Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt V.Buianov (thứ ba từ trái) tặng bằng khen cho nhóm biên dịch và nhà tài trợ. Ảnh: VHN
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách hôm 17/3 tại Học viện Kinh tế Pháp luật Moscow, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, chủ biên việc dịch thuật, cho biết nhóm dịch giả đã nỗ lực làm việc trong thời gian gần hai năm.
Theo ông Hoàng, đây là một công trình tập thể của các dịch giả hai nước, đó là là Nhà giáo ưu tú - dịch giả Vũ Thế Khôi, dịch giả Đoàn Tử Huyến, tiến sĩ A. Anatoly Xocolov và nhà thơ Nga Vaxili Popov. Ông cũng đánh giá cao tinh thần làm việc, tính trách nhiệm cao, đầy tâm huyết của họ.
Tiến sĩ Hoàng cũng bày tỏ sự trân trọng đối với nhà tài trợ Hoàng Văn Vinh, chủ tịch Hội người Việt Nam thành phố Ekaterinburg, tỉnh Xvedlov, đã tạo điều kiện tốt nhất để công trình dịch thuật được thực hiện.
"Mặc dù nhóm chúng tôi đã có nhiều cố gắng hoàn thành bản dịch để kịp thời ra mắt vào đại lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du vào đầu tháng một năm ngoái, nhưng chắc chắn bản dịch sẽ còn nhiều thiếu sót. Rất mong các nhà khoa học, các học giả và độc giả góp ý phê bình để hy vọng lần tái bản sau sẽ có chất lượng cao hơn", ông Hoàng nói.
Giáo sư, tiến sĩ Vladimir Buianov, chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, Viện trưởng Học viện Kinh tế Pháp luật Moscow, cho rằng việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga đã đáp ứng lòng mong mỏi của các nhà khoa học và công chúng Nga. Dưới thời Xô Viết, nhiều dịch giả đã bắt tay vào việc chuyển tải tác phẩm của Nguyễn Du sang tiếng Nga, nhưng đây là lần đầu tiên có một bản dịch trọn vẹn. Nó là nhịp cầu văn hóa góp phần củng cố tình hữu nghị hai dân tộc.
Buianov cũng cho hay ông đã vinh dự được tham gia Lễ ra mắt Truyện Kiều bằng tiếng Nga tại Hà Nội do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức vào tháng 11/2015.
GS- TS Vladimir Buianov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, chúc mừng Truyện Kiều ra mắt bản tiếng Nga. Ảnh: VHN
Tiến sĩ Xocolov và nhà thơ Popov coi việc tham gia dịch thuật Truyện Kiều ra tiếng Nga là một niềm hạnh phúc, cho rằng càng tiếp xúc với tác phẩm, càng hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam.
"Sau khi dịch xong phần thơ từ bản dịch văn xuôi ra tiếng Nga, tôi đã trở thành một con người khác. Tôi thêm trân trọng và càng yêu mến Việt Nam hơn", nhà thơ Popov nói.
Hai ông cũng mong càng ngày sẽ càng có nhiều tác phẩm giá trị sẽ được tiếp tục dịch ra tiếng Nga để bù đắp vào sự trống vắng văn học Việt Nam hơn hai chục năm qua tại Nga.
Ông Hoàng Văn Vinh chia sẻ lý do ông tự nguyện tài trợ cho việc dịch thuật Truyện Kiều là vì ông được sinh ra và lớn lên ở quê hương Nguyễn Du, được học tập dưới mái trường mang tên nhà thơ vĩ đại. Thêm nữa, ông muốn trả ơn nước Nga, nơi ông đã có những năm tháng học tập, công tác tốt đẹp nhất của cuộc đời mình.
Giáo sư, tiến sĩ V.Buianov đã trao tặng bằng khen của Hội Hữu nghị Nga - Việt tới các dịch giả và nhà tài trợ "Vì sự đóng góp to lớn vào sự phát triển văn hóa và củng cố tình hữu nghị hai dân tộc Nga – Việt". Ông cũng trao kỷ niệm chương do chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam ủy quyền.
Tham dự buổi lễ còn có ông Koleznhic, chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga, một chuyên gia từng công tác tại Việt Nam, và đông đảo các nhà khoa học xã hội, các nhà Việt Nam học, Phương Đông học, sinh viên và các thành viên Hội Hữu nghị Nga - Việt. Các khách mời đều được tặng một quyển Truyện Kiều bằng tiếng Nga do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Việt Nam ấn hành.
Theo VnExpress