Cơ thể khỏe mạnh đòi hỏi mỗi người cần xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh, từ bỏ các thói quen có hại để nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo People's Daily, dưới đây là 19 lời khuyên mà bác sĩ mỗi chuyên khoa đưa ra liên quan tới thói quen phổ biến có hại nhất cho cơ thể mà bạn cần bỏ càng sớm càng tốt.
1. Bác sĩ hô hấp: Không tập thể dục ngoài trời ô nhiễm
Môi trường ô nhiễm có thể chứa các hạt mịn và các chất ô nhiễm khí khác có thể gây hại cho đường hô hấp và tim mạch khi rèn luyện. Khi tập thể dục, cơ thể cần nhiều oxy hơn và ta thở sâu hơn, làm tăng nguy cơ hít phải lượng lớn các hạt và khí độc hại.
Điều này có thể dẫn đến viêm đường hô hấp, giảm chức năng phổi, tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh tim và thậm chí cả đột quỵ. Do đó, nên tránh tập thể dục ngoài trời khi chất lượng không khí kém và tìm kiếm môi trường trong lành hơn để rèn luyện sức khỏe như trong công viên, phòng tập hoặc trong nhà.
|
|
Nên chọn môi trường có không khí trong lành để tập thể dục (Ảnh: Internet) |
2. Bác sĩ khoa thần kinh: Không xoay/quay người đột ngột
Xoay người đột ngột có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh cơ vận động và hệ thần kinh cảm giác. Khi xoay người quá nhanh, có thể xuất hiện cảm giác chóng mặt do sự thay đổi đột ngột trong việc cảm nhận vị trí cơ thể, gây ra bởi sự mất cân bằng trong tiền đình.
Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai (hai bên) có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng duy trì tư thế, dáng, phối hợp với cử động của mắt, đầu và thân mình. Tiền đình gồm tiền đình xương và các ống bán khuyên xương.
Ngoài ra, việc xoay người đột ngột cũng có thể làm tăng nguy cơ mất thăng bằng và ngã, dẫn đến chấn thương. Đối với người lớn tuổi, hệ thống cảm giác và phản xạ có thể đã suy giảm, việc xoay người đột ngột có thể khiến họ dễ bị ngã và tổn thương hơn.
3. Bác sĩ nhi khoa: Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì mật ong có thể chứa bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum. Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ để chống lại vi khuẩn này, nên việc tiêu thụ mật ong có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh botulism ở trẻ sơ sinh.
Botulism có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, yếu cơ và thậm chí mất mạng.
|
|
Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi (Ảnh: Internet) |
4. Bác sĩ thận học: Đừng nhịn tiểu
Nhịn tiểu thường xuyên có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe. Khi bạn nhịn tiểu, bàng quang có thể bị căng thẳng và gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau. Nhịn tiểu lâu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu vì vi khuẩn có thể sinh sôi trong nước tiểu đọng lại.
Hơn nữa, thói quen nhịn tiểu có thể góp phần vào sự phát triển của sỏi bàng quang và có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang lâu dài. Trong trường hợp cực đoan, nhịn tiểu có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng như vỡ bàng quang, mặc dù đây là một tình huống hiếm gặp.
5. Bác sĩ tiêu hóa: Đừng ngồi ăn với một chiếc bàn thấp
Thường xuyên khom người quá thấp khi ăn có thể khiến vùng bụng hay hệ tiêu hóa bị gia tăng áp lực. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới nhu động ruột, khả năng tiết dịch tiêu hóa cũng như tốc độ lưu thông máu tới hệ tiêu hóa khi ăn.
Từ đó khiến chức năng tiêu hóa bị suy yếu và tăng nguy cơ gặp các rối loạn chức năng đường ruột, bao gồm cả dạ dày.
6. Bác sĩ tim mạch: Không đi bộ trên 100 bước sau khi ăn nếu mắc bệnh tim mạch vành
Với người trưởng thành khỏe mạnh, việc đi bộ sau khi ăn có thể giúp bạn nhận được nhiều lợi ích sức khỏe chẳng hạn như hỗ trợ quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn, hỗ trợ giảm cân... Nhưng với người mắc bệnh tim mạch vành nói riêng và người có thể lực yếu (như người cao tuổi) thì nên nghỉ ngơi từ 30 phút tới 1 giờ trước khi tập thể dục (như đi bộ) sau ăn do hệ tiêu hóa làm việc không còn hiệu quả như người trẻ.
|
|
Không nên đi bộ ngay sau khi ăn nếu bị bệnh tim mạch vành (Ảnh: Internet) |
Người cao tuổi không nên đi bộ ngay sau khi ăn no vì điều này có thể gây áp lực lên dạ dày khi nó đang cố gắng tiêu hóa thức ăn, có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, đầy hơi hoặc thậm chí là đau ngực do giảm lưu lượng máu đến dạ dày.
Ngoài ra, việc vận động ngay sau bữa ăn có thể gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản, gây khó chịu và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
7. Bác sĩ huyết học: Không nên sống luôn trong nhà vừa mới làm nội thất xong
Sống trong nhà vừa mới làm nội thất xong không được khuyến nghị vì có thể tiếp xúc với các chất độc hại từ sơn, keo dán và vật liệu mới.
Những chất này có thể phát thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như formaldehyde, có thể gây hại cho sức khỏe như kích ứng mắt, mũi, cổ họng, các vấn đề về đường hô hấp và đôi khi là các tác động nghiêm trọng hơn như ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc có thể ảnh hưởng tới sự sao chép nhiễm sắc thể, dẫn tới sự biến dạng nhiễm sắc thể và điều này làm tăng rủi ro mắc bệnh bạch cầu.
Thông thường, cần một khoảng thời gian cho các hợp chất này giảm bớt đến mức độ an toàn trước khi chuyển vào ở để bảo vệ sức khỏe.
8. Bác sĩ khoa dị ứng: Đừng lạm dụng chất khử trùng
Lạm dụng chất khử trùng có thể gây ra nhiều tác hại vì chúng thường chứa các hóa chất mạnh có thể gây kích ứng da, mắt và đường hô hấp, đặc biệt khi sử dụng không đúng cách hoặc không tuân thủ hướng dẫn.
|
|
Không nên lạm dụng chất khử trùng (Ảnh: Internet) |
9. Bác sĩ chuyên khoa gan, mật: Đừng ăn đồ ăn vặt thay cho bữa chính
Chế độ ăn uống kém lành mạnh không chỉ gia tăng nguy cơ rối loạn chức năng tiêu hóa và khả năng hấp thu của đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng tới sự co bóp của túi mật cũng như bài tiết của mật.
Ăn vặt nhiều có thể gây sỏi mật do hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu chất béo và cholesterol. Cơ thể cần mật để tiêu hóa chất béo và khi ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo, túi mật phải làm việc nhiều hơn để tiết ra mật. Nếu cholesterol trong mật dư thừa, nó có thể kết tủa và hình thành sỏi mật.
Ngoài ra, ăn vặt thường xuyên cũng có thể dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì, là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh sỏi mật.
10. Bác sĩ tiết niệu: Người lớn tuổi không nên bổ sung canxi "mù quáng"
Một số loại sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi canxi oxalat ở người lớn tuổi có liên quan tới việc bổ sung quá mức canxi dẫn tới dư thừa. Nếu có thể, hãy cố gắng bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống dù bạn ở bất cứ độ tuổi nào.
Ngoài ra, để ngăn chặn việc hình thành sỏi tiết niệu, nên duy trì một chế độ ăn uống cân đối, uống đủ nước và theo dõi lượng canxi nạp vào cơ thể, đồng thời hạn chế các thực phẩm giàu oxalat nếu có chỉ định của bác sĩ.
11. Bác sĩ về mạch máu: Không nên ngồi liên tục trong thời gian dài
Ngồi quá lâu mà không vận động có thể khiến tĩnh mạch bị chèn ép và tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch ở chi dưới.
|
|
Ngồi quá lâu trong thời gian dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe (Ảnh: Internet) |
Hơn nữa, ngồi liên tục trong thời gian dài cũng có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch, đau lưng, huyết áp cao, tăng cân, tiểu đường loại 2 và yếu cơ.
12. Bác sĩ chỉnh hình: Không nên đột ngột cúi người để nhặt đồ
Các khớp của cơ thể tương đối mỏng manh và dễ bị tổn thương. Vì thế mà việc cúi người xuống đột ngột để nhặt đồ có thể khiến khớp bị tổn thương, tăng nguy cơ té ngã đặc biệt ở người lớn tuổi và người đang có sẵn các vấn đề về xương khớp.
Ngoài ra, cúi người đột ngột cũng có thể gây căng thẳng cho cơ lưng, dây chằng và đốt sống, có thể dẫn đến đau lưng hoặc tổn thương nghiêm trọng hơn. Để an toàn, nên cúi xuống một cách từ từ (ngồi xổm) và sử dụng đầu gối để hỗ trợ khi cúi xuống nhặt vật nặng từ mặt đất lên.
13. Bác sĩ xương khớp: Không nên lạm dụng leo cầu thang thường xuyên
Khi khớp gối phải gập duỗi liên tục mà không có sự khởi động trước hoặc không đủ sức khỏe để thực hiện hoạt động này có thể gây tăng áp lực lên xương bánh chè, khớp gối và khớp hông, tăng rủi ro hao mòn khớp tự nhiên.
14. Bác sĩ nhãn khoa: Đừng dụi mắt liên tục nếu mắt bị khô
Dụi mắt liên tục có thể vô tình đưa vi khuẩn tiếp xúc với mắt và gây bệnh. Ngoài ra, dụi mắt mạnh có thể khiến giác mạc bị tổn thương.
Thay vào đó, hãy sử dụng các giọt mắt nhân tạo hoặc tìm cách khác để làm ẩm mắt như sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc chớp mắt thường xuyên hơn. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.
|
|
Đừng dụi mắt liên tục (Ảnh: Internet) |
15. Bác sĩ nha khoa: Các thành viên trong gia đình không nên dùng chung kem đánh răng
Đôi khi việc dùng chung kem đánh răng có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh răng miệng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu một thành viên trong gia đình có vấn đề về sức khỏe răng miệng hoặc bệnh lý toàn thân có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm trùng.
Hơn nữa, mỗi một độ tuổi có thể có những yêu cầu về thành phần kem đánh răng khác nhau.
16. Bác sĩ da liễu: Đừng lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da quá mức
Lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da quá mức có thể dẫn đến nhiều vấn đề với làn da của bạn. Chẳng hạn như gây kích ứng, làm mất cân bằng độ ẩm tự nhiên của da và có thể làm tăng nguy cơ phát ban, mụn và phản ứng dị ứng. Một số sản phẩm có chứa hóa chất mạnh có thể làm mỏng da, dẫn đến tổn thương dễ dàng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Trên thực tế, chỉ cần bạn làm sạch tốt, chọn loại kem dưỡng da phù hợp và thỉnh thoảng sử dụng mặt nạ dưỡng da là bạn có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản cho làn da của mình.
|
|
Lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da quá mức có thể dẫn đến nhiều vấn đề với làn da của bạn (Ảnh: Internet) |
17. Bác sĩ khoa bỏng: Đừng trị bỏng bằng kem đánh răng, dầu gió hay đá lạnh nữa
Tất cả những biện pháp chữa bỏng theo quan niệm dân gian đều không có căn cứ khoa học và việc bôi kem đánh răng thậm chí nước mắm, dầu gió, đá lạnh lên vết bỏng mới có thể tăng tình trạng bỏng và nhiễm khuẩn khiến việc điều trị vết bỏng khó khăn hơn.
Sau khi bị bỏng, tốt nhất, bạn nên rửa sạch hóa chất, xé bỏ quần áo bị cháy, ngắt nguồn điện (nếu có), làm mát vùng bỏng bằng dòng nước chảy, sau đó có thể bôi kem Silvirin hay Biafine theo tư vấn của bác sĩ và di chuyển tới cơ sở y tế nếu vết bỏng nghiêm trọng.
18. Bác sĩ lão khoa: Đừng chắp tay sau lưng khi đi bộ tập thể dục
Nhiều người cao tuổi có thói quen chắp tay sau lưng khi đi bộ tập thể dục. Điều này vô tình khiến trọng tâm của thân trên bị nghiêng về phía trước và phần thân trên vốn đã "khom" nay lại "khom" hơn.
19. Dược sĩ: Bất kể đang dùng loại thuốc nào, hãy tránh hút thuốc
Nicotine trong thuốc lá có thể khiến tốc độ phân hủy thuốc của gan tăng lên, khả năng hấp thụ thuốc trong máu bị giảm xuống và từ đó khiến thuốc khó phát huy hết tác dụng. Tốt nhất hãy bỏ thuốc lá vì những lợi ích sức khỏe nói chung. Hoặc hãy cố gắng tránh hút thuốc trong vòng 30 phút sau khi uống bất kỳ loại thuốc nào.
Châu Anh/Nguồn: People's Daily