Hoạt động tình nguyện – nguyên nhân không ngờ khiến phụ nữ sống thọ hơn đàn ông
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động tình nguyện có thể làm giảm nguy cơ tử vong cao hơn 22% so với phương pháp ăn nhiều trái cây và rau củ mỗi ngày. Ngoài ra, những người thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn 29% và tỷ lệ nhập viện thấp hơn 38% so với những người ngại tham gia tình nguyện.
Bà Betty Lowe (Anh) là một minh chứng điển hình cho giả thuyết tham gia vào các hoạt động từ thiện giúp tuổi thọ của phụ nữ cao hơn đàn ông. Bà được báo chí Anh nhắc đến từ lúc 96 tuổi. Ở độ tuổi "gần đất xa trời" này, bà vẫn tích cực tham gia phục vụ tình nguyện tại một quán cà phê của bệnh viện Hoàng gia Salford (Anh), rửa chén bát và trò chuyện với bệnh nhân. Cho đến những năm cuối đời, lúc ấy bà đã 106 tuổi, bà vẫn đảm nhiệm công việc tình nguyện ở bệnh viện này một lần một tuần. Bà đã qua đời ở tuổi 107.
Các nhà khoa học cho rằng, hoạt động tình nguyện góp phần tăng tuổi thọ và phụ nữ có xu hướng làm tình nguyện nhiều hơn đàn ông khoảng 30%. Khi làm từ thiện, phụ nữ có xu hướng đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn đàn ông. Huyết áp của cơ thể nữ giới sẽ ổn định hơn, giúp họ ngủ ngon và cơ thể khỏe mạnh và săn chắc hơn.
Một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ nhiều quốc gia như Israel, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ cho thấy, những người ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi tham gia vào các hoạt động tình nguyện có tỷ lệ tử vong trung bình thấp hơn khoảng 24% so với những người không tham gia. Ngoài ra, những hành vi đẹp và bao dung, giúp dỡ những hoàn cảnh khó khăn giúp các tế bào bạch cầu ít điều chỉnh theo hướng viêm. Điều này rất tốt cho sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Những hoạt động tình nguyện hoặc chăm sóc người khác có thể làm bộc phát một hệ thống sinh học đặc biệt của cơ thể, giúp giảm căng thẳng, liên quan đến các hormone như oxytocin và cortisol. Từ đó làm cải thiện sức khỏe của phụ nữ khi họ tham gia tình nguyện, chăm sóc cho những hoàn cảnh khó khăn.
Ảnh minh họa
Những nguyên nhân từ sự khác biệt giữa cơ thể giữa nam giới và nữ giới
Ở phái nữ, cặp nhiễm sắc thể giới tính có dạng XX, trong khi cặp nhiễm sắc thể này ở nam giới lại có dạng XY. Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ thường sống lâu hơn đàn ông vì nhiễm sắc thể X kép của họ bảo vệ chống lại bệnh tật khi các tế bào bắt đầu gặp trục trặc theo tuổi tác. Nếu một gen bị lỗi, nữ giới có một gen khác để thay thế chức năng của gen hỏng. Tuy nhiên, khả năng này không thể xảy ra ở nam giới, vì vậy tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn nữ giới.
Ngoài ra, hormone giới tính cũng là một nguyên nhân tạo nên sự chênh lệch về tuổi thọ trung bình ở hai giới. Hormone estrogen ở phụ nữ tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp khả năng kháng bệnh ở phụ nữ cao hơn đàn ông. Trong khi đó, hormone testosterone ở đàn ông lại có khả năng ức chế miễn dịch. Nghiên cứu đã chỉ ra, testosterone góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim, ung thư và các bệnh nhiễm trùng. Do đó, phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn đàn ông nhờ vào tác dụng đặc biệt của hormone estrogen.
Một số nguyên nhân khác như kích thước cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt và các bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc bệnh cúm cũng là nguyên nhân tạo nên sự chênh lệch giữa tuổi thọ trung bình của phụ nữ và đàn ông.
Đàn ông – mối đe dọa đặc biệt đối với sức khỏe phụ nữ
Mặc dù khoa học đã chứng minh, phụ nữ có xu hướng sống thọ hơn đàn ông. Tuy nhiên, đàn ông lại là một mối đe đọa đặc biệt đối với sức khỏe phụ nữ. Theo bác sĩ Kirtly Parket Jones, giáo sư tại Đại học Y dược Utah (Mỹ), trung bình trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì sẽ có 1 người bị hãm hiếp hoặc đánh đập bởi đàn ông ít nhất một lần trong đời. Ngoài ra, trong tổng số các trường hợp phụ nữ bị sát hại ở Mỹ, một phần ba bị giết bởi chính chồng hoặc người yêu. Một nghiên cứu khác vào năm 2016 đã chỉ ra, bạo lực gia đình là yếu tố đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe phụ nữ từ 18 tuổi đến 44 tuổi.
Phương Thanh (tổng hợp)