Đời sống của đồng bào Khmer Nam bộ luôn gắn liền với văn hóa lễ hội, trong đó có giải đua ghe ngo truyền thống tại Lễ hội Oóc om bóc - đua ghe ngo Sóc Trăng, được bà con tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. 

Những hình ảnh về chiếc ghe ngo dưới đây được chụp tại chùa Wath Pích, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 1.

Màn rượt đuổi so kè của hai đội ghe nam Wath Pích (áo xanh dương) và Pong Tứk Chắs (áo vàng) khi thi đấu chung kết giải 2022 trên sông Maspero, Sóc Trăng. Kết quả Wath Pích vượt lên Pong Tứk Chắs khi cách đích 3 - 4m cuối và đoạt chức vô địch

HUỲNH PHƯƠNG

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 2.

Còn 4 tháng nữa là đến Giải đua ghe ngo truyền thống tỉnh Sóc Trăng (26 - 27.11 dương lịch) nhưng hiện nay, tại các ngôi chùa Khmer đang bắt đầu chuẩn bị cho mùa giải, trong đó có đóng ghe, vẽ trang trí ghe. Trên ảnh là những chiếc ghe ngo mới và cũ được bảo quản trong nhà ghe của chùa Wath Pích, thuộc phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 40km. Đây là một trong những ngôi chùa xưa nhất Nam bộ, được xây dựng năm 1738

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 3.

Năm nay, sư cả Trần Dết (ảnh), trụ trì chùa Wath Pích cho đóng ghe ngo mới. Nhà ghe có mái che mưa nắng và phòng mối mọt

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 4.

Ghe ngo trong tiếng Khmer là Tuk Ngô, được bà con sử dụng để bơi đua với nhau vào dịp lễ hội Oóc om bóc, nhằm mục đích cầu mưa thuận, gió hòa và mùa màng tươi tốt

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 5.

Nghệ nhân Danh Vũ, người đóng ghe và nghệ nhân Thạch Thol, người vẽ hoa văn trên thân ghe, đều là những nghệ nhân lành nghề, nổi tiếng ở Sóc Trăng

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 6.

Sư Hào Em đang phụ vẽ trang trí hoa văn thân ghe. Theo truyền thống, chiếc ghe ngo dài 27m, hình dạng tựa con rắn, thon dài thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 - 60 người ngồi bơi và chỉ huy

ĐINH CÔNG TÂM

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 7.

Ngày xưa, Tuk Ngô của người Khmer là một chiếc thuyền độc mộc, mất khoảng hơn một năm đục đẽo để hoàn thành. Ngày nay, việc đóng ghe được thay bằng những miếng ván từ cây gỗ sao, đồ nghề đóng ghe cũng hiện đại nên thời gian được rút ngắn hơn, mất gần 2 tháng để hoàn thành

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 9.

Người thợ không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe để lướt trên sông nhanh nhất có thể. Đó cũng là lý do ngày nay ghe ngo được đóng dài hơn, có chiều dài khoảng 30m, thay vì 27m như trước kia

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 10.

Ghe ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Trên ghe có hai cây kềm chịu lực, thường là thân cây tràm, giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Mỗi cây có đường kính khoảng 0,2m. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái (từ giữa thân thân ghe về phía sau) gọi là cây cần câu. Cây này có độ tuổi nhiều năm và phơi trong nhà từ 1 - 2 năm cho khô thì mới cột làm cần câu ghe. Ghe ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ tùy theo từng vị trí người bơi, cây dầm sau lái và trước mũi sẽ dài hơn các cây khác có tác dụng kiềm lái

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 13.

Trên thân ghe sơn bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, hình tượng vẩy rồng, rắn theo mô tiếp rắn thần Nagar và các loại hoa văn truyền thống, biểu tượng khác trong văn hóa Khmer

TRẦN TRUNG NHÂN

Cận cảnh chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ - Ảnh 14.

Mỗi chiếc ghe có một đặc điểm, mang biểu tượng riêng, cũng là dấu hiệu để ghi nhớ đồng thời thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh. Ghe ngo chùa Wath Pích đã chọn biểu tượng con đại bàng. Sau khi đóng ghe, vẽ ghe, các chùa tập hợp thanh niên sống gần chùa vào mỗi buổi chiều để tập bơi dầm trên cạn và dưới giàn nước, sau đó thực hiện nghi lễ hạ thủy và chờ đến ngày thi đấu.

TRẦN TRUNG NHÂN

Theo Thanh niên