|
Kiều bào về thăm đất nước nhân Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư. (Ảnh: Tuấn Việt)
|
Việt Nam luôn hiện hữu
Sinh ra tại Huế và rời quê hương để du học khi mới 19 tuổi, đến nay, TS. Lê Viết Quốc đã sống ở nước ngoài 23 năm - khoảng thời gian dài hơn sống tại Việt Nam.
Thế nhưng, trong những giấc mơ của nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại tập đoàn Google, hình ảnh Việt Nam luôn hiện hữu. Dù đi đến thành phố nào trên thế giới, ông cũng phải tìm ăn món phở và tự hào đã thưởng thức phở trên sáu lục địa, trừ Nam Cực.
Bà Lê Thanh Hương, chủ nhà hàng gốc Hà Nội, có trên 40 năm sống và làm việc ở Đức. Trong quá trình phát triển bản thân và hội nhập ở xứ người, bà nhận thức được tiềm năng và cơ hội mà quê hương thứ hai ban tặng để góp phần nhỏ bé cho công cuộc kiến thiết và xây dựng Tổ quốc.
Bà chia sẻ: “Có một câu hỏi mà tôi tự đặt ra là: Người gốc Việt ở Đức có thể đóng góp theo những cách thức nào? Rồi tôi lại tự trả lời: Bất cứ ai, nếu có tinh thần vì cộng đồng đều có thể làm được nhiều việc, góp phần xây dựng quê hương”.
Vào năm 2013, với sự gợi ý của Đại sứ quán và sự ủng hộ, hỗ trợ kết nối của những người bạn tại Việt Nam, tôi cùng bạn bè tại Đức đã kết nối thành công Hội An và Wernigerode - mối quan hệ kết nghĩa đầu tiên giữa địa phương Việt Nam và Đức được ký kết bằng văn bản theo quy chuẩn kết nghĩa địa phương quốc tế.
Trong 11 năm qua, bám sát nội dung thỏa thuận trong văn bản ký kết, hai thành phố cùng nhau thực hiện hàng loạt dự án.
Trọng tâm của mối quan hệ là giao lưu, trao đổi văn hóa, khảo sát tình hình thực tế của thành phố kết nghĩa về mọi khía cạnh, khai thác tiềm năng của địa phương nhằm tìm cơ hội hỗ trợ từ Đức.
Tại Thái Lan, Chủ tịch hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa khẳng định, những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan luôn hướng về Tổ quốc.
Ông chia sẻ: “Kiều bào chúng tôi đang sinh sống, làm ăn rất tốt, đoàn kết hòa nhập với người dân sở tại và được chính quyền Thái Lan đánh giá rất cao. Hiện tại chúng tôi đã có quốc tịch Thái Lan, có hội người Việt Nam tại 25 tỉnh, có phố Viet Nam Town đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, con cháu chúng tôi thành đạt không thua kém gì với các ngoại kiều khác ở Thái Lan”.
Ông Lương Xuân Hòa tự hào vì Thái Lan hiện có 25 chùa Việt Nam và sáu nhà thờ với hơn 500 vị sư vẫn tụng kinh theo kiểu Bắc Tông Việt Nam.
Tìm cơ hội đầu tư
Ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TP. Hồ Chí Minh-Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam.
Sau đó, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương và tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Lớn lên ở miền Tây với điều kiện kinh tế rất khó khăn, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy quyết định sang Hàn Quốc để làm ăn, học hỏi. Bắt đầu với việc làm cho công ty, sau đó bà tìm hiểu về văn hóa, kinh tế, xã hội ở Hàn Quốc và chuyển sang kinh doanh. Nữ doanh nhân chia sẻ: “Công việc ban đầu gặp nhiều trắc trở nhưng tôi dần vượt qua thách thức ở xứ người, tiếp tục nung nấu hoài bão giúp đỡ gia đình và quê hương mình”.
Sau khi tích lũy kinh nghiệm và một số vốn, bà Thúy phối hợp cùng những người bạn thành lập một công ty tại Cần Thơ với mong muốn đào tạo, liên kết đưa thanh niên trong độ tuổi lao động khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi học tập, xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.
Bà Thúy lo đầu mối phía Hàn Quốc, những người bạn thì phụ trách đào tạo, tuyển dụng phía Việt Nam. Sau một thời gian hoạt động, bà rất vui mừng vì nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc giờ đây trở nên khá giả, xóm làng sung túc, phát triển tốt hơn.
Những năm đầu 1990 khi Việt Nam mới mở cửa, doanh nhân Ôn Dân Khương về nước đầu tư và phát triển doanh nghiệp chuyên chế biến hạt điều và các sản phẩm giá trị giá tăng từ hạt nhằm nâng cao vị thế sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao thay vì chỉ xuất nguyên liệu thô.
Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam - Canada cho biết: “Qua gần 30 năm, chúng tôi góp phần kết nối để ngành chế biến hạt điều phát triển vượt bậc và có vị thế trên thị trường thế giới.
Nhìn lại khi bắt đầu thành lập nhà máy tại Việt Nam, chúng tôi đến thu mua hạt điều tại Phước Long, Đồng Xoài, Bình Phước là những vùng đất rất nghèo, và kém phát triển. Tới hôm nay, đó là những thành phố sầm uất và đời sống của người dân đã giàu có hơn rất nhiều. Người lao động có đời sống sung túc, có nhà cửa, con cái học hành đàng hoàng”.
Hiện tại, ông Ôn Dân Khương tiếp tục đóng góp và củng cố vị trí sản phẩm với hàm lượng chế biến và giá trị thặng dư cao của Việt Nam trên các chuỗi siêu thị lớn và thị trường thế giới.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải biết nâng tầm giá trị của sản phẩm. Khi đã có sản phẩm chất lượng, chúng tôi nghĩ đến hậu cần, vận chuyển và nghiên cứu và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng với thời gian sử dụng dài hơn, mẫu mã và thương hiệu đẹp, chất lượng phù hợp với từng thị trường”.
Kiều bào về dự Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. (Ảnh: Tuấn Việt)
Yêu nước, thương nòi
Đối với Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech Nguyễn Duy Nhiên, người Việt cho dù ở phương trời nào và ra đi trong hoàn cảnh nào vẫn luôn tự hào về đất nước, đồng thời mong muốn bạn bè quốc tế hiểu biết nhiều hơn về quê hương.
Ông chia sẻ: “Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc và luôn hướng về quê hương đất nước là tâm niệm từ trong trái tim mỗi chúng tôi. Chúng tôi hiểu, Tổ quốc là cội nguồn. Chính vì vậy, chúng tôi luôn luôn hướng về những người thân nơi quê nhà, hướng về biên giới, hướng về biển đảo thân yêu, cùng với nhân dân cả nước chung tay bảo vệ biên cương của Tổ quốc mình”.
Với số tiền quyên góp đáng quý, trong những năm qua, người Việt tại Czech đã gửi được lòng mình đến các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo cũng như từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc bằng xanh hóa Trường Sa, bằng xuồng chủ quyền, bằng Công viên Trường Sa... để “chia ngọt sẻ bùi” với những nạn nhân chất độc màu da cam, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những hoàn cảnh khó khăn.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Cezch cũng đã và đang tích cực đầu tư, vận động đầu tư vào Việt Nam, tăng thêm xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều, góp phần làm giàu cho quê hương đất nước.
Có thể thấy, dù khoảng cách bao xa, những người con đất Việt vẫn trở về với khát vọng được chung tay phát triển đất nước phồn vinh, bình đẳng và ngang tầm quốc tế.
Theo baoquocte