Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp làm sạch cổ họng khỏi chất nhầy hoặc chất kích thích lạ và nó có thể xảy ra khi một số thực phẩm chặn đường thở. Ho có thể cấp tính hoặc mạn tính. Ho cấp tính kéo dài dưới ba tuần và ho mạn tính kéo dài hơn tám tuần.
1. 10 thực phẩm nên ăn, uống khi bị ho
Gừng
Gừng là một phương pháp điều trị ho phổ biến và có tác dụng như một chất chống viêm. Một tách trà gừng nóng có thể làm dịu cơn ho và đau họng khó chịu. Gừng có chứa một số hợp chất làm giãn mạch máu của phổi và thư giãn các cơ trơn dẫn đến mở đường hô hấp, giữ ấm cho đường hô hấp. Có thể cắt lát gừng tươi hoặc bào nhỏ vào trà nóng để giảm ho.
Tỏi
Tỏi có thể giúp chống lại cảm lạnh và cúm. Nó đảm bảo phục hồi nhanh hơn cũng như có các lợi ích sức khỏe khác. Tỏi rất giàu các hợp chất giúp tăng cường khả năng miễn dịch và có đặc tính chữa bệnh.
Mật ong
Mật ong thô có đặc tính chữa bệnh rất linh hoạt, đặc biệt là các vấn đề về hô hấp. Mật ong kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống viêm có thể giúp giảm cường độ và thời gian ho. Hãy pha trà với hai thìa mật ong và hai thìa nước cốt chanh tươi với lượng nước vừa đủ. Chanh sẽ hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp tăng cường năng lượng.
Nghệ
Nghệ là một phương pháp điều trị tại nhà hiệu quả cho chứng đau họng và ho. Củ nghệ có lợi vì có chứa chất curcumin - đặc tính chống viêm. Củ nghệ tăng cường hệ thống miễn dịch và phản ứng kháng thể tích cực chống lại nhiễm trùng. Củ nghệ tươi đem giã nhỏ, thêm nước lọc vào, 5g đường phèn đưa vào chưng cách thủy 10 phút. Ngày uống 3 lần cho đến khi khỏi bệnh.
Chanh
Chanh là nguồn giàu vitamin C và chất chống oxy hóa. Chanh giúp tăng cường khả năng miễn dịch và cũng rất cần thiết cho việc sửa chữa DNA và sản xuất serotonin. Một quả chanh tươi vắt với nước ấm hoặc trà có thể giúp làm dịu cơn đau họng và ho.
Dứa
Đây có thể là một điều ngạc nhiên đối với nhiều người nhưng dứa là một loại thuốc trị ho cực hiệu quả. Bromelain là một loại enzyme có trong dứa có đặc tính chống viêm và tiêu chất nhầy (phân hủy chất nhầy). Hai đặc tính này của bromelain khiến dứa trở thành thực phẩm tuyệt vời giúp giảm ho.
Lê
Quả lê không chỉ mang đến vị ngọt thanh dễ chịu, giúp người bệnh khôi phục năng lượng mà còn có tác dụng giảm ho, long đờm. Loại trái cây này đặc biệt tốt cho những người đang bị ho khan, ho có đờm hoặc ho do mắc các bệnh lý nhiễm trùng ở đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản…
Trà nóng
Trà nóng (xanh, đen và thường) là đồ uống tốt khi bị ho hoặc cảm lạnh. Trà giàu chất chống oxy hóa giúp làm dịu cơn đau họng và làm lỏng chất nhầy từ mũi bị tắc nghẽn, giúp thông mũi. Trà hoa cúc cũng có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm. Trà hoa cúc thúc đẩy giấc ngủ và giúp bảo vệ khả năng miễn dịch.
Nước dùng hoặc súp
Súp hoặc nước luộc gà là món ăn tuyệt vời giúp giảm ho. Hơi nước từ súp hoặc nước dùng làm tăng tốc độ di chuyển của chất nhầy qua mũi để giảm nghẹt mũi. Một món súp lành mạnh cũng giúp giảm viêm. Nhấm nháp súp nóng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ khỏi vi khuẩn và virus.
Gà hầm là món ăn dễ chịu nên ăn khi bị đau họng, ho nặng hoặc cảm cúm. Các nguyên liệu làm món gà hầm có tác dụng hiệu quả trong việc giúp giảm ho và cảm lạnh.
Nước ép rau củ
Chất chống oxy hóa có trong rau và giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nước ép rau quả có thể tăng tốc độ phục hồi sức khỏe. Nên bổ sung các loại rau như cà rốt, cải xoăn được biết đến với đặc tính kháng virus hiệu quả.
2. 4 loại thực phẩm nên tránh tuyệt đối khi bị ho
Đồ uống có chứa caffein, rượu và đồ uống có đường
Đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà đen và đồ uống có cồn có thể khiến cơ thể mất nước. Cúm dễ làm tăng nhiệt độ cơ thể và đổ mồ hôi, dẫn đến mất nước, đồng thời caffeine và rượu có thể khiến các triệu chứng ho trở nên trầm trọng hơn.
Một thực phẩm khác cần tránh là nước trái cây chứa nhiều đường hoặc đồ uống có gas vì chúng không giàu dinh dưỡng và bất lợi cho hệ thống miễn dịch. Thực phẩm giàu đường như kẹo, sô cô la gây viêm và điều này có thể làm giảm khả năng miễn dịch bằng cách làm suy yếu các tế bào bạch cầu.
Thực phẩm khó nhai, khó tiêu
Bánh xốp giòn và các loại thực phẩm có kết cấu tương tự có thể khiến cơn ho và đau họng trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, bệnh cúm có thể khiến bị đau bụng, vì vậy không nên ăn những thực phẩm như bánh mì nướng và cả yến mạch vì thực phẩm giàu chất xơ khó tiêu hóa hơn nhiều. Ngoài ra, hãy cân nhắc việc hạn chế ăn những thực phẩm khó phân hủy và gây khó khăn cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như cà ri nhiều dầu mỡ hoặc thịt có nhiều chất béo bão hòa.
Thực phẩm tăng lượng đường trong máu
Các loại rau có tinh bột như ngô, khoai tây và bí có thể làm tăng lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu cho rằng lượng đường trong máu cao hơn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tắc nghẽn khiến tình trạng ho nặng hơn và cuối cùng có liên quan đến phổi - điều này có thể liên quan đến việc tiêu thụ nhiều tinh bột thường xuyên. Vì vậy, những nguồn giàu tinh bột được coi là thực phẩm nên tránh khi bị cảm lạnh và để ngăn ngừa tình trạng bệnh về lâu dài.
Thực phẩm tạo chất nhầy
Chất nhầy là "kẻ thù" của đau họng và ho. Dâu tây là một ví dụ vì chúng là chất giải phóng histamine có thể góp phần gây tắc nghẽn. Chất nhầy chứa histamine có thể tạo cảm giác khó chịu ở mũi và gây viêm xoang. Sữa là một thực phẩm khác nên tránh vì nó có thể tạm thời làm đặc chất nhầy, khiến các chất gây dị ứng có hại tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Ngoài ra, tránh các loại gia vị như ớt vì capsaicin trong ớt gây kích ứng đường mũi, khiến chất nhầy tiết ra nhiều hơn. Thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chiên rán cũng làm tăng sản xuất chất nhầy, gây ho có đờm kéo dài.
Theo suckhoedoisong.vn