Một em bé đang được tiêm vắcxin. Ảnh: WHO.
Trong báo cáo về tiêm chủng toàn cầu ngày 15/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết từ năm 2010 tỷ lệ trẻ tiêm phòng ba loại vắcxin bạch hầu, uốn ván, ho gà và một liều vắcxin sởi đã bị đình trệ ở mức 86%. Tỷ lệ này là quá thấp, bởi để bảo vệ tốt cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắcxin phải đạt 95% số trẻ.
50% trẻ em không được tiêm vắcxin tập trung ở 16 quốc gia nghèo và có xung đột bao gồm Afghanistan, Trung Phi, Chad, Congo, Ethiopia, Haiti, Iraq, Mali, Nigeria, Niger, Pakistan, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen. Nếu đổ bệnh, trẻ em tại những nước này dễ gặp hậu quả nghiêm trọng vì khó tiếp cận với dịch vụ y tế.
"Vắcxin là một trong những công cụ quan trọng nhất của loài người để phòng tránh dịch bệnh", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO nói. "Thế nhưng, đối tượng có nguy cơ nhất lại thường không được tiêm vắcxin. Có quá nhiều người bị bỏ lại phía sau".
Do tỷ lệ tiêm vắcxin thấp, thế giới đang chứng kiến sự tăng đột biến của số ca bệnh sởi. Ba tháng đầu năm 2019, số ca sởi được báo cáo trên toàn cầu tăng bốn lần so với cùng kỳ năm 2018, từ 28.000 ca lên 112.000 ca. Theo WHO, số bệnh nhân sởi thực tế của năm 2019 có thể lớn hơn rất nhiều bởi chỉ khoảng một phần mười được báo cáo.
"Bệnh sởi chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần làm nhiều hơn để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm", Henrietta Fore, giám đốc điều hành UNICEF nhận định. "Chúng ta cần nỗ lực hết mình để tiêm chủng cho trẻ em".
Theo vnexpress