Thầy giáo người Anh nghiên cứu về hẻm Sài Gòn
Cập nhật lúc 14:47, Thứ năm, 23/05/2019 (GMT+7)
Qua lăng kính của thầy Andrew Stiff - một người Anh có 4 năm sống ở Sài Gòn - những con hẻm nhỏ Sài Gòn trở nên thi vị, hấp dẫn một cách lạ kỳ. Xem những bức ảnh thầy chụp như nhật ký về đời sống của người dân nơi này.
Thầy Andrew Stiff giới thiệu về dự án nghiên cứu của mình với nhiều du khách nước ngoài
Quận 4 rất khác biệt
Dự án nghiên cứu về hẻm Sài Gòn được thầy Andrew Stiff bắt đầu từ năm 2016, khi những ngày đầu thầy mới đến Việt Nam giảng dạy môn thiết kế. Thầy Andrew kể: “Tôi chọn quận 4 là nơi bắt đầu cho đề tài nghiên cứu hẻm của Sài Gòn vì vị trí quá đặc biệt. Quận này giống như một ốc đảo riêng, không sầm uất như quận 1 với những trung tâm thương mại, nơi kinh doanh. Cũng không giống quận 7 là đô thị mới, quận 4 trước kia là nơi mà có những câu chuyện về giang hồ, người thương hồ đến buôn bán…, dù có sự đô thị hóa, những tòa nhà mới được xây dựng liên tục, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ, nhà cũ rất lạ...”.
Nhiều người sống lâu năm ở Sài Gòn nhưng đến quận 4 cũng có thể lạc đường vì nhiều hẻm nhỏ, nhiều ngóc ngách. Các bạn trẻ tìm đến quận 4 vì nơi đây có nhiều hẻm bán đồ ăn ngon. Có con hẻm chỉ 500 m nhưng có hơn 30 quán ăn lớn nhỏ bán đủ thức ăn vặt từ khoai lang lắc, cơm cuộn, bánh flan, ốc… Có con hẻm là nơi những người lao động nghèo, bán hàng rong, bán hủ tiếu, bán bánh tráng trộn… sinh sống. Hẻm có khi trở thành “nhà bếp” chế biến thực phẩm trước khi họ đem bán.
Khu vực quận 4 nổi tiếng với những "phố" ẩm thực thu hút giới trẻ
Muốn ghi lại hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn
Thầy Andrew chia sẻ thêm: “Vốn xuất thân là kiến trúc sư, tôi có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc đô thị. Từ Anh, tôi chuyển qua Malaysia năm 2010, rồi qua Việt Nam năm 2016… đi nhiều nước châu Á, tôi nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ của kiến trúc đô thị. Sự đô thị hóa dần dần thay đổi kiến trúc xưa, những hình ảnh mà chúng ta thấy ngày nay, qua thời gian sẽ bị thay thế bởi những tòa nhà chọc trời… Tôi muốn ghi lại hình ảnh của hẻm, đặc trưng văn hóa của Sài Gòn”.
Dành 3 năm chụp hàng ngàn tấm ảnh, thầy Andrew dựng thành một phim ngắn để câu chuyện về hẻm của thầy được “kể” rộng rãi hơn với nhiều người. “Bằng cách chồng mờ nhiều bức ảnh, cùng kỹ thuật làm phim mới, các bạn trẻ có thể xem lại hình ảnh về hẻm Sài Gòn theo phong cách 3D. Những hình ảnh chi tiết, sắc nét hơn...”.
Hẻm là ngôi nhà, là nơi mưu sinh, là "nhà bếp" là sân chơi của trẻ con...
Không chỉ chụp ảnh, thầy Andrew dành rất nhiều lần đi lại xung quanh các con hẻm ở quận 4, phỏng vấn ghi lại câu chuyện của người dân xung quanh, bất chấp rào cản ngôn ngữ. Qua các đoạn đối thoại, thầy nhận định: “Người dân ở đây có thái độ sống rất tích cực, thân thiện. Họ thích theo dõi tin tức về người nổi tiếng. Có chàng trai tôi gặp ở trong hẻm bảo rất thích ở đây, sẽ không đi nơi khác. Mọi người yêu thích không gian họ đang sống, từ nhà ra hẻm đều có rất nhiều kỷ niệm gắn bó. Dẫu bó hẹp trong không gian nhỏ nhưng mọi người cố gắng biến tất cả không gian thành nhà, đặt bếp lò trước cửa, một góc nhỏ ban công được phủ xanh… Đó là cộng đồng rất gần gũi. Các phường 14, 15, có vẻ khá giàu có nhưng vẫn giữ lối sống truyền thống, không bị Tây hóa. Đường Tôn Đản năm 2016 nơi tôi đến so với bây giờ thay đổi nhiều, không còn nghèo nữa mà đã có diện mạo mới… Sự thay đổi của đô thị, của đời sống cư dân cứ cuốn hút tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu”.
Xe hủ tiếu gõ đầu hẻm, hình ảnh quen thuộc ở Sài Gòn
Hẻm trở thành đề tài nghiên cứu tiến sĩ của thầy Adrew Stiff. Thầy tâm sự: “Càng tìm hiểu về các con hẻm, tôi càng bị thu hút. Tôi nghĩ mình cần khái quát hóa nó, mở rộng vấn đề hơn nên quyết định chọn làm đề tài nghiên cứu tiến sĩ. Tôi dành 1 năm tới để nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này. Ngoài quận 4, tôi sẽ mở rộng phạm vi sang quận 5, khu vực chợ Lớn, quận 7…. Sài Gòn là thành phố năng động, có đời sống văn hóa phong phú. Tôi cần nghiên cứu thật kỹ, lưu giữ lại trước sự đô thị hóa ngày càng nhanh, mọi thứ dễ dàng biến mất như các thành phố khác ở Singapore, Anh, Mỹ”.
Theo
Thanh Niên