn 5 sao tại TP.HCM
Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020-2021) gồm có: gỏi sầu đâu khô cá lóc (An Giang), bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu), bánh tằm bì (Bạc Liêu), cơm trái dừa (Bến Tre), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), cua Năm Căn (Cà Mau), vịt nấu chao (Cần Thơ), hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp), gỏi cá trích (Kiên Giang), bún nước lèo (Sóc Trăng), bánh canh Bến Có (Trà Vinh), bánh giá Gò Công (Tiền Giang), bún chả cá Quy Nhơn (Bình Định), lẩu thả (Bình Thuận), phở khô (Gia Lai), bún bò (Huế), rau bò khai Ba Bể (Bắc Kạn), bánh đa cua (Hải Phòng), thắng cố Bắc Hà (Lào Cai), súp lươn (Nghệ An), chả mực Hạ Long (Quảng Ninh)…
Cơm trái dừa mang hương vị đặc trưng xứ dừa Bến Tre
Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020-2021) là những quà tặng quen thuộc được nhiều người tặng nhau như: khô cá lóc Thoại Sơn (An Giang), kẹo dừa (Bến Tre), măng cụt Lái Thiêu (Bình Dương), mật ong rừng U Minh (Cà Mau), bánh tét lá cẩm (Cần Thơ), nem Lai Vung (Đồng Tháp), muối tôm (Tây Ninh), cá thu một nắng Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), mì Củ Chi (TP.HCM), bánh ít lá gai (Bình Định), thanh long sấy khô (Bình Thuận), tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), bánh cốm (Hà Nội)…
Tất cả các món ăn đặc sản, đặc sản quà tặng vào top 100 sẽ được cấp chứng nhận và huy hiệu TOP. Dự kiến phần lễ trao chứng nhận sẽ được trao trong sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam vào ngày 26-4 tới.
Khách sạn Grand Saigon đưa món ăn đặc sản địa phương vào thực đơn giới thiệu du khách Đưa đặc sản vùng miền vào thực đơn khách sạn 5 sao Sau 7 lần giới thiệu đưa các món ăn đặc sản địa phương vào thực đơn, khách sạn Grand Saigon (quận 1, TP.HCM) đã đưa 27 món ăn đặc sản địa phương của nhiều vùng miền trên cả nước vào thực đơn, góp phần quảng bá ẩm thực, du lịch đến với đông đảo du khách. Nhiều món ăn địa phương được nhiều thực khách yêu thích như bún sườn hoa thanh long, phở bê, bún thả Bình Thuận, vịt Bắc Bình, phở hai tô Kon Tum, bún cá đọt mây Bình Phước, súp lươn Nghệ An… Ông Chiêm Thành Long, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, đánh giá cao việc Grand Saigon đưa món ăn đặc sản địa phương vào phục vụ, góp phần đưa món ăn đặc thù các vùng miền lan tỏa, qua đó quảng bá món ngon gắn liền du lịch Việt Nam. |
Theo tuoitre