TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, từ xa xưa, ông cha ta luôn khuyến khích mọi người ngày ăn đủ 3 bữa, sở dĩ vậy vì mỗi bữa ăn đều có những giá trị, vai trò nhất định đối với cơ thể. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, các bữa ăn dường như đã bị đảo lộn, nhiều người quá quan tâm đến bữa trưa, bữa sáng nhưng lại bỏ qua bữa tối và ngược lại.
Tiến sĩ Từ Ngữ. (Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống)
Hai quan điểm sai lầm thường gặp về bữa tối:
Tối không hoạt động không cần ăn
Đây là là một quan điểm sai lầm rất thường gặp, nhất là những người đang có ý định giảm cân, họ thậm chí còn bỏ luôn cả bữa tối. Những người theo trường phái này cho rằng, bữa sáng và bữa trưa là rất quan trọng vì nó cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và làm việc. Còn buổi tối con người không hoạt động gì, chỉ nghỉ ngơi và ngủ nên không cần ăn nhiều, chỉ cần uống nước lọc, cốc sữa hoặc ăn ít trái cây là đủ.
Bữa tối bên gia đình nên là bữa chính
TS Từ Ngữ cho rằng, trong ngày cả bữa sáng, bữa trưa, bữa tối đều được coi là bữa chính và không nên coi bữa nào là bữa phụ. Thực tế hiện nay, nhiều gia đình cả ngày đi làm, đi học, bữa tối mới gặp nhau, ngồi bên mâm cơm gia đình nên coi trọng bữa tối cũng là điều rất tốt. Thế nhưng, chúng ta không coi đó là bữa để dồn tất cả thực phẩm vào cơ thể, trong khi bữa trưa, bữa sáng lại ăn qua loa.
Bữa tối không nên ăn quá nhiều và kéo dài thời gian quá lâu. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, cũng không nên lấy lý do bữa tối được quây quần bên gia đình mà tập trung chế biến quá nhiều món cầu kỳ, ăn tối muộn hoặc kéo dài bữa ăn. Điều này là không tốt vì bữa ăn và giấc ngủ buổi tối có liên quan mật thiết với nhau.
Nên ăn tối như thế nào cho đúng?
Không nên bỏ bữa tối
TS Từ Ngữ cho biết, với hầu hết mọi người, trong buổi tối thì các hoạt động diễn ra ít hơn, nhưng không vì thế mà chúng ta lại bỏ qua hoặc ăn tối ít hơn. Trừ một số trường hợp như đang giảm cân hoặc phải làm việc đêm có thể ăn ít hoặc nhiều hơn, các trường hợp còn lại hoạt động ăn uống vẫn phải diễn ra bình thường.
“Buổi tối dù ít hoạt động nhưng vẫn phải ăn đầy đủ (khoảng 500-600kcal), nguyên nhân là bởi thời gian từ bữa tối đến bữa sáng kéo dài gấp đôi (khoảng 10-12 tiếng) so với từ bữa sáng đến bữa trưa hay từ bữa trưa đến bữa tối (6 tiếng). Do vậy, việc cung cấp đủ năng lượng sẽ giúp các bộ phận trọng cơ thể hoạt động tốt trong suốt thời gian đó.
Không ăn tối quá muộn, quá no
Bữa tối tốt nhất nên bắt đầu từ khoảng 18h30 cho đến 19h là hợp lý. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, thời gian từ khi kết thúc bữa tối cho đến khi đi ngủ tốt nhất là 3 tiếng, giúp chúng ta vào giấc ngủ tốt hơn, tránh được nguy cơ bệnh tật.
Nếu ăn tối quá muộn, quá no, khi đi ngủ dạ dày vẫn làm việc có thể khiến bụng khó chịu và khó ngủ. Ngoài ra, việc làm này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày.
Bữa tối nên chọn ăn những đồ dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Hạn chế ăn đồ khó tiêu
TS Từ Ngữ chia sẻ thực phẩm lựa chọn trong bữa tối cũng rất quan trọng. Chúng ta vẫn phải đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng và cân đối nhóm chất nhưng cần phải tốt cho cả tiêu hóa. Như đã nói trên, buổi tối thời gian vận động ít nên chúng ta nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, giúp giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, giúp ngủ ngon hơn.
Ví dụ, ngoài nhóm tinh bột là bắt buộc, nên bổ sung nhiều chất xơ từ rau hơn, ngoài ra thay vì dùng các loại thịt đỏ như bò, dê vì khó tiêu, có thể thay đổi bằng các món ăn được chế biến từ cá, trứng…
Ngoài ra, nên từ bỏ thói quen vừa ăn vừa xem TV, vì dù là đồ ăn dễ tiêu hóa nhưng nếu quá trình nhai không tập trung, thức ăn không được nghiền kỹ trước khi vào dạ dày cũng khiến việc tiêu hóa lâu hơn.
Lê Phương