Cọc gỗ cổ ở bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh Lê Tân
UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng về việc cho phép Viện Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khẩn cấp khu vực ao nhà ông Đào Văn Đến ở thôn 1, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đây là nơi ông Đến đã phát hiện 13 cọc gỗ khi tiến hành thu hoạch cá vào ngày 9.2.
Ngày 12.2, Viện Khảo cổ học và UBND huyện Thủy Nguyên đã đến khảo sát và cho rằng các cọc gỗ mà ông Đến tìm thấy có giá trị trong việc nghiên cứu về chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Do một số cọc đã bị hủy hoại, gia đình ông Đến cũng đang tiến hành cải tạo ao nên ngày 14.2, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cho phép khai quật khẩn cấp nơi phát hiện 13 cọc gỗ trên.
Dự kiến, việc khai quật sẽ diễn ra trên diện tích 400 m2. Chủ trì việc khai quật là tiến sĩ Bùi Văn Hiếu của Viện Khảo cổ học.
Trước đó, ngày 1.10.2019, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
Đến ngày 21.12, thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Các nhà khoa học dự hội nghị đều thống nhất rằng bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận chiến Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông.
Bãi cọc Cao Quỳ đã được lấp lại để chờ phương án bảo tồn tối ưu.
Theo thanhnien